Mai Sơn vào vụ na

Thời điểm này, các hộ trồng na trên địa bàn huyện Mai Sơn đang bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, na được mùa, chất lượng thơm ngon, mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân.

Chị Bùi Thị Huế, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi thu hoạch na thái.

Chị Bùi Thị Huế, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi thu hoạch na thái.

Vườn na rộng 2 ha của gia đình chị Bùi Thị Huế, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi nằm tận trên đồi. Chiếc xe máy của chúng tôi men theo con đường bê tông do chính gia đình chị xây dựng để thuận tiện cho việc đi lại. Na đang vào độ chín rộ, hàng nghìn cây na trĩu quả, mỗi ngày gia đình chị thu hái từ 2-3 tạ na để xuất bán cho thương lái.

Chị Huế cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng chủ yếu là nhãn, xoài và giống na địa phương. Năm 2015, tôi học hỏi kinh nghiệm của bà con quanh vùng mua giống na thái ghép vào gốc cây na bản địa. Ưu điểm của loại na này là khả năng chịu sâu bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, thời gian thu hoạch kéo dài. Hiện, 2 ha na của gia đình cho thu bình quân 13-15 tấn quả, được khách hàng ưa chuộng.

Người dân phân loại và đóng gói na trước khi xuất bán.

Người dân phân loại và đóng gói na trước khi xuất bán.

Ông Nguyễn Quốc Hội, Phó giám đốc HTX, Mé Lếch, xã Cò Nòi, cho biết: HTX hiện có 100 ha na các loại, gồm: Na dai, na thái và na sầu riêng (60 ha dai và na thái cho thu hoạch). Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg na dai; 50-55 nghìn đồng/kg na thái đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các thành viên HTX.

Cây na được trồng trên đất Mai Sơn từ những năm 1990. Với giá trị kinh tế mang lại, những năm gần đây, cây na được nhiều hộ dân đầu tư trồng, mở rộng diện tích. Hiện, toàn huyện có 443 ha na các loại, tập trung ở thị trấn Hát Lót và các xã Cò Nòi, Nà Bó, Hát Lót... Na Mai Sơn đã nổi tiếng khắp vùng, bởi khả năng thâm canh, chăm sóc đặc biệt của người nông dân đạt đến trình độ cao. Na được kích thích cho ra quả từ thân nên quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon. Để kéo dài vụ thu hoạch, người dân thường xuyên tỉa cành, thụ phấn cho hoa. Trong thời gian thụ phấn, không phun thuốc trừ sâu và hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì tiến hành bao trái và chăm bón theo đúng kỹ thuật để quả na phát triển tốt, chất lượng cao.

Na Mai Sơn được giới thiệu và bày bán dọc quốc lộ 6.

Na Mai Sơn được giới thiệu và bày bán dọc quốc lộ 6.

Hiện, na dai thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9; na thái (na Hoàng hậu) thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12 và na sầu riêng thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau. Hiện, toàn huyện Mai Sơn có 373 ha cho thu hoạch và có trên 48 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương.

Chị Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc HTX Anh Trang, thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, cho biết: Ngoài 50 ha na của HTX, hiện chúng tôi còn liên kết bao tiêu 20 ha cho các hộ dân trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua khoảng 2-5 tấn/ngày rồi chuyển đi các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Để đảm bảo quả na có chất lượng đến tay người tiêu dùng, HTX đã vận động các thành viên HTX và các hộ dân liên kết sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và địa phương xác định diện tích, quy trình trồng để giữ vững thương hiệu na Mai Sơn. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng vùng na được công nhận ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 300 ha gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp.

Để cây na phát triển trở thành một trong những cây trồng chủ lực, huyện Mai Sơn đang tập trung đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, thương hiệu na Mai Sơn đến với người tiêu dùng; tuyên truyền, vận động, kết nạp các thành viên trồng na theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, đẩy mạnh đăng ký cấp mã số vùng trồng để tiêu thụ ở các thị trường cao cấp và tìm hướng xuất khẩu.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-vao-vu-na-53215