Mafia Hàn Quốc và nạn bài bạc lậu

Nhắc đến cụm từ 'gangster Hàn Quốc' thì nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay đến những đối tượng mà dân xứ Hàn gọi là 'kkanpae' hay 'geondal': Trung niên, mặt mày góc cạnh, hay mặc đồ vest dài tay để che kín hình xăm trên khắp cơ thể mình. Tội phạm có tổ chức ở Hàn Quốc ngày nay không hẳn như vậy.

Hình xăm và bộ vest vẫn còn đó, nhưng thay vì một người đàn ông trung niên thì lại là một thanh niên chưa đến 30 tuổi, mặt mũi còn non choẹt. Hắn không vác gậy đi đòi tiền bảo kê như các bậc “đàn anh” nữa mà chủ yếu là ngồi suốt ngày trước máy vi tính để điều hành các trang web cờ bạc lậu.

Thế hệ “MZ”

Theo Cục Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc thì tính đến tháng 9/2023 có 11 influencer (người có ảnh hưởng) trên nền tảng YouTube chuyên đăng tải các nội dung có liên quan đến gangster. Hai loại nội dung chính được các influencer đăng tải là video hướng dẫn cách kiếm tiền qua tổ chức đánh bạc trái phép, và video khoe của cải kiếm được từ đánh bạc trái phép.

Cảnh sát Hàn Quốc đẩy mạnh chiến dịch chống đánh bạc qua mạng.

Giáo sư xã hội học Lee Woon-hyuk tại Đại học Konkuk nhận xét: “Tội phạm có tổ chức ngày nay tự coi mình là “doanh nhân” trên mạng xã hội. Nhiều người theo dõi các đối tượng này cũng coi họ là “doanh nhân”... Đối với các thế hệ gangster già, họ coi việc làm côn đồ là một phương thức nổi loạn chống lại cơ cấu, quy chế của xã hội. Gangster ngày nay không nghĩ đến vậy. Chúng chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền và “sống” như những người giàu bình thường khác”.

Trái với những bộ phim Hàn Quốc về đề tài tội phạm, sự thật là làm một tên côn đồ kiểu cũ ở quốc gia này rất khó. Ở góc phố nào cũng có camera theo dõi. Ít người Hàn còn đem theo tiền mặt bên mình. Cảnh sát thì luôn có mặt ở hiện trường trong vòng 10 phút. Không ít “gia đình” tội phạm từng làm mưa làm gió ở Hàn Quốc vào thập niên 1970-1980 đã lụi tàn khi quốc gia này bước sang thiên niên kỷ mới. Lấp đầy khoảng trống mà chúng để lại là một thế hệ tội phạm khác hoàn toàn.

Vào tháng 12/2023, tòa án thành phố Gwangju tuyên án 34 đối tượng thuộc băng đảng Kukje PJ-pa vì các tội tổ chức đánh bạc trái phép và rửa tiền. Bị cáo trẻ nhất mới chỉ 23 tuổi. Ngoài việc tự điều hành website đánh bạc, Kukje PJ-pa còn nhận rửa tiền hộ các tổ chức cờ bạc lậu khác. Ước tính chúng đã kiếm được 700 triệu won tiền hoa hồng nhờ “đổi trắng thay đen” cho hàng tỉ won tiền doanh thu đáng bạc. Cảnh sát tịch thu được từ trụ sở của băng đảng này 345 triệu won tiền mặt và một số trang sắc vàng, đồng hồ cao cấp, v.v... trị giá 120 triệu won. Hiện ông trùm của Kukje PJ-pa vẫn đang lẩn trốn lệnh truy nã toàn quốc.

Vụ bắt giữ và xét xử trên đã nâng thành tích của cảnh sát Hàn Quốc trong năm 2023 lên 1.589 đối tượng gangster bị bắt giữ, trong đó 189 kẻ bị bắt theo lệnh truy nã. Điểm đáng chú ý là có đến 888 đối tượng bị bắt khi chưa đầy 30 tuổi, tăng 57,8% so với năm 2022. Đa phần những tên tội phạm trẻ bị bắt vì các tội như tổ chức đánh bạc online và lừa đảo trực tuyến. Phát ngôn viên của Cục Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc tuyên bố: “Càng ngày có nhiều đối tượng trẻ tuổi phạm tội có tổ chức hơn các tội ác bạo lực. Cảnh sát Hàn Quốc đã và đang tự thay đổi mình để đối phó với các đối tượng này tốt hơn.

Vào thời “cực thịnh” của mafia Hàn Quốc (thập niên 1970-1980) đa số các tổ chức tội phạm kiếm tiền qua việc bảo kê, điều hành các vũ trường, động thuốc lắc, kinh doanh bất động sản, cho vay nặng lãi, v.v... Tính lãnh thổ của chúng rất cao, và không hiếm gì những cuộc đụng độ đổ máu giữa các băng đảng. Vào cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, chính quyền Hàn Quốc đẩy mạnh việc tiêu diệt các tập đoàn tội phạm. Không ít ông trùm sa lưới pháp luật, còn vũ trường, quán bar, khách sạn, công ty của chúng bị đóng cửa đồng loạt.

Thế hệ tội phạm có tổ chức mới ở Hàn Quốc bắt đầu nổi lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009. Thay vì kiếm tiền theo kiểu tội phạm cũ, chúng lợi dụng sự phổ biến của Internet để kiếm lời qua tổ chức đánh bạc, lừa đảo và rửa tiền. Nhà chức trách gọi chúng là “MZ gangster” - “MZ” là viết tắt của hai từ “Millenial” và “Gen Z” chỉ những người sinh ra trong những năm 1990 và 2000.

Một đặc điểm nổi bật của MZ gangster là giữa các băng nhóm khác nhau không có tranh chấp dữ dội như xưa. Chúng hiểu rằng hai nhóm mafia đánh nhau trên đường phố thì chỉ có thu hút sự chú ý của cảnh sát và khiến cả hai sớm bị bắt. Thay vì đụng độ, những tên tội phạm trẻ sẵn sàng liên minh với nhau, tham gia những bữa tiệc, những buổi họp chung để hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm. Không khó để tìm thấy những bức ảnh chụp cảnh thành viên của hai, ba băng đảng khác nhau tổ chức nhậu nhẹt, nhảy nhót ở vũ trường được đăng tải trên Facebook, Instagram, v.v... Văn phòng Công tố tối cao Hàn Quốc năm nào cũng tổ chức những lớp tập huấn cho công tố viên về cách thu thập bằng chứng từ những nội dung do tội phạm đăng tải trên mạng xã hội.

Vấn nạn mang tính quốc gia

Ủy ban Kiểm soát cờ bạc quốc gia Hàn Quốc (NGCC) được thành lập vào năm 2008 như một bước trong quá trình hợp pháp hóa cờ bạc ở quốc gia này. Việc đánh bạc và cá độ tại Hàn Quốc bị kiểm soát rất chặt đến mức từng địa phương có mức quota riêng cho phép có bao nhiêu sòng bài được hoạt động tại địa bàn cùng một lúc. Đa số các sòng bạc cũng chỉ cho phép người có hộ chiếu nước ngoài chơi, trừ một số ít các cơ sở như sòng bạc Kangwon Land ở tỉnh Gangwon. Seoul cho phép mở sòng bạc Kangwon Land ở Gangwon nhằm giúp phát triển kinh tế địa phương này. Ngay khi thế thì họ cũng đặt sòng bạc ở khu resort trên núi nhằm không khuyến khích người dân địa phương đánh bạc.

Tiền và tài sản được cảnh sát Hàn Quốc thu giữ từ những kẻ rửa tiền cho các sòng bài.

Tuy buộc phải chấp nhận sống chung với nhiều quy định khắt khe nhưng thị trường cờ bạc hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn đang tăng trưởng đều và đã chạm mốc giá trị 6,9 nghìn tỷ won vào năm 2023.

Con số trên trên chưa là gì so với mức tăng trưởng của thị trường cờ bạc bất hợp pháp. Theo báo cáo của NGCC thì tổng giá trị thị trường cờ bạc lậu ở Hàn Quốc đã lên đến con số 49 nghìn tỷ won. Đại dịch COVID-19 quả là “món quà” trời cho đối với tội phạm tổ chức đánh bạc trái phép. Nhiều người Hàn Quốc bị buộc phải ở nhà và cắt khỏi các hoạt động giao tiếp xã hội coi việc đánh bạc online như một cách giải trí. Từ đó không khó để họ bị nghiện cờ bạc. Mặt khác các tổ chức tội phạm đánh bạc cũng trở nên khôn khéo hơn trong việc lẩn tránh nhà chức tránh. Chúng đặt server ở nước ngoài rồi dùng nhiều lớp phần mềm khác nhau để che đậy danh tính nhà cái lẫn người chơi. Lợi nhuận được chúng nhanh chóng quay vòng qua các ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước.

Ngay cả việc tiếp thị cờ bạc cũng đã trở nên tinh vi hơn. Ông Shim Yong-chool, giám đốc Trung tâm Điều trị trẻ vị thành niên nghiện Internet thuộc chính phủ Hàn Quốc, phát biểu trên truyền hình: “Trong số 50 em vào cai nghiện tại trung tâm gần đây nhất, có 17 em đã từng đánh bạc qua mạng. Nếu tính cả ba quý đầu năm 2023 thì trung tâm đã tiếp nhận 110 bệnh nhân vị thành niên bị nghiện đánh bạc online. Chúng tôi không có đủ cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực để giúp đỡ quá nhiều em như vậy”.

Vấn đề cờ bạc bất hợp pháp ở Hàn Quốc còn liên quan đến cả an ninh quốc gia này. Mới đây Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã triệt phá một đường dây lập trình nền tảng đánh bạc online rồi bán lại cho tội phạm Hàn Quốc.

Theo NIS thì họ đã phát hiện ra công ty Gyonghung Information Technology đặt trụ sở ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc nhưng thực tế lại thuộc sở hữu của những người nước ngoài khác. Gyonghung Information Technology có 15 nhân viên lập trình chuyên thiết kế các website đánh bạc rồi bán cho tội phạm Hàn Quốc. Họ làm việc ngay tại khu ký túc xá của một nhà máy dệt ở Đan Đông.

Phía Hàn Quốc hoàn toàn không biết đối tác là ai mà chỉ nghĩ rằng mình “làm ăn” với một công ty Trung Quốc. Cứ mỗi trang web là mafia Hàn Quốc lại mua với giá 5.000 USD, cộng với 3.000 USD phí bảo trì hằng tháng. Nếu như website thu hút được thêm thật nhiều người trong một tháng thì Gyonghung lại nhận được thêm từ 2.000 đến 5.000 USD tiền thưởng. Trung bình mỗi nhân viên tại công ty này nhận được 500 USD hằng tháng.

Theo một đối tượng tội phạm giấu tên từng làm ăn với Gyonghung thì: “Nếu chúng tôi mua trang web của họ thì tiết kiệm được khoảng 30-50% so với khi đặt hàng từ Đông Nam Á. Họ cũng hoàn thành hợp đồng rất nhanh. Điều này rất quan trọng bởi vì website luôn ở trong trạng thái có thể bị cảnh sát “đánh sập”, luôn cần có trang web thay thế càng nhanh càng tốt.”

Đi tìm lời giải

Cách tốt nhất để tiêu diệt được tội phạm có tổ chức tại Hàn Quốc là giải quyết vấn nạn cờ bạc trái phép. Ngành cảnh sát Hàn Quốc mới đây đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tăng cường ngân sách cho việc tuyển mộ và đào tạo các chuyên gia điều tra điện tử để đối mặt với làn sóng đánh bạc online. Lực lượng tác chiến điện tử của cảnh sát Hàn Quốc hiện nay còn mỏng và đang phải làm việc hết công suất, trong khi ngành này gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nhân lực với khu vực tư nhân.

Độ tuổi trung bình của tội phạm có tổ chức ở Hàn Quốc càng ngày càng giảm.

Seoul đang phải đối mặt với câu hỏi liệu có nên hợp pháp hóa việc đánh bạc không. Đa số các con bạc ở Hàn Quốc chơi vé số và đánh cược thể thao. Cả hai ngành này đều chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thời đại dịch COVID-19. Ngoài việc hợp pháp hóa đánh bạc để chính phủ dễ kiểm soát, Hàn Quốc còn có thể nhận được “cú thúc” kinh tế nếu như dân thường được phép đánh bạc. Tuy nhiên việc này đang gặp phải sự phản đối của dư luận lẫn các đảng phái. Tờ Dong-a Ilbo viết: “Trong một xã hội có tính cạnh tranh, ăn thua rất cao, nhiều người Hàn Quốc rất có thể sẽ không thể kìm lại được máu đỏ đen của mình... “Đại dịch” cô đơn đang lan tràn trong xã hội và tạo cơ hội cho những đối tượng bất lương lợi dụng để lấy cờ bạc lấp đầy khoảng trống trong nhiều người Hàn”.

Theo ông Shim Yong-chool thì: “Cơn nghiện cờ bạc gây ra thay đổi căn bản trong cách nghĩ của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân trẻ tại trung tâm đã thay đổi hoàn toàn thành con người khác chỉ sau sáu tháng mắc nghiện. Để đối phó với hiện tượng này thì chỉ có cách chính phủ đứng ra thành lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý có mặt ở từng ngôi trường, từng công ty, từng địa phương để kéo những bệnh nhân “tiềm tàng” khỏi bị sa ngã.”

Vào tháng 10/2023, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đạo luật cho phép cảnh sát và báo chí được công khai ảnh chân dung của các đối tượng phạm pháp đặc biệt nguy hiểm. Trước đây họ phải xin phép đối tượng phạm pháp mới được đăng tải ảnh chân dung của đối tượng. Có thông tin cho biết Seoul đang xem xét một số biện pháp chống tội phạm có tổ chức “nặng tay” hơn nữa theo mô hình của Nhật Bản, ví dụ như những đối tượng tái phạm nhiều lần thì không được mở tài khoản ngân hàng, không được mua thẻ thu phí cao tốc, không được nhận trợ cấp xã hội, v.v...

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/mafia-han-quoc-va-nan-bai-bac-lau-i724934/