Mạnh dạn thay đổi tư duy, nông dân Ninh Bình giàu lên nhanh chóng nhờ ứng dụng công nghệ cao

Để nâng cao giá trị sản xuất trong bối cảnh quỹ đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang chủ động liên kết trong các HTX, tổ hợp tác, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao.

Kể từ năm 2022 đến nay, huyện Yên Mô đã tích cực triển khai Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025.

Thúc đẩy công nghệ cao

Để đưa Nghị quyết vào thực tế, huyện đã “mở màn” bằng việc hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng 4 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích tối thiểu 1.000m2 để trồng dưa và rau theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel, tập trung ở 3 xã Yên Phong, Yên Từ và Mai Sơn.

Đến nay, các mô hình đã bắt đầu cho kết quả tích cực. Điển hình như mô hình của ông Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong, với 2 nhà màng hiện đại, tổng diện tích 2.000m2, trồng chuyên canh giống dưa lưới xanh công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ cao đang giúp nhiều nông dân ở Ninh Bình làm giàu bền vững.

Ông Quyên cho hay, sau khi nhận được sự đồng hành của địa phương về kỹ thuật, đồng thời được cam kết hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng, gia đình ông bắt tay vào xây dựng nhà lưới và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó thu nhập được nâng lên đáng kể.

Ngay từ năm đầu tiên, gia đình ông Quyên thu được 16 tấn dưa với giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí có lãi gần 400 triệu đồng. Với hiệu quả từ cây dưa đem lại, năm 2023, ông Quyên tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới lên 7.000 m2 với tỷ lệ quay vòng 4 vụ/năm.

Đáng chú ý, quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Yên Mô đang có dấu ấn đậm nét từ các HTX, tổ hợp tác. Điển hình như HTX nông nghiệp Vân Trà, xã Yên Thắng, với mô hình trồng rau má VietGAP, hữu cơ.

Thời gian qua, HTX đã áp dụng kỹ thuật hiện đại nhất trong việc giữ trọn vẹn được độ tươi ngon của sản phẩm, sau khi rau má tươi được rửa sạch sẽ đưa vào sấy lạnh trong 24 giờ, độ ẩm tối ưu trong máy sấy lạnh sẽ giúp rau má giữ nguyên được dược tính, cùng với đó kết hợp đèn UV diệt khuẩn sẽ giúp sản phẩm sau chế biến bảo quản được lâu hơn.

Tiếp theo rau má sẽ được đưa vào nghiền bằng cối đá granite thêm 12 giờ nữa nhằm giữ được nguyên bản mùi vị và màu sắc. Mọi quy trình từ khâu sản xuất đến đóng gói bao bì đều khép kín và được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo tính toán để làm ra 1kg sản phẩm bột rau má thì cần khoảng 10kg nguyên liệu, với giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/kg.

Chú trọng liên kết trong sản xuất

Với những bước chuyển lớn sau khi tập trung phát triển vào sản phẩm rau má, HTX Nông nghiệp Vân Trà đã vinh dự đạt được những bằng khen của lãnh đạo huyện nói riêng và lãnh đạo tỉnh nói chung. Đặc biệt trong đó là bằng khen của tỉnh Ninh Bình trao tặng cho đơn vị hoàn thành xuất sắc kinh tế xã hội.

Ngoài ra, HTX cũng tự hào khi là đơn vị đảm bảo được thu nhập trung bình cho khoảng 40 người lao động là thành viên thường xuyên phục vụ các công tác chủ chốt của HTX, với bình quân thu nhập hằng tháng dao động từ 5-6 triệu đồng.

Cùng với Yên Mô, không ít địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang có được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho nông dân.

Sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, an toàn sinh thái đang tạo điểm tựa để Ninh Bình phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Như tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, để nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang đẩy mạnh liên kết, phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Hợp Tiến đang được đánh giá là đơn vị điển hình của kinh tế hợp tác tỉnh Ninh Bình. Hiện, HTX Hợp Tiến có gần 1.200 thành viên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 360 ha.

Những năm gần đây, HTX luôn đi đầu trong vận động thành viên dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng, cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Nhờ đó đã giảm số thửa bình quân/hộ từ 3,88 thửa xuống còn 1,3 thửa/hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm chi phí lao động 250-300 nghìn đồng/sào.

Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến cho biết, nhằm đảm bảo cho thành viên yên tâm sản xuất, HTX đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản tiêu thụ sản phẩm với sản lượng từ 300 - 400 tấn thóc/năm và đang tiếp tục mở rộng, phát triển dịch vụ này. Thu nhập bình quân đầu người của thành viên HTX hiện đạt 65 - 70 triệu đồng/năm.

Gắn nông nghiệp với du lịch

Với những điểm tựa đang có, Ninh Bình đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Mô hình sản xuất dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm của chị Hoàng Thị Lệ Diễm, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Sơn (xã Ninh Tiến, TP. Ninh Bình), với 2 giống cây trồng chủ lực là hoa cúc chi và hoa hướng dương, đang cho giá trị kinh tế cao.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều tour du lịch nông nghiệp hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Một ngày làm nông dân ở Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà (huyện Nho Quan); cánh đồng lúa Tam Cốc, đầm sen ở Hang Múa, vườn nho Hạ Đen (huyện Hoa Lư); cánh đồng dứa, đào phai, vườn cây ăn quả kết hợp nuôi con đặc sản ở Quèn Thờ (thành phố Tam Điệp)...

Để có được những thành công trên, thời gian qua, Ninh Bình đã liên tục có chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững.

Theo thống kê từ UBND tỉnh, tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Ninh Bình có sự tăng trưởng liên tục qua các năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt gần 150 triệu đồng. Đóng góp vào kết quả chung đó là nhiều mô hình, dự án trồng trọt được triển khai, đạt hiệu quả cao, được nhân rộng trong tỉnh, trở thành chương trình mang tính lan tỏa. Hiện tại, lĩnh vực trồng trọt có 257 mô hình, trong đó 148 mô hình thực hiện hiệu quả tiêu biểu được nhân rộng trở thành chương trình trồng trọt của tỉnh.

Tiêu biểu như chương trình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị, với quy mô ban đầu gần 16 ha, đến nay đã nhân rộng được hơn 1.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy để khắc phục những bất cập là nhiều mô hình trồng trọt đã được thực hiện hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng hoặc nhân rộng chưa nhiều; kịp thời chuyển đổi, thay thế các mô hình không hiệu quả để bảo đảm tăng hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/manh-dan-thay-doi-tu-duy-nong-dan-ninh-binh-giau-len-nhanh-chong-nho-ung-dung-cong-nghe-cao-1098254.html