Mã số vùng trồng: 'Giấy thông hành' để nông sản xuất ngoại

Việc xây dựng mã số vùng trồng đang trở thành yêu cầu bắt buộc để mặt hàng nông sản được xuất khẩu bằng đường chính ngạch.

Cùng với việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để đưa nông sản tiếp cận với thị trường thế giới.

Nhiều doanh nghiệp, HTX được cấp mã số vùng trồng

Nhận thấy việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại giá trị lớn cho các mặt hàng nông sản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, HTX Nông nghiệp Cao Nguyên (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) đã chủ động xây dựng và được cấp 2 mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng trên diện tích gần 50 ha.

Ông Đào Duy Quỳnh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX-nhìn nhận: Cái được lớn nhất khi xây dựng mã số vùng trồng là làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, chuyên nghiệp và bền vững. Khi được cấp mã số vùng trồng, các sản phẩm cây ăn quả của HTX đủ tiêu chuẩn xuất bán sang Trung Quốc. Đây cũng là cơ sở để HTX mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo thị trường đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân.

Đến thời điểm hiện tại, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã xây dựng được 3 mã số vùng trồng cho hơn 124 ha sầu riêng và 3 mã số vùng trồng cho hơn 100 ha chanh dây. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX-cho biết: Thị trường Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, HTX đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.

“Việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại giá trị rất lớn cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là chanh dây. Do vậy, HTX phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên xây dựng mã số vùng trồng cho chanh dây. Trong khi chanh dây của người dân bị ùn ứ do cung vượt cầu thì những vườn chanh dây có mã số vùng trồng của thành viên HTX vẫn được Công ty thu mua với giá cao. Điều này mở ra hy vọng lớn cho các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu sản phẩm”-ông Thanh nhấn mạnh.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu. Ảnh: M.P

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Hải Quân-Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên-khẳng định: “Thị trường xuất khẩu yêu cầu chất lượng ngày càng cao nên Công ty tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc theo quy trình, đồng thời xây dựng mã số vùng trồng để hướng đến xuất khẩu. Một khi sản phẩm chanh dây đạt chất lượng cao thì giá cả sẽ tốt hơn”.

Tại huyện Chư Pưh, ngoài việc tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng đối với một số loại cây trồng chủ lực. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Huyện đã được cấp 12 mã số vùng trồng sầu riêng và 1 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích khoảng 200 ha.

“Thời gian qua, để chủ động hướng đến xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, huyện đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân xây dựng mã số vùng trồng trên từng loại cây chủ lực; liên kết với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu chính ngạch mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân được hưởng lợi”-ông Khánh thông tin.

Quan tâm xây dựng mã số vùng trồng

Để nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới xuất khẩu, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (TP. Pleiku) đã xây dựng 7 mã số vùng trồng cho hơn 400 ha chuối trồng tại huyện Đak Đoa. Bên cạnh đó, Công ty đã được cấp 3 mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu. Hiện toàn bộ diện tích chuối đang cho thu hoạch với sản lượng xuất khẩu đạt 22-25 ngàn tấn/năm, doanh thu đạt 12-15 triệu USD/năm. Trong đó, Công ty xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Quốc với thị phần chiếm 50%, còn lại là các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Kuwait...

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Cùng với việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, mã số vùng trồng còn là cơ sở để xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín của các mặt hàng nông sản. Đến nay, huyện đã được cấp 26 mã số vùng trồng chanh dây, sầu riêng, hồ tiêu, chuối với diện tích hơn 867 ha và 5 mã số cơ sở đóng gói hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Ngoài các loại cây ăn quả, chúng tôi sẽ mở rộng kết nối với một số doanh nghiệp lớn để xây dựng mã số vùng trồng cho cây cà phê, hướng đến mục tiêu xuất khẩu với sản lượng lớn hơn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thông tin thêm.

Mã số vùng trồng được xem là “giấy thông hành” để nông sản của tỉnh tiếp cận với thị trường các nước trên thế giới. Ảnh: M.P

Còn ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai thì cho hay: Huyện đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả (chanh dây, mít, sầu riêng, chuối và thanh long) với diện tích 464 ha và 3 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây tươi tại xã Ia Pếch, Ia Bă và Ia Yok, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Ngoài việc hướng dẫn, phổ biến quy trình, hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, huyện còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức cho người dân đăng ký tham gia vùng trồng đối với một số cây trồng chủ lực tại địa phương phục vụ xuất khẩu và cam kết thu mua với giá thỏa thuận nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp của huyện đang dần chuyển dịch theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là định hướng sang xuất khẩu”-ông Thắm nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã được cấp 225 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 10.000 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất 1.500-1.600 tấn quả tươi/ngày để xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand…Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao nhận thức của người dân để sản xuất nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng đối với sản phẩm chanh dây, đáp ứng thị trường xuất khẩu Trung Quốc. Ảnh: M.P

Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo tập trung xây dựng mã số vùng trồng để tăng sản lượng tiêu thụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 256.000 ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn nói trên, trong đó có hơn 60.000 ha đã được cấp giấy chứng nhận.

“Thời gian đến, Sở tiếp tục tổ chức các hội nghị phổ biến kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn giúp cho doanh nghiệp, HTX và người dân được cấp giấy chứng nhận và tham gia nhiều hơn vào thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chanh dây, cà phê... phấn đấu đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ma-so-vung-trong-giay-thong-hanh-de-nong-san-xuat-ngoai-post273839.html