Mãi tự hào về Nhà giáo - Nhà quân sự Phan Lương Trực và ngôi trường mang tên ông

Ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có ngôi trường có truyền thống hơn 77 năm xây dựng và phát triển mang tên Nhà giáo, nhà quân sự Phan Lương Trực. Những năm qua, dưới mái trường giàu truyền thống lịch sử này, các thế hệ nhà giáo, học sinh đã không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

NHÀ GIÁO - NHÀ QUÂN SỰ PHAN LƯƠNG TRỰC

Theo thầy Nguyễn Văn Phấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Lương Trực, trong suốt chiều dài lịch sử của nhà trường, dù qua nhiều lần đổi tên, thế nhưng những thế hệ giáo viên, học sinh của trường dù ở bất kỳ giai đoạn nào vẫn luôn tự hào về vị Nhà giáo - Nhà quân sự Phan Lương Trực.

Theo ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Nhà giáo - Nhà quân sự Phan Lương Trực sinh năm 1916 tại làng Trường Thành, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) trong một gia đình nông dân yêu nước.

Thuở nhỏ, ông học tại Collège de Cantho (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm, TP. Cần Thơ) và Lyceé Pétrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, ông thi đậu vào Trường Sư phạm Sài Gòn. Năm 1940, sau khi tốt nghiệp, ông dạy học ở Rạch Giá. Năm 1943, ông chuyển về dạy học tại xã Quới Sơn, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Khánh thành khu vui chơi cho thiếu nhi và khu vườn tuổi thơ tại Trường Tiểu học Phan Lương Trực (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) nhân Tháng Thanh niên năm 2023. Ảnh: Lý Oanh

Khánh thành khu vui chơi cho thiếu nhi và khu vườn tuổi thơ tại Trường Tiểu học Phan Lương Trực (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) nhân Tháng Thanh niên năm 2023. Ảnh: Lý Oanh

Đầu năm 1945, đồng chí tham gia Hội Khuyến học tỉnh Mỹ Tho. Đây là một tổ chức do Đảng lập ra, hoạt động công khai, nhằm tập hợp đội ngũ trí thức yêu nước; nâng cao trình độ dân trí cho quần chúng, nhất là thanh niên; giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Ngày 17-8-1945, đồng chí tham dự Hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho và thành lập Ban Vận động Việt Minh, gồm có 5 thành viên, trong đó có đồng chí. 4 giờ ngày 18-8-1945, học viên Trường Huấn luyện Quân sự tỉnh tại xã Long An, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến vào thị xã Mỹ Tho, phối hợp với lực lượng nội ứng chiếm các mục tiêu trong thị xã.

7 giờ, lực lượng ta làm chủ các mục tiêu quan trọng. 9 giờ, ta giành quyền làm chủ các công sở bên chợ Cũ. Việc tiến chiếm các công sở của phát xít Nhật diễn ra nhanh chóng, nhân dân đổ ra đường tuần hành thị uy. Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập UBND cách mạng tỉnh và chuẩn bị tổ chức mít tinh chào mừng cách mạng thành công.

Cuối tháng 9-1945, đồng chí được cấp trên tín nhiệm phân công làm Chính trị viên Lực lượng Bộ đội Thủ Khoa Huân của tỉnh Mỹ Tho khi vừa mới thành lập. Tháng 10-1945, ông chỉ huy 2 phân đội vũ trang mang tên Lê Lợi tiến đánh quân Pháp quyết liệt ở cầu Quây, chợ Cũ (Mỹ Tho), Bến Tranh (Chợ Gạo) nhằm ngăn chặn địch đánh phá các địa phương ở phía Tây thị xã Mỹ Tho.

Sau khi gây cho quân địch nhiều thiệt hại, được lệnh của Xứ ủy Nam bộ, đồng chí chỉ huy 2 phân đội này di chuyển sang Rạch Miễu (lúc đó thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để cùng với Mặt trận An Hóa (lúc đó An Hóa cũng thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) để đề phòng địch đánh rộng ra tỉnh Bến Tre.

Ngày 18-8-1946, nhằm ngăn cản quân xâm lược Pháp đánh lan ra khắp Nam bộ, ông đã tham gia chỉ huy Bộ đội Thủ Khoa Huân chiến đấu chống địch tại xã Tường Đa, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).

Trận đánh diễn ra rất gay go và ác liệt. Mặc dù quân Pháp có ưu thế về quân số và vũ khí; nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu kiên cường, bộ đội ta đã dũng cảm đánh trả địch rất quyết liệt, gây cho bọn chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Trong lúc chiến đấu với quân địch, đồng chí đã hy sinh khi mới vừa tròn 30 tuổi. Để ghi nhận và tưởng nhớ công lao của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 20-12-1948, huyện Cái Bè thành lập Trường Tiểu học kháng chiến Phan Lương Trực, đến năm 1997 đổi tên thành Trường Tiểu học Phan Lương Trực cho đến ngày nay và trong nội ô TP. Mỹ Tho có một con đường mang tên đồng chí.

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG

Tự hào truyền thống lịch sử vẻ vang ngôi trường mang tên Nhà giáo - Nhà Quân sự Phan Lương Trực, những năm qua, tập thể giáo viên, học sinh nhà trường đã ra sức thực hiện tốt phong trào “Dạy tốt - Học tốt”, các mặt hoạt động giáo dục đều đạt kết quả khá toàn diện.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ngày 19-5-1945, đồng chí Phan Lương Trực (giáo Trực) mở trường huấn luyện tại đình An Vĩnh, xã Long An, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (trường có tên là “Trường Võ bị Mỹ Tho”), lớp đầu tiên có khoảng 100 học viên, quy tụ cán bộ của Đảng và thanh niên yêu nước trong các giới để huấn luyện chính trị, quân sự, phương pháp tập hợp quần chúng.

Tại đây, các học viên được huấn luyện chủ yếu là cách sử dụng súng trường, đội hình chiến đấu tiểu đội cá nhân, ngoài ra còn học về vệ sinh cá nhân, băng bó cứu thương, thời gian học 40 ngày, tuy ngắn, những bài học còn đơn giản, nhưng đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về quân sự, về đấu tranh cách mạng và việc tập hợp lực lượng quần chúng ở cơ sở.

Trường hiện có 30 cán bộ, giáo viên, với 18 lớp học và 590 học sinh. Toàn trường có 35 phòng học đủ để tổ chức cho 100% lớp học 2 buổi/ngày. Hệ thống phòng chức năng được trang bị khá đầy đủ các thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy, hoạt động học và hoạt động quản lý chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong quá trình hoạt động, trường luôn được các cấp chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhà trường luôn đổi mới, chú trọng phương pháp dạy học. Theo đó, đội ngũ giáo viên thường xuyên đổi mới, vận dụng phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy, học.

Bên cạnh việc giảng dạy chương trình chính khóa trên lớp, nhà trường còn chú trọng phát triển các hoạt động ngoại khóa, thực hành, trải nghiệm sáng tạo để bổ trợ kiến thức trên lớp cũng như cung cấp thêm kiến thức xã hội cho học sinh.

Trong năm học vừa qua, nhà trường giữ vững được duy trì sĩ số, không có học sinh bỏ học giữa chừng, 100% cán bộ giáo viên đã tham gia tốt các cuộc vận động của ngành, tập thể giáo viên nhiệt tình, tích cực trong giảng dạy, tổ chức tốt việc kiểm tra nội bộ đạt chỉ tiêu theo yêu cầu đầu năm đưa ra, tay nghề giáo viên được ổn định qua đánh giá chuẩn nghề nghiệp đạt từ khá trở lên. Các phong trào khác đều tham gia đầy đủ.

Nhà trường đã củng cố và cập nhật thường xuyên bộ hồ sơ Trường đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất nhà trường được đảm bảo, bàn ghế, bảng, đèn, quạt trong phòng học khang trang, thoáng mát, đủ ánh sáng, đúng quy cách để học sinh thuận lợi trong học tập.

Trong năm học 2022 - 2023, bằng tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, tập thể Trường Tiểu học Phan Lương Trực đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, toàn trường có trên 98% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học; 387 học sinh được khen thưởng học sinh xuất sắc; 3 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện… Hiệu quả đào tạo đạt 99,2%.

Thầy Nguyễn Văn Phấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt là năm học 2023 - 2024, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua của ngành, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở các khối lớp còn lại, tập trung quan tâm, chăm lo học sinh; đặc biệt là đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm, chăm lo đội ngũ nhà giáo.

V.PHƯƠNG - H.L

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202306/mai-tu-hao-ve-nha-giao-nha-quan-su-phan-luong-truc-va-ngoi-truong-mang-ten-ong-981529/