Mãnh hổ - truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG

Đêm sâu, từ xa vẳng lại tiếng hổ gầm. Ông Vận mắt thao láo nhìn lên mái nhà sàn. Chiếc giường bện bằng thanh cây lồ ô chốc chốc lại rung lên bần bật dưới tấm lưng trần vạm vỡ của người đàn ông. Tiếng cá quẫy dưới đầm ủng oảng nghe gợi buồn. Ông Vận từ từ choàng dậy, lấy bùi nhùi đánh lửa. Cậu con trai khép nép đứng sau lưng, tỉnh như sáo: “Trời đã sang canh ba rồi sao thầy còn chưa đi ngủ?”.

Ðôi mắt người đàn ông vẫn không rời bếp lửa, nơi có những tiếng nổ của than củi lép bép vui tai: “Thằng Hai mày chưa ngủ hở? Thức khuya làm gì có hại sức khỏe”. Người con trai nhìn chòng chọc vào gương mặt người cha, giọng ngập ngừng: “Con biết thầy định đấu với lão hổ”.

Người đàn ông thoáng giật mình, chột dạ: “Thằng Hai giỏi thật. Chuyện thầy ấp ủ trong lòng mà mày cũng tỏ tường”. Nói dứt lời, ông cười khan. Tiếng cười bén như gươm chém lụa: “Vậy ý con thế nào? Ủng hộ thầy đánh hổ, cứu dân làng, hay co đầu rụt cổ nơi xó bếp?”. Người con trai giương đôi mắt lên nhìn cha, khẩn khoản: “Thầy ơi! Thầy đã già rồi. Sức thầy không địch lại lão hổ. Hãy để cho con tiêu diệt ác thú cứu dân làng!”.

Ông Vận lại bật cười, nhưng nụ cười lần này xen lẫn sự khoái trá: “Ha! Ha! Ha! Ðược lắm! Không uổng công ta nuôi dạy con. Phàm làm người thanh niên phải có khí phách, anh hùng, dám xả thân vì sự bình yên của mọi người. Nghe con nói thế ta mãn nguyện lắm rồi. Song chuyện đánh hổ không phải chỉ có sức mạnh là đủ, còn phải có bản lĩnh, mưu trí. Chuyện này là chuyện của thầy, con không được can dự vào”.

Sự kiên quyết của người cha khiến cậu con trai mặt buồn rười rượi. Xưa nay cậu thừa hiểu bản tính của cha, đã nói là làm. Người đàn ông nói thì nói vậy, nhưng trong thâm tâm rất thương con trai, từ từ quay mặt lại, cất lên giọng nói trầm buồn: “Ngày mai thầy đả hổ, nếu không may bỏ mạng thì con hãy đưa xác thầy về chôn bên mộ u ở Hóc Nhum và phải hết lòng trao truyền võ nghệ cho đám thanh niên làng Tổng để bảo vệ sự bình yên cho xóm làng con nhé!”. Cậu thanh niên gạt nước mắt, nói rành rọt: “Xin thầy đừng nói gở. Con tin rằng thầy sẽ chiến thắng lão hổ!”.

*

Ðó là con hổ già cụt đuôi, dân làng Tổng quen gọi là lão hổ, sống lâu năm trên núi Gàu Dây, to như con bò mộng, nổi tiếng hung dữ. Qua dấu chân nó để lại, dân làng Tổng dùng bàn chân người lớn tuổi đo chiều dài con hổ tới mười bước. Ðã có hơn chục người làng Tổng bị lão hổ vồ. Các võ sĩ môn sinh của ông Vận không ai địch lại lão hổ. Cho đến một hôm, ông Vận vai vác rựa, tay xách thùng đi lấy dầu rái trên núi cao. Xong việc, ông Vận nhuốm lửa lùi khoai rừng, bỗng đâu vang lên tiếng gầm rung rinh vách núi. Biết chắc là gặp hổ cụt đuôi, ông Vận chuẩn bị tư thế đối phó. Nhìn thùng dầu rái, ông Vận chợt nảy ra sáng kiến nấu dầu rái đánh hổ.

Ông Vận nhặt mấy viên đá núi chông chênh đặt trên đống lửa, cắm cúi thổi cho ngọn lửa bùng lên. Thùng dầu rái thoáng chốc sôi sùng sục. Tích tắc lão hổ nghe có hơi người, vọt đến nhe nanh tấn công. Ông Vận huơ rựa lên chém hổ. Người và hổ vờn nhau ăn miếng, trả miếng đến nửa buổi, ông Vận lừa cho lão hổ phi tới, ông tránh sang một bên, thuận tay tạt nguyên thùng dầu rái vào mình ác thú. Con hổ cụt đuôi gầm lên đau đớn, phóng xuống núi mất hút.

Từ đó trở về sau không ai thấy lão hổ. Có tin đồn người ta nhìn thấy bộ xương lão hổ nằm trên phiến đá ở dưới hố sâu. Ðó là chuyện của mười năm về trước, mờ dần trong ký ức của người dân làng Tổng. Thế mà bây giờ bỗng dưng lão hổ xuất hiện, một đêm vồ mất hai mạng người khiến dân làng Tổng hoang mang cực độ, không ai dám lên rừng trẩy lúa nướng. Ông Vận là trưởng làng, nhận lấy trách nhiệm bằng mọi giá phải diệt cho được thú dữ, bảo vệ dân làng.

Canh tư. Ông Vận ăn uống no nê, mặc đồ chẽn bó sát thân, lặng lẽ vác giáo lên núi tìm hổ dữ. Ông ra đi, duy nhất cậu con trai biết việc làm của cha, nhưng ông Vận cấm đoán: “Thằng Hai ở nhà đến chiều tối không thấy thầy về thì hôm sau lên núi Gàu Dây tìm xác thầy”. Cậu con trai nước mắt chảy ròng ròng: “Sao con lo quá thầy ơi!”. Người đàn ông nhìn con, nghiêm sắc mặt: “Thằng Hai mới thổi vào thầy niềm tin chiến thắng, sao giờ ủy mị vậy? Mày là con trai ta không được yếu hèn! Hãy sống cho đáng mặt thanh niên làng Tổng!”.

Ông Vận dứt áo ra đi, cứng rắn mà nói với con như thế, nhưng khi quay lưng, cất bước, lòng ông cũng rối bời: “Con trai ơi! Tội nghiệp cho con biết bao nhiêu! Con hãy tha lỗi cho thầy. Thầy đi phen này lành ít dữ nhiều. Nếu thầy không về nữa, con hãy vui sống với dân làng Tổng. Thầy không thể mãi ở bên con suốt đời”.

Người đàn ông dừng lại đúng cái nơi mà mười năm trước, ông và lão hổ giao đấu. Ðó là một trảng đất vuông vức và tương đối bằng phẳng. Xung quanh toàn cổ thụ ôm cả ôm không xuể, rải rác có những viên đá núi lòi xòi. Ông Vận đặt cây giáo xuống một bên, ngồi tựa lưng vào gốc cây lớn nghỉ tạm. Bất chợt vang lên tiếng soạt cực lớn, lá rụng rào rào, kèm theo mùi hôi thối kinh khủng. Người đàn ông bật dậy, chộp cây giáo thủ trong tay, mắt nhìn quanh. Chính giữa con đường lên dốc núi, lão hổ đã ngồi lù lù ở đó tự bao giờ. Ông Vận mừng thầm: “Ác thú! Tao đang đi tìm mi, không ngờ mi tự dẫn xác đến nộp mạng”. Bao năm không gặp, con hổ già vẫn to như xưa. Bộ lông mặt vằn đen, vằn vàng đan xen tươi rói như tranh vẽ. Giống như mười năm qua, nó ngủ một giấc ngủ dài, giờ giật mình thức dậy. Nó không để lại chút vết tích nào từ cái lần bị dính nguyên thùng dầu rái. Chắc là nó còn nhớ thù xưa với lão Vận. Thoáng thấy ông Vận đứng lên, con thú gầm nghiến: “À…ư…ơ…ơm…!!!...À…ư.ơ.m!!!”. Tiếng gầm vang động núi rừng. Hàm râu mép rung rung theo từng cái táp phầm phập vào không khí. Người yếu bóng vía nhìn thấy thôi cũng đủ chết khiếp. Ông Vận nhớ tới những sinh mạng của dân làng Tổng, ông đùng đùng nổi giận: “Súc sinh kia, hôm nay mi phải chết!!!”.

Lão hổ nhảy thốc lên cao nhắm người ông Vận vồ xuống. Ông Vận lẹ mắt tránh sang một bên, huơ giáo đâm trái một nhát. Con hổ vồ hụt ông Vận, mất đà va cả thân mình vào gốc cây, ngọn giáo sượt theo. Sau cú vồ hụt bị đau, con ác thú lồng lộn, quay phắt đầu lại, nhảy xổ vào ông Vận. Lần này ông Vận lách nhẹ một cái thuận tay đâm vào mạn sườn con hổ một nhát cực mạnh. Con hổ già gầm lên đau đớn, máu phun đỏ một khoảnh đất. Bị trúng đòn, lão hổ điên tiết tấn công đối thủ bằng những đòn táo bạo, không để cho ông Vận rảnh tay. Lại một ngọn giáo nữa đâm trúng lão hổ. Lần này đâm thủng ruột con ác thú. Nó càng đau, càng hung hãn xông tới. Ðánh nhau đến xế chiều, lão hổ bị thêm ba nhát. Con thú bắt đầu kiệt sức. Ông Vận cũng sắp tàn hơi. Bỗng nhiên con hổ dùng hết sức lực từ trên cao vồ xuống. Ông Vận chống ngược mũi giáo lên trời, ngồi thụp xuống. Cả cái xác đồ sộ của lão hổ từ trên cao phủ xuống bị nguyên mũi giáo xuyên thủng vào bụng lần nữa. Con hổ rống lên rồi ngã phịch sang một bên. Ông Vận cả mừng lao tới rút ngọn giáo, bất thần lão hổ vùng dậy vồ đại vào người ông Vận. Người đàn ông ôm mặt lảo đảo, máu từ mười đầu ngón tay trào ra, chất độc của cây thần linh, mủ cọng ở móng vuốt con thú lan nhanh vào cơ thể. Ông Vận nằm oằn oại trên vũng máu. Con ác thú gục chết một bên. Trước lúc tắt thở ông Vận còn phều phào: “Thằng Hai ơi! Bà con làng Tổng ơi! Ta đã trừ được mối họa…”.

*

Năm xưa có một thanh niên mặt mũi khôi ngô, tuấn tú ở đất kinh Bắc lên đường vào Nam lập nghiệp. Ngày tháng sống vất vưởng theo dòng đời trôi nổi, ai thuê gì anh ta làm nấy. Kiếm được miếng ăn ở xứ người thật khó khăn, dám mơ chi đến mái ấm gia đình. Trời run rủi thế nào chàng lạc bước đến làng Tổng. Hồi ấy, làng Tổng nổi tiếng là lãnh địa của loài hổ. Ðường sá đi lại hiểm trở nên cuộc sống của người dân làng Tổng cách biệt với dân miền xuôi. Vận hiền lành chịu thương, chịu khó, hay giúp đỡ người khác nên dân làng Tổng ai cũng quý. Nhìn thấy cảnh đêm đêm dân làng Tổng đốt lửa đuổi hổ, Vận hiến kế cho các lão làng: “Ta có đầm lầy bao la, cất nhà sàn trên đó ắt tránh được thú dữ”. Nghe Vận trình bày, các lão làng vỗ tay đôm đốp: “Ôi! Một sáng kiến đáng giá ngàn vàng!”. Vận vào rừng đốn gỗ, cắt tranh dựng một ngôi nhà sàn xinh xắn trên đầm lầy mọc toàn bông súng. Bà con làng Tổng trông kiểu dáng ấy mà làm theo. Vận còn bày bà con cách bẫy hổ. Anh đóng cọc trên đầm treo con bê sống lên, khi bóng chiều đổ về phía chân núi, hổ ngồi trên núi trông thấy ngỡ con mồi đang ở gần liền phóng đại xuống vồ. Thế là lọt thỏm xuống bùn mất xác. Những đêm trăng sáng, Vận còn dạy võ cho đám thanh niên trong làng. Chẳng bao lâu, anh được dân làng Tổng suy tôn làm trưởng làng.

Hôm nọ Vận lên núi hái trái cây, lúc trở về chàng định xuống suối uống nước, lúc vừa đặt chiếc gùi xuống đất, trước mắt anh chợt hiện ra thân hình con gái trắng muốt. Nàng đứng quay lưng về phía Vận tắm nắng. Mái tóc đen nhánh, xõa dài, những đường nét thanh xuân ngồn ngộn, gợi cảm xôn xao trong nắng. Mắt Vận như bị thôi miên, chàng sợ người ta bắt gặp cái tội nhìn trộm con gái tắm. Anh muốn rút lui mà bàn chân không nhấc lên nổi, máu dồn lên mặt nóng bừng, hơi thở gấp gáp. Khi người con gái bắt đầu mặc quần áo, Vận mới hấp tấp mang gùi sải chạy xuống núi như kẻ mất hồn. Có tiếng gọi vẳng vẳng sau lưng. Chàng thừa biết cô gái đang gọi anh là Linh Huê, con của vị trưởng làng. Chàng cắm đầu chạy như cơn lốc.

Buổi chiều. Khi hoàng hôn buông xuống, Vận mải mê giăng câu trên đầm, một chiếc xuồng con mon men lướt đến: “Anh Vận!”. Vận khẽ rùng mình: “Huê đi đâu?”. Cô gái dịu dàng: “Em đến xem anh giăng câu. Hôm qua cớ sao anh chạy như ma đuổi vậy? Em gọi mãi, anh vẫn không quay lại”. Vận cúi mặt lắp bắp: “Ơ, anh đâu có nghe ai gọi bao giờ!”. Cô gái nói giọng run run: “Anh đang nói dối với Huê ư? Em còn biết anh xuống núi khi nào”. Vận xấu hổ là cà, lục cục trong cổ họng: “Nghĩa là… Nghĩa là…”. Cô gái ngước mặt lên thơ ngây nhìn Vận: “Ờ, em biết anh nhìn trộm…”. Ðến lúc này, Vận chột dạ: “Xin lỗi Huê, anh vô tình!”. Giọng nói cô gái bắt đầu mềm môi: “Không lỗi phải gì hết. Em bắt đền anh đấy!”. Nỗi lo sợ của Vận càng tăng dần lên: “Huê ơi! Anh không cố ý thật mà. Huê muốn sỉ vả anh thế nào cũng được, nhưng đừng cho ai biết…”. Cô gái vén mái tóc sang một bên, ngoái nhìn Vận, khóe mắt ngấn nước...

Từ xa xưa, dân làng Tổng có tục lệ hễ người con trai nào nhìn thấy người con gái khỏa thân là phải cưới làm vợ. Bằng không sẽ bị đuổi ra khỏi làng vĩnh viễn. Vận chẳng những không bị đuổi ra khỏi làng mà còn vui mừng như mở cờ trong bụng. Thì ra Huê đã thầm thương, trộm nhớ Vận lâu rồi. Vận phải cái tội nhát gái nên người đẹp giả bộ dùng lệ làng.

Năm sau, Huê sinh cho Vận một bé trai kháu khỉnh. Họ sống với nhau hạnh phúc tràn đầy và trở thành thần tượng cho lớp trẻ trong làng. Thế rồi một hôm Vận lên rừng đốn củi, bọn Tây mắt xanh mũi lõ theo chân Việt gian lên núi Gàu Dây tìm kho vàng, tình cờ chúng phát hiện những ngôi nhà sàn mọc trên đầm lầy. Người mẹ trẻ đang say sưa nựng con không hay hai thằng Tây giương súng lăm lăm trong tay. Lần đầu tiên Huê trông thấy thằng Tây cao to, chân tay đầy lông lá vàng suộm, mắt đục ngầu nhìn cô hau háu. Cô ríu lưỡi, run lên bần bật. Trước vẻ đẹp mặn mòi của người phụ nữ một con, hai thằng Tây hồng hộc thi nhau hãm hiếp. Bản năng tự vệ, Huê giãy đạp, cấu xé. Khi dân làng tìm Vận về đến nơi thì Huê chỉ còn là cái xác không hồn, mình lỗ chỗ vết đạn. Ðứa con trai hai tuổi dũi đầu vào ngực tìm vú mẹ.

Quyết tâm trả thù cho vợ và bảo vệ sự bình yên cho bà con xóm làng, Vận tổ chức cho thanh niên trong làng đánh Tây. Một sáng, sương giăng kín núi Gàu Dây, Vận và đám thanh niên trong làng mật phục, giương nỏ ngồi im trên những hàng cây bên dốc núi. Quãng nửa buổi, nắng lên, sương bắt đầu tan dần cũng là lúc bọn Tây rùng rùng kéo lên. Gã Việt gian mặc đồ nhà binh, súng lăm lăm trong tay nghênh ngang dẫn lối. Ðến con suối, gã nhảy qua gộp đá, tức thì tiếng nỏ tách! tách! vang lên. Gã trúng tên độc không kịp la, ngã nhào xuống vực sâu. Thằng Tây quan ba đi sau cao lênh khênh, mũi lõ, da đỏ ửng như da con kênh kênh, mắt xanh lè như mắt mèo hoang, đầu đội ca lô, áo nhà binh, quần soóc màu lúa chín, vai đeo súng trường vừa đặt chân đến gộp đá ven suối cũng bị tên độc rơi phịch xuống tảng đá, nằm vắt vẻo. Gã chết mà mắt còn mở trừng trừng vì kinh hãi. Hơn chục thằng Tây đi sau từng tên một qua khúc quẹo là bị bắn hạ. Còn sót vài thằng chạy ào xuống núi té ngã u đầu, sứt trán. Cách mấy ngày sau, một trung đội lính Pháp người Âu Phi cùng đi với Việt gian kéo lên núi để trả thù cho đồng bọn. Kết cục chúng trúng bẫy đá và tên độc của thanh niên làng Tổng, không còn đường trở về. Từ đấy bọn Tây và Việt gian không dám bén mảng đến núi Gàu Dây và làng Tổng.

*

Bà con làng Tổng: già, trẻ, trai, gái bất chấp đêm hôm tăm tối cọp beo, họ đốt đuốc sáng rừng kéo lên núi Gàu Dây tìm người trưởng làng dũng cảm. Khi gà rừng cất lên tiếng gáy eo óc, dân làng mới tìm thấy xác ông Vận nằm trên vũng máu đông khô cạnh xác ác thú.

Người con trai của trưởng làng lao tới ôm xác cha gào khóc xé lòng: “Thầy ơi! Sao thầy nỡ bỏ con!!!”. Mọi người cùng òa lên khóc. Tiếng khóc của dân làng Tổng vang động núi rừng. Khi bà con đưa xác người trưởng làng thân yêu về yên nghỉ ở Hóc Nhum cạnh vợ ông thì trời đã sáng. Hôm ấy, trời bỗng âm u, nổi cơn giông tố như chia sẻ nỗi đau của dân làng Tổng.

Bây giờ làng Tổng đã trở thành vùng kinh tế mới, dân cư đông đúc, nhà cửa khang trang. Nghe nói người ta tìm đến nơi ông Vận đả hổ ngày xưa xây miếu tôn thờ, bốn mùa hương khói để tưởng nhớ người đã có công xây dựng làng Tổng và diệt trừ thú dữ, bảo vệ dân làng.

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270450/manh-ho-truyen-ngan-cua-tran-quoc-cuong.html