Mặn mòi xứ biển Mỹ Á

Nằm cuối dòng sông Thoa chảy ra cửa biển, làng Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quàng Ngãi) vẫn giữ được nếp sống của làng quê truyền thống với những ngôi nhà ba gian êm đềm dưới tán dừa đu đưa bóng mát. Những ngày này, tới Mỹ Á, có thể cảm nhận được hương Xuân đến từ vị mặn mòi của biển. Người dân ở đây bảo rằng, từ xa xưa cho đến tân ngày nay, biển khơi là nơi nuôi sống dân làng, giúp người dân xứ biển Mỹ Á đi qua thời gian khó, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cảng cá - nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân làng chài Mỹ Á. Ảnh: Văn Tánh

Cảng cá - nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân làng chài Mỹ Á. Ảnh: Văn Tánh

Biển nuôi làng chài no ấm

Bình minh chưa trườn qua nền biển, bến cá Mỹ Á nhộn nhịp tàu cá cập bờ bán hải sản sau chuyến vươn khơi. Trên bến dưới thuyền, tiếng nói cười rộn ràng cả làng biển trong những ngày cuối năm.

Thuyền trưởng Trần Công Trứ, tay lái tàu điệu nghệ, sau vài động tác đánh lái đã đưa tàu vào trong vũng neo đậu. Nhìn qua khe cửa con tàu, anh Trứ cười tươi như “địa chủ” được mùa. Thật vậy, sau non nửa tháng đánh bắt ở Hoàng Sa, anh và bạn thuyền mang về bờ hơn 10 tấn cá các loại. Thuyền chưa cập bến, nhưng chủ nậu đã đưa xe đông lạnh đến chờ sẵn. Bạn chài anh Trứ vội vã mở khoang chuyển cá lên bờ. Những con cá cờ to đến 3-4 người khiêng, cá thu nhồng mỗi con vài chục ký lô và cá ngừ sọc dưa, cá ngừ chù nhanh chóng rời khoang thuyền lên xe đông lạnh.

Tiếp theo tàu anh Trứ, nhiều con tàu sau chuyến xa khơi dài ngày nối nhau theo luồng vào cầu cảng, chuyển cá lên bờ bán cho thương lái. Từ đây, cá được vận chuyển đi khắp nơi và mang về cho nhân dân làng biển Mỹ Á cuộc sống ấm no, sung túc.

Tiếp chuyện tôi bên trên cầu cảng, ông Võ Xuân Cẩm, Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang trải lòng: “Làng biển Mỹ Á không trù phú như ở phố thị, nhưng nơi đây có nhiều thứ quý giá được người dân chắt chiu gìn giữ. Đó là tinh thần đoàn kết, lòng trân quý tài nguyên biển. Điều này đã giúp cho dân làng đứng vững trước những biến cố của thiên nhiên, làm ăn ngày một khấm khá. Năm nay, thiên tai khắc nghiệt, phí tổn leo thang, song, những con tàu đánh bắt tiền tỉ thì không phải là chuyện hiếm ở làng chài này”.

Như để minh chứng cho lời nói của mình là có thật, ông Cẩm đưa tay chỉ chiếc tàu lưới rê hơn 700 mã lực đang bán cá bảo: “Con tàu của thằng Trứ đây, năm nay thu trên 6 tỉ đó. Bạn đi làm với nó 12 đứa, mỗi đứa đút túi hơn 200 triệu đồng. Năm nào cũng vậy chứ đâu phải riêng gì năm nay. Nói biển mất mùa, chứ ngư dân ở đây đánh bắt ai cũng có thu nhập cao”.

Cùng góp chuyện, ngư dân Nguyễn Đình Cường phấn khởi chia sẻ: “Anh nhìn xem. Nhà lầu, xe kia, xe nọ… rồi những tiện nghi sang trọng của dân làng này đều lấy ở biển chứ đâu. Năm nay, thể nào bà con cũng ăn Tết to”.

Theo ông Huỳnh Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Quang, Mỹ Á có 342 phương tiện khai thác hải sản, trong đó, có 255 tàu đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản năm 2022 đạt 17 nghìn tấn, doanh thu trên 879 tỉ đồng.

Bảo vệ biển, giữ sinh kế

Người làng Mỹ Á có cách sống khác lạ so với xứ biển ở nhiều nơi. Cách sống này lý giải vì sao họ đứng vững trước những cơn bão biển, “bão giá” để năm nào cũng có vụ mùa bội thu. “Ở xứ này, ngư dân khá giả thì đóng tàu, còn bạn thuyền góp vốn mua lưới để cùng nhau mưu sinh. Tàu tôi cũng không ngoại lệ” - thuyền trưởng Trần Tấn Tám chia sẻ.

Tàu cá của ngư dân Mỹ Á vươn khơi. Ảnh: Văn Tánh

Tàu cá của ngư dân Mỹ Á vươn khơi. Ảnh: Văn Tánh

Không như làng biển khác, trước mỗi mùa đánh bắt, chủ tàu phải chạy vạy khắp nơi tìm kiếm bạn thuyền, để rồi bị lừa tiền, quỵt nợ mà chẳng biết kêu ai. Ở đây, cả làng cùng góp lưới tựa như đóng cổ phần. Những con tàu vươn khơi buông lưới, có bao nhiêu bạn thuyền thì chừng ấy là “cổ đông”. Người nghèo khó cũng được hỗ trợ góp lưới để có một chân trên tàu ra khơi. Nhờ đó, mà người Mỹ Á không bao giờ thiếu lao động, bởi con tàu là của chung, mỗi ngư dân có một phần trách nhiệm.

Từng làm chủ tàu, nhưng gia đình bị biến cố nên anh Nguyễn Văn Hiền phải bán hết tài sản trả nợ. Thấy bạn nghề sa cơ, thất thế, thuyền trưởng Tám cho anh Hiền mượn 50 triệu đồng góp lưới và cùng đi trên tàu mình. Chưa tròn năm, anh Hiền không chỉ trả nợ phần lưới, mà còn có tiền lo cho con ăn học. “Tôi biết ơn anh em nhiều lắm. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà giờ, gia đình tôi đã khá giả hơn” - anh Hiền thổ lộ.

Từng theo ngư dân bám biển, tôi tận mắt chứng kiến, khi tàu của ngư dân Mỹ Á lướt trên sóng, máy tầm ngư liên tục quay tròn, dò quét dưới lòng đại dương. Gặp đàn cá lớn, họ lên máy Icom gọi nhau í ới đến vây bắt. “Chúng tôi đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết. Nếu gặp đàn cá lớn mà ém nhẹm để bắt một mình thì bị mọi người trong làng chê trách dữ lắm” - thuyền trưởng Võ Khắc Trưởng tâm sự.

Làng chài Mỹ Á tuyệt nhiên không có tàu giã cào. Từ bao đời nay, ngư dân vẫn giữ nghề lưới vây, lưới cảng, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ biển và giữ gìn cho đàn cá sinh sôi...

Ngư dân Mỹ Á đưa cá lên bờ bán cho thương lái. Ảnh: Văn Tánh

Ngư dân Mỹ Á đưa cá lên bờ bán cho thương lái. Ảnh: Văn Tánh

Trung tá Phạm Lợi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phổ Quang, BĐBP Quảng Ngãi cho hay: “Ngư dân Mỹ Á có truyền thống can trường bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền. Địa phương này không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ đã hoàn thành vệc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”.

“Cái nghề ngư dân Mỹ Á đang làm chỉ đánh bắt con cá lớn, không cào tận diệt những đàn cá nhỏ. Anh nào đóng tàu giã cào là ra khỏi vạn chài, không được lên lăng thần Nam Hải” - lão ngư Nguyễn Xết nói như “đinh đóng cột”.

Việc đánh bắt của ngư dân Mỹ Á bây giờ cũng rất linh hoạt, hiệu quả. Bà con không chỉ chọn ngư trường quen thuộc Hoàng Sa mà khai thác nương theo chiều gió. Mùa biển động, họ theo dòng hải lưu xuôi tàu về phương Nam, đến vùng biển quần đảo Trường Sa khai thác. Đánh bắt có chọn lựa, né tránh được thiên tai, nên hàng năm họ mang về địa phương số lượng hải sản “khủng”.

Người làng biển sống cùng “chén cơm” mang về từ khơi xa. Ngư dân đánh bắt được nhiều, thì người trên bờ cũng có thu nhập cao. Từ chị buôn gánh, bán bưng, xây chì, vá lưới đến các đại lý cung cấp dịch vụ hậu cần ai cũng kiếm ra tiền, không có người thất nghiệp.

Càng gần Tết Nguyên đán, làng biển Mỹ Á càng thêm rộn ràng. Khắp đường thôn, ngõ xóm, người người chen chân đi lại mua sắm. Phía cảng cá, những con thuyền hối hả ngược xuôi gửi niềm hy vọng vào phiên biển cuối năm.

Văn Tánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/man-moi-xu-bien-my-a-post458270.html