'Mách có chứng' tại tòa

Nhiều năm nay, tại các phiên tòa đã thực hiện việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Sáng 2.12.2021, Tòa án Nhân dân TP Hải Dương xét xử bị cáo Hoàng Văn Trưởng và 9 bị cáo khác về tội gây rối trật tự công cộng. Phiên tòa này có công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh

Triển khai rộng rãi

Từ năm 2019 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh tích cực triển khai việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên xét xử. Đây là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành.

Thời gian qua, ngành kiểm sát khuyến khích việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên xét xử. Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nên Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh thực hiện việc này ở phiên xét xử các vụ án cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, tội phạm mới hoặc trường hợp cần thiết theo chỉ đạo.

Các tài liệu được số hóa để phục vụ việc công bố bằng hình ảnh như file ghi âm, video clip, sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường, bản ảnh khám nghiệm tử thi, bản ảnh khám nghiệm phương tiện, vật chứng, kết luận giám định, biên bản hỏi cung, bản tự khai, biên bản ghi lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng. Các chứng cứ gỡ tội như tài liệu xác minh thời gian, chứng cứ ngoại phạm, lời khai, bản cung không nhận tội, tài liệu của luật sư, người bào chữa cung cấp cho rằng bị cáo không phạm tội; tài liệu xác định việc bảo đảm quyền cho bị can, bị hại như các biên bản giao lệnh, quyết định, văn bản cử người bào chữa, thông báo kết quả giám định, kết quả giải quyết vụ án... cũng được công bố tại nhiều phiên xét xử.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) cho biết: "Các loại tài liệu trên phải giữ được tính khách quan, không được can thiệp làm thay đổi. Đồng thời, quy trình thực hiện phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo luật định".

Để thực hiện được việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại tòa, các kiểm sát viên phải dành nhiều thời gian, công sức hơn so với vụ việc khác. Ông Trần Đình Nghị, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách chia sẻ: "Các kiểm sát viên phụ trách vụ việc sau khi thu thập, tổng hợp đầy đủ tài liệu tiến hành phân loại và số hóa. Các tài liệu, chứng cứ sau đó sắp xếp trên phần mềm, bảo đảm tính khoa học để thuận tiện cho việc sử dụng".

Trong thời gian chuẩn bị cũng như đưa vụ án ra xét xử, kiểm sát viên và thẩm phán có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là cân nhắc lựa chọn những tài liệu, hình ảnh nào để trình chiếu; nhận định được tình huống khi bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bị hại hoặc những người tham gia tố tụng khác có ý kiến về tội danh hoặc vấn đề khác có liên quan để công bố hình ảnh mang lại giá trị nhất.

Từ khi thực hiện, mỗi năm, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh thực hiện gần 100 phiên tòa công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh.

Hết chối tội

Theo đánh giá của nhiều kiểm sát viên, thẩm phán và người tham gia tố tụng khác, việc trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại tòa là cách thức công bố, xem xét chứng cứ sinh động, thuyết phục hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói. Đây là biện pháp hiệu quả bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng. Việc làm này của kiểm sát viên được thực hiện ở phần “thủ tục tranh tụng tại phiên tòa” với mục đích cuối cùng để xác định sự thật của vụ án. Qua hình ảnh được công bố, người tham gia tố tụng trình bày, tranh luận, làm rõ chứng cứ, các tình tiết, nội dung vụ án tại phiên tòa. Từ đó, kiểm sát viên, thẩm phán đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. "Nhiều vụ có tình tiết phức tạp, bị cáo không nhận tội, chối tội, thay đổi lời khai. Khi công bố bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ liên quan, các bị cáo không còn quanh co, chối tội hoặc từ chối khai báo", thẩm phán Vũ Thị Yển, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự (Tòa án Nhân dân tỉnh) cho biết.

Ngày 21.10.2021, Tòa án Nhân dân huyện Nam Sách xét xử các bị cáo Phùng Văn Huy (sinh năm 1988 ở thôn Nam Thượng, xã An Thượng, TP Hải Dương) và đồng phạm về tội gây rối trật tự công cộng. Tại phiên tòa, bị cáo Huy và luật sư bào chữa cho rằng sau khi đánh nhau ở trước cửa phòng hát của quán karaoke Thọ Duyên (Nam Sách), bị cáo Huy không lôi bị hại đến khu vực nhà vệ sinh để đánh tiếp. Khi kiểm sát viên công bố đoạn video clip thu giữ tại quán karaoke trình chiếu lên thì cả bị cáo và luật sư đều thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo mà Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách đã truy tố.

Việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh góp phần quan trọng để Hội đồng xét xử có căn cứ đưa ra phán quyết cuối cùng giúp việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm hay oan, sai. Thẩm phán Trần Quang Minh (Tòa án Nhân dân TP Hải Dương) cho biết sáng 2.12.2021, Tòa án Nhân dân TP Hải Dương xét xử bị cáo Hoàng Văn Trưởng (tên gọi khác Trưởng "hàng", sinh năm 1984, ở số 345 đường Ngô Quyền, TP Hải Dương) và 9 bị cáo khác về tội gây rối trật tự công cộng. Tại tòa, bị cáo Trưởng thường xuyên chối tội, cho rằng mình không tham gia vào việc đánh nhau và hành vi phạm tội khác, nhưng từ các hình ảnh video clip, hình ảnh biên bản lời khai của người liên quan, bị cáo đã phải cúi đầu nhận tội.

DANH TRUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phap-luat/mach-co-chung-tai-toa-200895