Mang lại cơ hội sống cho động vật hoang dã

Nhiều năm qua, cán bộ quản lý, bác sỹ thú y, viên chức làm công tác cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) luôn tận tâm với công việc, chấp nhận đối mặt với hiểm nguy để mang lại cơ hội sống cho nhiều động vật quý, hiếm, nguy cấp.

Dù đã nhiều lần tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên nhưng đợt tái thả ngày 20/12/2023, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên - ông Trần Văn Tú cũng như những viên chức công tác tại đây không giấu được xúc động bởi 17 cá thể gồm cầy vòi mốc, mèo rừng, don, rùa đầu to, rùa núi viền, diều hoa Miến Điện, diều hâu đen và cắt lớn được chăm sóc bấy lâu (có những cá thể đã gắn bó vài năm như cá thể diều hoa Miến Điện) nay “rời xa” trung tâm, trở về môi trường tự nhiên. “Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi nhìn thấy những cá thể động vật hoang dã khỏe mạnh, tự do trở về môi trường tự nhiên. Điều đó tiếp thêm động lực cho chúng tôi thực hiện sứ mệnh mang lại cơ hội sống cho động vật hoang dã”, ông Trần Văn Tú trải lòng.

Được nghe và tận mắt nhìn mới thấy những nỗ lực của cán bộ quản lý, bác sỹ thú y, viên chức làm công tác cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên. Phần lớn cá thể động vật hoang dã khi tiếp nhận trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, bị lạm dụng cơ thể, không được vệ sinh, chăm sóc hoặc bị thương do dính bẫy… nên đòi hỏi người chăm sóc phải tốn nhiều công sức và phải thực sự tâm huyết.

Không những vậy, những người công tác tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên luôn phải đối mặt với nguy hiểm, bởi với bản năng sinh tồn, những cá thể động vật hoang dã sẵn sàng tấn công tất cả các đối tượng mà chúng cho là gây ra mối nguy, kể cả người chăm sóc. Đặc biệt, loài vật hoang dã bị con người vây bắt và làm tổn thương cơ thể thường rất hung dữ. Khi thấy bóng người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Ngoài ra, cá thể động vật hoang dã rất dễ lây bệnh chéo giữa các loài với nhau và lây bệnh cho người khi tiếp xúc (bệnh dại, bệnh do xoắn khuẩn, cúm) hoặc qua nọc độc (rắn hổ chúa, rắn hổ mang…).

Khó khăn và nguy hiểm là vậy nhưng cán bộ quản lý, bác sỹ thú y, viên chức làm công tác cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên luôn tận tâm với công việc để cứu sống được nhiều động vật hoang dã, đồng thời mở ra “cơ hội” cho chúng trở về tự nhiên. Giai đoạn 2021 - 2023, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận 109 vụ với 270 cá thể. Các loài động vật được cứu hộ chủ yếu là các loài nguy cấp, quý, hiếm được quy định trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Cũng trong thời gian này, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã thực hiện tái thả 6 đợt, trong đó tái thả vào Vườn Quốc gia Hoàng Liên 3 đợt với 75 cá thể, gồm các loài mèo rừng, cu li nhỏ, trăn đất, rùa đầu to, cầy vòi mốc; phối hợp với Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) tái thả 2 vụ với 69 cá thể động vật hoang dã và Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) tái thả 1 vụ với 10 cá thể động vật hoang dã. Qua đó đã góp phần khôi phục đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen tại các khu vực có phân bố của loài.

Tính đến ngày 15/2/2024, trung tâm đang quản lý, chăm sóc, bảo vệ 117 cá thể thuộc 32 loài, trong đó 23 loài (chiếm 71,88%), 95 cá thể (chiếm 81,2%) thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên. -

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mang-lai-co-hoi-song-cho-dong-vat-hoang-da-post380725.html