'Ma trận' các lò luyện thi đánh giá năng lực: Làm sao để thí sinh vững tâm lý?

Sau khi cổng đăng ký thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của một số trường đại học đã được mở thì trên mạng cũng ồ ạt xuất hiện các lò luyện thi khiến học sinh hoa mắt, không biết ôn thi thế nào để đạt hiệu quả.

Các trung tâm luyện thi đua nhau mọc lên như nấm

Trong khi các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đều khẳng định không tổ chức hay phát hành sách ôn luyện cho kỳ thi, thì trên nhiều trang web, mạng xã hội lại xuất hiện quảng cáo về các lớp ôn luyện với đủ mức giá khác nhau.

Cụ thể, chỉ cần thực hiện thao tác tìm kiếm trên Google, với từ khóa "trung tâm luyện thi đánh giá năng lực", sẽ xuất hiện nhan nhản quảng cáo về các lớp ôn luyện với đủ mức giá khác nhau với có khoảng 14.700.000 kết quả trong vòng 0,42 giây.

Hàng loạt các khóa học ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện ra chỉ sau một thao tác tìm kiếm đơn giản. Ảnh chụp màn hình

Hàng loạt các khóa học ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện ra chỉ sau một thao tác tìm kiếm đơn giản. Ảnh chụp màn hình

Còn trên mạng xã hội Facebook, kết quả cũng xuất hiện rất nhiều hội nhóm ôn thi, các giáo viên chuyên nhận ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với số lượng thành viên tham gia lên đến hàng trăm nghìn người như: "Luyện thi đánh giá tư duy Bách Khoa Hà Nội 2022- Thầy V.H", "Luyện thi đánh giá năng lực 2022-2023", "Luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội - HSA"...

Chia sẻ với PV, Hoàng Gia Khánh hiện đang học lớp 12 bày tỏ: "Em lo lắng về kỳ thi sắp tới và không biết ôn thi làm sao để đạt kết quả cao. Tìm hiểu trên mạng thì thấy rất nhiều trung tâm luyện thi online với cam kết sẽ đỗ 100% với mức giá từ 800 nghìn – 2 triệu đồng/khóa. Em cũng đã tham khảo một số anh chị khóa trước thì có người nói rằng nên ôn, người khác lại nói không cần đăng ký ôn luyện qua "lò". Em không biết nên bắt đầu thế nào".

Lo lắng và hoang mang của Khánh cũng giống nhiều thí sinh có ý định tham dự kỳ tuyển sinh riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) của các trường đại học trong năm 2023 khi không biết nên ôn tập bắt đầu từ đâu. Đây chính là một trong những điểm mấu chốt để các trung tâm luyện thi đánh vào tâm lý thí sinh.

... và trên mạng cũng bán tràn lan nhiều đầu sách ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

... và trên mạng cũng bán tràn lan nhiều đầu sách ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nói gì?

Theo các chuyên gia phân tích, bài thi nhằm đánh giá năng lực, năng lực tư duy của học sinh, không phải là bài kiểm tra ghi nhớ thông thường. Vì vậy, đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi đều không khuyến khích thí sinh tham gia các lớp ôn luyện trôi nổi trên thị trường hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm thí sinh có khả năng tư duy tốt, được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập. Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đang trong quá trình thảo luận và xem xét những câu hỏi trong đề thi. "Tuy nhiên ở bên ngoài đã có những tài liệu về hướng dẫn ôn tập kỳ thi đánh giá tư duy rồi, do vậy thí sinh không nên tìm hiểu những tài liệu trôi nổi đó". PGS.TS Nguyễn Phong Điền không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch và ôn luyện thông qua lò luyện.

Trước các quảng cáo ôn thi đánh giá năng lực mọc lên "như nấm", GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, thí sinh không cần học thêm, luyện thi vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành tốt kỳ thi này.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, kỳ thi đánh giá năng lực của trường có 8 môn thi gồm: Toán, Văn, Anh, Lịch sử, Địa lý, Hóa, Lý, Sinh. Đề thi mỗi môn có 2 phần, 1 phần trắc nghiệm, 1 phần tự luận. Thí sinh sẽ không quá lạ lẫm với đề, đề thi môn Ngữ văn phần trắc nghiệm 30%, tự luận 70%. Các môn còn lại phần trắc nghiệm chiếm 70%. "Kiến thức đề thi nằm trong chương trình phổ thông. Song, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao hơn".

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc học và nắm chắc kiến thức hơn thay vì "chạy" theo các trung tâm luyện thi: "Tôi đã khuyên các bạn học sinh rất nhiều lần rằng việc ôn thi ở các lò luyện thi chỉ giúp giải quyết vấn đề về tâm lý".

Trên thực tế, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và bài thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia nói chung đều được xây dựng dựa trên việc đánh giá năng lực thí sinh theo chuẩn đầu ra chương trình trung học phổ thông. Nếu thí sinh không nắm chắc kiến thức ở phổ thông, không có khả năng lập luận, khả năng tư duy thì rất khó để đạt được điểm cao.

Tính đến tháng 1/2023, mùa tuyển sinh đại học năm nay đã có các kỳ thi riêng gồm: Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, thi đánh giá của Bộ Công an, thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội, thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc. Trong đó, hai kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức với quy mô lớn, lên tới 70.000-100.000 lượt thí sinh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh mà còn giúp nhiều trường tiết kiệm được nguồn lực đáng kể và cũng là giải pháp nâng cao hơn chất lượng tuyển sinh đại học. Các chuyên gia dự đoán trong năm 2023, số trường đại học sử dụng kết quả thi tư duy, năng lực và chỉ tiêu dành cho các kỳ thi riêng đều tăng.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ma-tran-cac-lo-luyen-thi-danh-gia-nang-luc-lam-sao-de-thi-sinh-vung-tam-ly-169230206090414826.htm