Mâm cúng 30 Tết ở xóm trọ nghèo TP.HCM: 3 món đơn sơ nhưng lòng thành

Ngày 30 Tết, công nhân bám trụ TP.HCM đón tết Nguyên đán trong những tâm trạng khác nhau. Trong khi nhiều người không sắm Tết, cúng tất niên, một số khác lại cố gắng chuẩn bị mâm cúng theo đúng truyền thống.

Clip: Ngày 30 Tết của công nhân bám trụ lại TP.HCM.

Không sắm Tết, cúng tất niên

Ngày 30 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đoạn đầu đường dẫn vào dãy trọ tại số 12 đường 20 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) ngập tràn hoa, đồ trang trí Tết. Tuy nhiên, bên trong dãy trọ, khung cảnh lại tĩnh lặng, yên ắng dù có nhiều công nhân ở lại, không về quê đón Tết.

Bán tạp hóa tại phòng trọ đầu tiên của dãy trọ, chị Võ Thị Ba (49 tuổi) đang dở tay sơ chế rau để làm bữa cơm ngày cuối năm. Dù đã 30 Tết, chị vẫn chưa chuẩn bị, trang trí Tết.

Ngoài những mặt hàng tạp hóa kinh doanh mỗi ngày, căn phòng trọ của chị không có thêm bất kỳ chậu hoa, cây cảnh, hay đồ trang trí Tết nào. Nam nay, do kinh tế khó khăn, gia đình chị quyết định không sắm Tết.

Đây là năm thứ 3, chị Hiền cùng chồng và 2 con nhỏ không về quê đón Tết.

Chị và chồng cũng quyết định cúng rước ông bà thật sớm bằng những món ăn giản đơn như hàng ngày. Chị chia sẻ: “Chồng tôi làm thợ hồ. Năm qua, anh thất nghiệp nhiều. Tôi bán lặt vặt, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng tiền lời.

Do vậy, cuối năm, gia đình không có điều kiện về quê. Ở trọ, tôi cúng rước ông bà thật sớm để ông bà về ăn Tết sớm với gia đình. Dẫu vậy, tôi cũng chỉ cúng bằng những món ăn thường ngày thôi chứ không có gì đặc biệt cả”.

Cách đó vài phòng trọ, chị Lê Thị Mỹ Hiền (31 tuổi, quê Đắk Lắk) khéo léo cắt, cắm những cành lay ơn vào chiếc bình hoa bằng sứ. Đây là năm thứ 3, vợ chồng chị và 2 con ở lại TP.HCM đón Tết trong phòng trọ.

Chị Hiền không cúng tất niên, không trang hoàng Tết mà chỉ cắm bình hoa lay ơn để đặt lên bàn thờ trong phòng trọ.

Cũng như nhiều công nhân khác, chị Hiền gần như không sắm sửa, trang hoàng Tết. Ngoài bình hoa lay ơn đặt trên bàn thờ, chị chỉ mua ít trái cây, chai nước ngọt, bánh, sữa cho con nhỏ. Vì theo đạo, vợ chồng chị Hiền cũng không làm mâm cúng Tất niên, chỉ chưng bình hoa tươi trong nhà.

"Tết này, cả nhà tôi ăn uống như ngày bình thường. Hôm qua, mẹ tôi mới gửi cho một hũ mắm kiệu, đòn bánh tét. Vậy là đủ Tết rồi. Đêm giao thừa hoặc mùng 1 Tết tôi sẽ cùng các con gọi điện về chúc Tết ông bà, cha mẹ ở quê", Hiền nói.

Trong khi đó, đối với anh Trần Văn Quốc Anh (43 tuổi, quê Cần Thơ), không khí ngày 30 Tết dường như đã theo vợ con anh về quê. Ở lại phòng trọ, anh Quốc Anh chủ động không sắm sửa Tết.

Thậm chí anh cũng không chuẩn bị mâm cúng rước ông bà vào ngày cuối năm. Thay vào đó, anh chọn cách giặt, vệ sinh giày, dép cho các cháu ngoại đã theo vợ về quê ăn Tết để lấp đầy sự trống trải.

Anh Quốc Anh cho rằng mình ở trọ nên không cần chuẩn bị mâm cúng vào ngày 30 Tết.

Anh nói: “Năm nay, công ty làm việc sớm nên tôi ở lại chỉ để vợ con về quê đón Tết. Tôi nghĩ rằng, Tết chủ yếu là được về quê, về nhà để thăm cha mẹ, ông bà.

Tôi ở trọ nên không chú trọng chuyện cúng rước ông bà vào ngày cuối năm. Không về được nên tôi cũng không làm tất niên gì cả”.

Nghèo cỡ nào cũng phải làm mâm cúng đủ 3 món

Cũng ở lại TP.HCM, trưa 30 Tết, vợ chồng anh Bùi Chí Kiên (40 tuổi, quê Nghệ An, thuê trọ tại dãy trọ trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) tất tả dọn phòng. Trong khi vợ anh lau chùi căn phòng chật hẹp, anh tranh thủ dọn rác, quét tước con hẻm trước phòng.

Vợ chồng anh Kiên đã sinh sống tại TP.HCM 12 năm. Thế nhưng, hầu như Tết nào gia đình anh cũng không đủ điều kiện về quê thăm người thân.

Anh Kiên đợi đến khi dọn dẹp, vệ sinh xong phòng trọ mới đi mua gà, xôi để cúng đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Năm nay, nghề thợ hồ của anh thất nghiệp kéo dài, công việc may gia công của vợ cũng ít hàng nên gia đình anh càng khó khăn. Thay vì về quê, anh chọn cách ở lại để có một số tiền nhỏ gửi ra Nghệ An nhờ người thân hương khói cho ông bà, tổ tiên.

Anh nói: “Năm nay khó khăn quá, vợ chồng tôi cũng không sắm sửa gì chỉ mua ít thịt để ăn trong Tết thôi. Mọi năm, vợ chồng tôi cũng chỉ mua hoa quả để cúng ông bà.

Hôm nay, ở ngoài quê gia đình đã cúng đón ông bà về ăn Tết rồi. Thế nên, tôi đợi đến chiều mới cúng. Tôi dự định sau khi dọn, rửa phòng trọ xong sẽ chạy đi mua con gà, ít xôi về làm mâm cúng đón ông bà về ăn Tết với con cháu”.

Năm nào bà Hồng cũng tự tay nấu các món ăn truyền thống để cúng vào ngày cuối năm.

Năm nay, dãy trọ nơi anh Kiên đang ở có nhiều công nhân ở lại đón Tết. Trong lúc người lớn dọn nhà, chuẩn bị mâm cúng đón ông bà, các em nhỏ được dịp tụ tập, chơi cùng nhau.

Dù không được trang hoàng hoa cảnh, đồ trang trí Tết nhưng tiếng nói cười của trẻ em, người lớn hỏi thăm nhau khiến con hẻm nhỏ trở nên huyên náo, đông đúc hơn ngày thường.

Không như đa số khách trọ ở cùng dãy nhà trọ, bà Võ Thị Hồng (56 tuổi) chu đáo chuẩn bị mâm cúng đón ông bà từ sáng sớm. Vì điều kiện kinh tế không cho phép, bà Hồng không thể về Bạc Liêu đón Tết.

Mâm cúng của bà đơn sơ nhưng lòng thành gồm: thịt kho trứng, khổ qua nhồi thịt, bún xào.

Thế nhưng, dù ở trọ, bà vẫn cố gắng tự nấu những món ăn không thể thiếu trong mâm cúng ngày 30 Tết theo truyền thống của người miền Nam. Từ sáng sớm, bà đã đi chợ mua thịt heo, trứng vịt, khổ qua, bún khô… để nấu mâm cúng.

Vì kinh tế eo hẹp và chỉ có 2 mẹ con nên bà Hồng chỉ nấu 3 món chính với những nguyên liệu giản đơn, khiêm tốn gồm: thịt kho trứng, canh khổ qua nhồi thịt, bún xào. Ngoài ra, bà chuẩn bị thêm đĩa rau sống và cơm trắng.

Bà nói: “Năm nào cũng vậy, dù về quê hay ở lại phòng trọ, dù khó khăn đến thế nào, tôi cũng cố gắng nấu 3 món thịt kho trứng, khổ qua dồn thịt, bún xào để cúng vào ngày 30 Tết. Năm nào khá giả hơn, tôi có thêm bánh tét, củ kiệu, thịt gà...”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mam-cung-30-tet-o-xom-tro-ngheo-tp-hcm-3-mon-don-so-nhung-long-thanh-2248552.html