Mạng xã hội đưa hiệu ứng 'thời trang nhanh' vào ngành xuất bản

Các cộng đồng sách trên mạng xã hội đã giúp nhiều tác phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, một số tác giả nhanh chóng ra các phần tiếp theo khi chưa kịp chỉnh sửa hoàn chỉnh.

Nếu từng tham gia cộng đồng sách trên TikTok (còn được gọi là BookTok) thì hẳn độc giả đều biết về cuốn Fourth Wing - tác phẩm được ra mắt năm ngoái của Rebecca Yarros.

Sức hút mạnh mẽ nhờ mạng xã hội

Cuốn tiểu thuyết này được xuất bản vào ngày 2/5/2023 và phần tiếp theo Iron Flame được ra mắt chỉ sau đó 6 tháng, vào ngày 7/11/2023. Tác phẩm này đã bán hết trên Amazon chỉ trong vòng 12 giờ đầu tiên.

Trong khi nhiều người cho rằng Yarros có thể xuất bản hai tác phẩm này tương đối nhanh vì bà đã chuẩn bị trước nội dung, thì việc ra mắt Fourth Wing diễn ra đúng vào thời điểm lượng độc giả quan tâm tới thể loại “romantasy”, kết hợp giữa lãng mạn và giả tưởng, tăng vọt.

Tác giả Rebecca Yarros xin lỗi độc giả vì chưa hiểu hết tiếng Gaelic được dùng trong tác phẩm của mình. Ảnh: Bloomberg.

Do đó, một câu hỏi mới nảy sinh trong cộng đồng độc giả: Có phải các nhà xuất bản và tác giả đang ra mắt tác phẩm một cách rất nhanh chóng và điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm không?

Vào ngày phát hành Iron Flame, tác giả Yarros và chuỗi hiệu sách Barnes & Noble đã tổ chức một buổi ra mắt có phần hỏi đáp, trong đó bà Yarros xin lỗi vì chưa hiểu rõ và phải tìm cách phát âm các từ và tên tiếng Gaelic Scotland trong tiểu thuyết của mình.

Yarros và nhà xuất bản của bà, Red Tower Books, cũng vấp phải nhiều chỉ trích về việc lạm dụng tiếng Gaelic. Nhiều người cho rằng những sai sót đó có thể tránh được nếu nhà xuất bản thuê người rà soát lại những từ tiếng Gaelic được sử dụng trong cuốn sách và chuẩn bị tốt hơn cho bà Yarros khi tham gia các cuộc giao lưu và phỏng vấn.

Vậy mạng xã hội có liên quan gì tới việc này? Trên thực tế, BookTok là một trong những lý do giúp Fourth Wing, ngay trong tuần đầu tiên xuất bản, đã đứng đầu Danh sách tác phẩm bán chạy nhất của New York Times, bất chấp mọi lời chỉ trích như trên.

Hiệu ứng thời trang nhanh

Tình trạng trên nêu bật một số điểm tương đồng giữa thế giới xuất bản hiện đại và một ngành công nghiệp đương đại khác: thời trang nhanh. Trong ngành thời trang, quần áo được chuyển từ khâu thiết kế, sản xuất đến cửa hàng một cách chóng vánh để theo kịp xu hướng thời trang của khách hàng. Và thường những món đồ này thường có giá rẻ và chất lượng thấp, và được đưa đến các cửa hàng bán lẻ với hy vọng bán hết nhanh chóng trước khi những món đồ theo kịp xu hướng khác được tung ra.

Việc Iron Flame được ra mắt quá sát ấn bản đầu dấy lên câu hỏi về chất lượng tác phẩm. Ảnh: Bloomberg.

Cách tiếp cận tương tự này đang nổi lên trong thế giới xuất bản, một phần nhờ vào mạng xã hội. Hiện tại, mạng xã hội đang thu hút độc giả tới một thể loại hoặc một nhóm trào lưu văn học cụ thể. Và các nhà xuất bản và tác giả sẽ nhanh chóng bắt kịp sự quan tâm lớn này bằng việc đẩy nhanh tốc độ ra mắt tác phẩm. Điều này có thể dẫn đến chất lượng sách giảm sút khi việc viết và biên tập không thể phát huy hết tiềm năng tối đa.

Bộ Fourth Wing mang đủ đặc điểm của hiệu ứng thời trang nhanh khi bà Yarros kết hợp được hai thể loại yêu thích của độc giả trên mạng xã hội là lãng mạn và giả tưởng. Thêm đó, tình tiết và nhịp độ nhanh của cuốn sách cũng thu hút được sự chú ý của nhiều độc giả.

Với lượng độc giả của Fourth Wing tăng đột biến, không có gì lạ khi cả nhà xuất bản Red Tower Books và tác giả đều tận dụng sức nóng để ra tiếp các nội dung liên quan.

Red Tower Books mới hoạt động được khoảng 2 năm nhưng họ đã kịp xuất bản được một số cuốn sách giả tưởng gây tiếng vang nhất trong thập kỷ này. Vào cuối năm 2023, Red Tower Books thậm chí đã ra mắt một tác phẩm chưa từng thấy. Họ chỉ đơn giản ra thông báo về một tác phẩm có liên quan đến Fourth Wingvà thậm chí không có tiêu đề hay ảnh bìa. Nhưng chỉ lượng thông tin ít ỏi đó cũng giúp cuốn sách này bán hết. Và khi độc giả cầm trên tay, họ mới biết mình nhận được ấn bản đặc biệt của Fourth Wing.

Sức nóng quá mức như vậy có thể là lý do bộ truyện ban đầu dự kiến gồm 3 cuốn nhưng hiện được kéo dài thành 5 cuốn.

Với một tác phẩm ăn khách như vậy, việc tác giả vận dụng sai tiếng Gaelic, trong đó có một lỗi rõ ràng nhất là để tính từ đứng sau danh từ, lại càng khiến công chúng quan tâm.

Tiếng Gaelic của Scotland là một trong nhiều ngôn ngữ được các tác giả truyện giả tưởng lấy cảm hứng. Tuy nhiên, không phải ai cũng truyền bá ngôn ngữ này một cách tích cực. Ví dụ, tác giả Sarah J. Maas, được biết đến nhiều nhất với cuốn A Court of Thorns and Roses, đã bị chỉ trích vì lạm dụng ngôn ngữ này.

Việc có sai sót như vậy không có nghĩa là những cuốn sách như Fourth Wing có chất lượng thấp. Tuy nhiên, điều quan trọng là tác giả phải hiểu được tài liệu và lịch sử mà họ đưa vào sách của mình. Theo tờ Campus Times, việc các tác giả sử dụng lịch sử và ngôn ngữ của các nhóm thiểu số làm nguồn cảm hứng cho sách và giúp độc giả tiếp cận với những nền văn hóa này là một điều tuyệt vời.

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ ra mắt mà bỏ qua một số khâu xuất bản là không công bằng đối với toàn bộ độc giả, đặc biệt là những người có yêu cầu cao đối với chất lượng tác phẩm.

Trong khi bản chuyển thể truyền hình của bộ truyện Fourth Wing gồm 5 cuốn (3 phần sau chưa được ra mắt) đã được hai đơn vị Amazon MGM Studios và Outlier Society mua lại, thì sẽ thật tai hại nếu các thuật ngữ Gaelic tiếp tục bị phát âm sai trên màn ảnh.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/mang-xa-hoi-dua-hieu-ung-thoi-trang-nhanh-vao-nganh-xuat-ban-post1456878.html