Malaysia tung gói hỗ trợ 143 triệu USD giúp hộ nghèo vượt 'bão lạm phát'

Ngày 22/6, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã công bố Chương trình Hỗ trợ Gia đình Malaysia (BKM) với khoản cứu trợ tiền mặt trị giá 630 triệu RM (143 triệu USD), nhằm giúp các gia đình có thu nhập thấp vượt qua thời kỳ bão giá.

Malaysia công bố gói hỗ trợ nhóm người dân thu nhập thấp, trong bối cảnh giá cả tăng vọt. Ảnh: Bloomberg

“Do xuất hiện những thách thức về chi phí sinh hoạt bao gồm tăng giá thực phẩm, chính phủ đã quyết định hỗ trợ tài chính cho người dân”, CNA dẫn phát biểu của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob.

Chương trình Hỗ trợ Gia đình Malaysia (BKM) được Malaysia đưa ra nhằm giải quyết nỗi lo lạm phát và khắc phục tác động của nó đến người dân, đặc biệt là nhóm B40 (40% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất). Mỗi hộ gia đình có tổng thu nhập dưới 4.850 RM (1.100 USD/tháng) sẽ được nhận viện trợ bằng tiền mặt 100 RM (22 USD)/người), trong khi người độc thân sẽ nhận được 50 RM (11 USD/người).

“Gần 8,6 triệu người, bao gồm 4 triệu hộ gia đình, 1,2 triệu người cao tuổi và 3,4 triệu người độc thân sẽ được tiếp cận khoản trợ cấp”, Thủ tướng Malaysia nói. Khoản hỗ trợ này dự kiến được phân phối bắt đầu từ ngày 27/6.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Ảnh: The Edge Markets

Trong bài phát biểu, ông Ismail cũng thông báo, chương trình trợ giá tạm thời đối với mặt hàng dầu ăn đóng chai (loại 2kg, 3kg và 5kg), được áp dụng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt từ ngày 1/7.

Giải thích về quyết định này, ông cho biết chính phủ đã phát hiện ra rằng khoản hỗ trợ dầu ăn đã bị một số người sử dụng sai mục đích, trong đó có cả việc buôn lậu. Ban đầu, chương trình dự kiến chỉ kéo dài trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, tình hình kinh tế bất ổn khiến nước này phải kéo dài thời gian trợ cấp, khiến chính phủ tiêu tốn 55 triệu RM (22,5 triệu USD)/tháng.

“Như vậy, sẽ chỉ duy trì việc trợ giá cho sản phẩm dầu ăn dạng gói. Chính phủ tin rằng trợ cấp tới 60.000 tấn dầu ăn/tháng là đủ để người dân sử dụng, vì nhu cầu thực tế của người tiêu dùng chỉ 55.000 tấn/tháng”, ông Ismail Sabri lưu ý.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Malaysia cho biết chính phủ vẫn đang trợ giá dầu ăn ở mức 4 tỷ RM (907 triệu USD), cao hơn so với 500 triệu RM (113 triệu USD) vào năm 2020 và 2,2 tỷ RM (499 triệu USD) vào năm 2021.

Như vậy, khoản trợ giá đối với sản phẩm dầu ăn dạng gói 1 kg sẽ vẫn được giữ nguyên. Hiện mức giá đối với sản phẩm này trên thị trường Malaysia là 2,04 USD, nhưng nhóm B40 được tiếp cận với giá 0,57 USD.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng sẽ dỡ bỏ giá trần đối với thịt gà và trứng gà từ ngày 1/7, theo thông báo hôm 21/6 của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tiêu dùng Nội địa Datuk Seri Alexander Nanta Linggi.

Malaysia cũng sẽ dỡ bỏ giá trần đối với thịt gà và trứng gà từ ngày 1/7. Ảnh: CNA

Tại quốc gia này, giá bán lẻ tối đa áp dụng cho thịt gà tiêu chuẩn (loại gà đã qua sơ chế, được bán cả phần đầu, chân và nội tạng) hiện ở mức khoảng 2 USD/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ tối đa đối với gà nguyên con (gà được giết mổ và làm sạch, bán không có phần chân, đầu và nội tạng) hiện ở mức 2,25 USD/kg.

Ông Nanta cho biết động thái này nhằm ổn định nguồn cung và giá cả thực phẩm về lâu dài. "Giá gà sẽ được thả nổi và phụ thuộc vào thị trường. Nhóm người nghèo sẽ được hỗ trợ tài chính", ông Nanta cho biết, đồng thời nói rằng chi tiết về khoản hỗ trợ tài chính sẽ được Bộ Tài chính công bố.

Malaysia đang vật lộn để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, trong bối cảnh đồng tiền của nước này suy yếu còn đồng USD đang tăng lên. Tính đến tháng 5 năm nay, giá lương thực tại Malaysia này đạt mức cao nhất kể từ năm 2017. Điều này khiến chính phủ phải thực hiện một số biện pháp cứu trợ để đảm bảo nguồn cung cấp nội địa và cắt giảm chi phí. Trong năm 2021, chính phủ đã cung cấp khoản viện trợ tiền mặt lên tới 1,1 tỷ RM (249 triệu USD) cho nhóm thu nhập thấp.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/malaysia-tung-goi-ho-tro-143-trieu-usd-giup-ho-ngheo-vuot-bao-lam-phat-post7817.html