Malaysia khẳng định còn quá sớm để áp dụng 'hộ chiếu vắc xin'

Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Kuala Lumpur, Malaysia, sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 . Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah ngày 20/6 cho biết hiện không phải là thời điểm thích hợp cho việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” vì hầu hết dân số nước này chưa được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.

Trong phát biểu ngày 20/6, ông Noor Hisham cho biết tới nay chỉ có khoảng 10% dân số Malaysia được tiêm chủng nên tạm thời chưa thể áp dụng "hộ chiếu vắc xin".

Nguyên nhân là do nếu đặt việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 như một điều kiện để đi lại, rất nhiều người sẽ tức giận vì chưa được tiêm chủng. Do đó, hộ chiếu vắc xin chỉ có thể sử dụng khi đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Noor Hisham, trong điều kiện thực thi lệnh phong tỏa toàn diện, Malaysia cần ít nhất 2-3 tháng nữa để tăng cường nguồn cung vắc xin và cũng như nâng cao tỉ lệ tiêm chủng.

Một khi có nguồn cung cấp vắc xin đầy đủ, tỉ lệ tiêm chủng được gia tăng, dự kiến, Malaysia có thể đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 hoặc tháng 12/2021. Sau đó, Chính phủ Malaysia có thể xem xét việc cho phép các hoạt động xã hội.

Tính đến ngày 19/6, Malaysia đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 5,67 triệu người, trong đó có 4,08 triệu người hay 12,5% dân số tiêm mũi đầu tiên và 1,58 triệu người hoàn thành tiêm 2 mũi.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho trên 80% dân số, tương đương hơn 26,1 triệu người.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Adham Baba cho biết nước này đang nghiên cứu khả năng rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 từ 12 tuần xuống còn 6 tuần.

Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết nếu khoảng thời gian giữa các liều vắc xin AstraZeneca được rút ngắn xuống còn 6 tuần, Ủy ban Đặc biệt về cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 (JKJAV) sẽ đưa ra thông báo.

Tuy nhiên, việc có rút ngắn hay không phụ còn thuộc vào báo cáo của các chuyên gia COVID-19 của Malaysia về việc liệu người được tiêm chủng có được bảo vệ tối đa chống lại các biến thể với khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm ngắn hơn hay không.

Trước việc Úc lo ngại nguy cơ vắc xin AstraZeneca tạo ra các cục máu đông và cấm người dưới 60 tuổi tiêm vắc xin này, ông Baba cho biết Chính phủ Malaysia sẽ nghiên cứu các báo cáo liên quan từ các chuyên gia y tế trong nước và Úc.

Các chuyên gia y tế sẽ đánh giá xem vắc xin AstraZeneca có phù hợp với nhóm người dưới 60 tuổi hay không, nhưng tới nay, dữ liệu tổng thể chưa nhận được thông báo về bất kỳ tác hại nghiêm trọng nào do vắc xin AstraZeneca gây ra cho người được tiêm phòng tại Malaysia.

AstraZeneca là loại vắc xin ngừa COVID-19 đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Vắc xin này có 2 liều, mỗi liều dùng cách nhau từ 4 đến 12 tuần song theo một nghiên cứu công bố gần đây, vắc xin sẽ có hiệu quả cao hơn nếu mũi tiêm thứ hai được thực hiện cách mũi tiêm đầu ít nhất 12 tuần.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Oxford cho thấy, nếu tiêm mũi vắc xin thứ hai sau mũi tiêm thứ nhất 6 tuần thì vắc xin có hiệu quả khoảng 54,9%. Trong khi nếu tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 12 tuần thì hiệu quả lên tới 82,4%.

Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu này vẫn chưa thực sự chắc chắn bởi vì thử nghiệm ban đầu không phải được thiết kế để kiểm tra hiệu quả của vắc xin với khoảng cách tiêm 2 mũi khác nhau.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/258132/malaysia-khang-dinh-con-qua-som-de-ap-dung-ho-chieu-vac-xin.html