M1 Abrams bị 'hạ gục' bởi T-72B3 dù được đánh giá cao hơn

Xe tăng M1 Abrams Mỹ cung cấp cho Ukraine được đánh giá cao hơn nhiều so với T-72B3 của Nga, tuy nhiên những trang bị hiện đại và đắt tiền cũng không thể giúp xe tăng Mỹ an toàn trên chiến trường.

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết, một chiếc xe tăng T-72B3 của nước này đã phá hủy một chiếc M1 Abrams do Mỹ cung cấp ở chiến trường Ukraine. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, “ngay từ phát súng đầu tiên” xe tăng T-72B3 đã hạ gục xe tăng của Ukraine. Ảnh: Bulgarian Military.

Theo Bulgarian Military, hiện tại có ít nhất ba xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams được xác nhận là đã bị phá hủy, hai trong số đó ở vùng Avdiivka. Chiếc xe tăng Abrams đầu tiên bị phá hủy vào ngày 26/2. Ảnh: The War Zone.

Theo cảnh quay từ máy bay không người lái, chiếc xe tăng Abrams đã bị tiêu diệt bởi hai phát đánh. Phát đầu tiên là do tên lửa chống tăng bắn trúng, còn phát thứ hai là do máy bay không người lái FPV. Đó là lý do tại sao các tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga có thể đề cập đến chiếc xe tăng thứ hai bị tiêu diệt gần Avdiivka. Ảnh: Pravda.

Theo nguồn tin từ tiền tuyến, các binh sĩ Nga thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới độc lập số 15 đã tiêu diệt hai xe tăng Abrams gần Avdiivka. Cũng theo BulgarianMilitary, kíp chiến đấu trên chiếc Abrams bị phá hủy đầu tiên đã được sơ tán an toàn. Ảnh: Newsweek.

Trong khi đó chưa có thông tin về tình trạng của kíp chiến đấu trên chiếc Abrams thứ hai bị phá hủy, nhưng căn cứ vào hình ảnh thì có khả năng họ cũng đã kịp thời rút lui an toàn do tháp pháo của xe tăng không bị phá hủy.

Năm 2023, Washington đã thực hiện lời hứa trước đó bằng việc gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Hiện tại, ba trong số những chiếc xe tăng này đã bị phá hủy. Thông tin về chiếc xe tăng thứ tư bị phá hủy đang lan truyền trên mạng xã hội, nhưng chưa thể xác minh chính xác nguồn tin này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những chiếc xe tăng Abrams mà Washington gửi đến Kiev bị hạn chế về lớp giáp bảo vệ. Một số nguồn tin cho biết, những chiếc xe tăng trên không được trang bị lớp giáp nguyên bản, loại giáp mà xe tăng trong Quân đội Mỹ hiện đang được sử dụng.

Bộ giáp nguyên bản này thường được chế tạo từ uranium nghèo (DU) với các tấm gốm bổ sung được dán trên những khu vực trọng yếu, dễ bị tổn thương mà chỉ có trên các biến thể Abrams của Mỹ. Loại áo giáp độc đáo này, có tên mã là 'Green Grape', được coi là chiến lược đối với an ninh quốc gia và do đó thành phần chính xác của nó hiện vẫn được Washington giữ bí mật.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự thì xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ và xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga có một số điểm khác biệt chính về thiết kế, hiệu suất và công nghệ.

Trong khi xe tăng M1 Abrams được biết đến với lớp giáp vững chắc, hỏa lực và khả năng cơ động tiên tiến thì xe tăng T-72B3 được đánh giá cao về độ bền, hiệu quả về chi phí và dễ bảo trì.

M1 Abrams sử dụng áo giáp tổng hợp Chobham nhiều lớp, mang lại khả năng bảo vệ vượt trội trước vũ khí chống tăng. Trong khi đó, T-72B3 sử dụng kết hợp áo giáp composite và áo giáp phản ứng nổ Kontakt-5. Cả hai xe tăng đều có khả năng phòng thủ chắc chắn, nhưng M1 Abrams lại có lợi thế hơn nhờ công nghệ giáp tiên tiến và thiết kế mang lại an toàn cao cho kíp lái, kể cả khi trúng đạn xuyên.

Về hỏa lực, M1 Abrams được trang bị pháo nòng trơn 120 mm, có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau. Ngược lại, T-72B3 sử dụng pháo nòng trơn 125 mm có thể bắn tên lửa chống tăng dẫn đường, mang lại cho nó một lợi thế riêng.

Về khả năng di chuyển, M1 Abrams được trang bị động cơ tua-bin khí, có thể đạt tốc độ lên tới 90 km/giờ trên đường và 45 km/giờ trên đường địa hình. Còn T-72B3 với động cơ diesel, có tốc độ tối đa chỉ khoảng 60 km/giờ.

Từ quan điểm công nghệ, M1 Abrams được trang bị nhiều hệ thống phức tạp như bộ quan sát nhiệt độc lập của chỉ huy (CITV) và hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa để tăng độ chính xác. Trong khi đó, tuy T-72B3 có công nghệ kém hơn nhưng lại được trang bị các hệ thống hiện đại như kính ngắm đa kênh Sosna-U và máy theo dõi mục tiêu tự động.

Về mặt giá thành thì T-72B3 ít tốn kém hơn kể cả trong quá trình sản xuất và bảo trì. Đây là một lựa chọn hiệu quả cho các quốc gia có ngân sách quân sự hạn chế. Ngược lại, M1 Abrams dù vượt trội về mặt công nghệ nhưng giá thành đắt hơn rất nhiều trong việc sản xuất và bảo trì.

Tóm lại, trong khi M1 Abrams ghi điểm nhờ lớp áo giáp, tốc độ và công nghệ hiện đại, thì T-72B3 lại được đánh giá cao nhờ sức mạnh vượt trội, hiệu quả về chi phí và khả năng bắn đạn tên lửa đa dạng.

Lê Quang (Theo Bulgarian Military)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/m1-abrams-bi-ha-guc-boi-t-72b3-du-duoc-danh-gia-cao-hon-1965320.html