Màn trình diễn kịch tính của nghệ thuật Baroque

Thoát ra khỏi giá trị vĩnh cửu của nghệ thuật Phục hưng, nghệ thuật Baroque Italy tập trung vào sự sôi sục của thời đại.

Tranh Caravaggio vẽ cảnh Judith chặt đầu Holofernes. Ảnh: The Times.

Trong suốt thời kỳ Phục hưng, việc Martin Luther chống lại tình trạng thối nát của Giáo hội Công giáo (như việc bán phép giải tội, tức là tha thứ cho mọi tội lỗi và đảm bảo cho người mua một chỗ trên thiên đường) sau cùng đã biến thành một Cuộc Cải cách tạo ra thay đổi về quyền lực.

Vào giữa thế kỷ 17, Giáo hội Công giáo La Mã đã nhận ra sự tan rã này và bắt đầu bám víu vào nghệ thuật hòng chống lại khuynh hướng đó. Sự bảo trợ của Giáo hoàng vẫn đảm bảo cho Rome vị trí trung tâm của nghệ thuật phương Tây, đồng thời giữ vững vị thế là nhà tài trợ lớn nhất. Lúc này, Giáo hội khuyến khích các nghệ sĩ thoát khỏi sự kiềm chế của văn hóa Phục hưng và thu hút sự chú ý của những kẻ mộ đạo... với hy vọng sẽ thu phục nhân tâm của họ.

Thoát ra khỏi giá trị vĩnh cửu của nghệ thuật Phục hưng, nghệ thuật Baroque Italy tập trung vào sự sôi sục của thời đại. Nó tìm kiếm sự tham gia của chúng ta, nó lôi ta vào, khuấy động ta và rồi đánh bại ta. Cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ và người thưởng lãm đã trở nên kịch tính một cách sâu sắc hơn.

Caravaggio là một gã đổ đốn. Ông nổi tiếng khắp thành Rome vì hai thứ: một là tính khí hung bạo (ông từng giết một bạn đồng môn trong một trận thể thao) và điều thứ hai còn ghê gớm hơn nữa là phong cách vẽ tranh mới mẻ và dữ dội của mình, phong cách đã lan rộng như lửa thiêu khắp cả châu Âu thời kỳ Baroque. Phong cách này gây ấn tượng mạnh với bạn bởi sự hung hãn, nguồn năng lượng và thứ ánh sáng chói lòa của sân khấu.

Trong những tác phẩm như Judith chặt đầu Holofernes (khoảng 1598), các nhân vật chiếm trọn mặt tranh và được đẩy đến gần tiền cảnh đến nỗi trông chúng gần như đang nhảy bổ vào không gian của chúng ta. Một nguồn sáng bí ẩn đã tạo ra một khung cảnh huyền bí, lúc thì bị che giấu bởi bóng tối, khi thì được soi sáng (chủ nghĩa u tối hay “lối vẽ tối tăm”).

Dưới đôi tay của Caravaggio, những câu chuyện kịch tính trong Kinh thánh như bức Thánh Paul nhận mặc khải (1600-1601) bước ra cuộc sống xù xì và ghê rợn... những móng tay cáu bẩn và mọi thứ. Lần đầu tiên, những tín đồ thấp kém thật sự tìm thấy chính mình trong nghệ thuật. Những nhân vật lớn gần bằng người thật này trông như đang hiện hữu và rất quen thuộc.

Và rõ ràng là như thế. Caravaggio đã mời những người quen trên phố làm mẫu, thậm chí người ta còn đoán rằng ông đã dùng xác chết của một cô gái điếm để vẽ nhân vật Đức Mẹ trong bức họa Cái chết của một nữ đồng trinh (1606)!

Kathy Statzer/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/man-trinh-dien-kich-tinh-cua-nghe-thuat-baroque-post1422352.html