Mái ấm của trẻ mồ côi

Vừa tết tóc cho một trong những trẻ nhỏ tuổi nhất ở Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc), nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc cơ sở vừa cho hay, đây là một trong 40 trẻ trong ngôi nhà chung đang được các nữ tu chăm sóc, tạo điều kiện đến trường và rèn luyện đạo đức.

Nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm (giữa) nhận tuyên dương của Sở LĐ-TBXH. Ảnh: Sông Thao

Nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm (giữa) nhận tuyên dương của Sở LĐ-TBXH. Ảnh: Sông Thao

Được thành lập cách đây 13 năm, hiện đây là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp giấy phép hoạt động duy nhất tại H.Xuân Lộc, trở thành ngôi nhà chung của nhiều trẻ em kém may mắn.

* Ngôi nhà của trẻ bị bỏ rơi

40 trẻ em tại đây, có trẻ mới 14 tháng tuổi. Có trẻ sau thời gian dài được chăm sóc hiện đang học đại học. Dù mỗi em một tính cách, song theo nữ tu Thanh Vân, tất cả đều đều nhận được tình thương yêu chân thành như một gia đình.

Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm là một trong 13 cơ sở bảo trợ ngoài công lập tại tỉnh được cấp giấy phép hoạt động. Cơ sở này cũng nằm trong 11 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc kết hợp trẻ và người trưởng thành có hoàn cảnh đặc biệt.

Nữ tu Thanh Vân cho hay, hầu hết các em ở đây đều bị bỏ trước cổng của cơ sở. Khi phát hiện thường rất yếu do vừa sinh được 1 đến 2 ngày. Cơ sở thường thực hiện ngay những thủ tục liên quan trong việc tiếp nhận với địa phương để nhận các em về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, áp lực nhất đối với cơ sở là mỗi khi bắt đầu năm học mới. Bởi đây là thời điểm tất cả các em cần quần áo, sách vở, giày dép, bút viết và kinh phí để đi học. “Mỗi khi nghe một vị ân nhân gọi đến hỏi sơ cần giúp gì cho bọn nhỏ đi học. Rồi được nghe câu trả lời sẽ giúp cho mỗi bé 1 đôi giày hoặc 10, 20 cuốn tập là nỗi lo của tôi vơi đi được một phần” - nữ tu Thanh Vân kể.

* Xây dựng gia đình cho con

Không chỉ tiếp nhận và chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ khi sơ sinh đến lúc trưởng thành mà các nữ tu ở đây còn kiêm luôn đại diện gia đình nhà trai và khi là nhà gái để xây dựng gia đình cho những người lớn lên từ cơ sở.

Nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm tết tóc cho một trẻ em của trung tâm

Nữ tu Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm tết tóc cho một trẻ em của trung tâm

Cụ thể, trẻ em sau khi được tạo cơ hội đi học, có việc làm thì vẫn tiếp tục được các nữ tu tạo điều kiện ở lại cơ sở để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Quan trọng hơn là các sơ được theo sát để kịp thời uốn nắn, hỗ trợ khi các con gặp khó khăn, áp lực..

Ngoài trẻ em, Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Xuân Tâm còn cưu mang 6 trường hợp người cao tuổi không nơi nương tựa.

Cũng trong quá trình những em trưởng thành có việc làm bên ngoài tiếp tục sinh sống tại đây, khi các em muốn cưới vợ, lấy chồng, cơ sở đứng ra chung tay lo đám cưới.

Nữ tu Thanh Vân vui vẻ cho biết, bà mới ngoài 40 nhưng cháu nội, cháu ngoại đã đầy đủ. Ngoài niềm vui thì các nữ tu cũng là cầu nối tháo gỡ khúc mắc của từng đôi vợ chồng trẻ trong quá trình chung sống như cha mẹ chỉ bảo cho con của mình. Rồi con của trẻ từng sinh sống tại đây tiếp tục được các nữ tu đóng vai bà nội, bà ngoại để trông nom giúp cho vợ chồng trẻ đi làm. Vậy nên, cơ sở thật sự là một gia đình lớn…

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/mai-am-cua-tre-mo-coi-57140c4/