Lý Sơn - Những người dậy trước bình minh

Khi nhiều nơi trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn chìm đắm trong cơn ngủ say thì khu chợ hành tỏi, khu chợ cá đã rộn ràng người mua, kẻ bán.

Những chiếc xe chở hành, tỏi; chở tôm cá tấp nập ra vào, những người phụ nữ với giọng nói “đậm” đất đảo chân chất, vồn vã mời chào, khiến du khách khó có thể dời chân...

Tại Lý Sơn, vụ tỏi thường bắt đầu từ đầu tháng Chín và kéo dài cho đến tháng Hai âm lịch. Đây là thời điểm mà địa phương này thường xuyên hứng chịu những đợt mưa bão lớn. Tính trung bình, mỗi năm, nơi đây hứng chịu ít nhất 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp, rồi nhiều đợt áp thấp gây mưa lớn. Do đó, sản xuất vẫn theo kiểu “được mất nhờ trời”. Thế nên những năm qua, người trồng tỏi lâm vào cảnh thua lỗ. Người dân tại đây cho biết, năm 2023, năng suất của tỏi giảm 30%.

Điều đặc biệt ở chợ hành, tỏi, đa phần tiểu thương là người dân trồng tỏi chính gốc trên đất đảo. Ai cũng đều mong hàng hóa của mình kịp chuyến tàu sớm nhất trong ngày, chở đến buổi họp chợ trong đất liền nên chợ tỏi ở đảo phải bắt đầu họp từ trước khi trời sáng.

Phiên chợ tỏi sôi động đến khi người dân trên đảo bắt đầu công việc thường ngày vào lúc 7h sáng thì kết thúc. Khi đó, tỏi được đóng bao cẩn thận, chuyển đến bến cảng Lý Sơn đưa vào đất liền tiêu thụ.

Chợ hành, tỏi ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn không chỉ tạo điều kiện để người dân giao thương hàng hóa, cải thiện thu nhập, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân biển đảo, giới thiệu đặc sản, nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân đảo Lý Sơn. Nhiều năm qua, hành và tỏi Lý Sơn đã trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện đảo, mang lại nguồn thu cho nhiều hộ dân.

Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 300ha trồng tỏi, cung cấp ra thị trường trên 2.500 tấn tỏi khô. Sự đặc biệt về thổ nhưỡng từ dung nham núi lửa kết hợp kinh nghiệm canh tác lâu đời của người dân bản địa đã tạo nên hương vị đặc biệt cho hành, tỏi Lý Sơn.

Tuy nhiên, sản xuất tỏi có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng đến môi trường đất, áp lực chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển đô thị, phục vụ du lịch và điều kiện thời tiết, khí hậu thay đổi. Việc khai thác giá trị của cây tỏi Lý Sơn một cách bền vững, nâng tầm, để tỏi Lý Sơn không chỉ là củ tỏi đơn thuần mà là thương hiệu, hồn cốt của đất và người Lý Sơn là việc làm cấp thiết.

Ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngoài phiên chợ hành, tỏi họp từ 4h sáng, còn có phiên chợ cá. Chợ cá họp vào sáng sớm tinh mơ ngay trên cảng cá, tại những điểm kinh doanh trong khu trung tâm huyện. Nhưng độc đáo nhất vẫn là chợ cá đêm sát bờ biển.

Khu chợ này nằm bên lề đường cơ động Đông Nam đảo Lý Sơn. Nơi đây không chỉ có cá tươi, mà còn chứa đựng vẹn nguyên "chất" của người dân biển Lý Sơn, vừa bán, vừa khuyến mại theo kiểu "của nhà làm được". Tuy là chợ cá, nhưng lại không ồn ào, không mặc cả, đôi co.

Ngoài những tàu đánh bắt ngoài khơi xa, bám biển nhiều ngày mới về cảng bán cá, còn có các thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ. Để có được những con cá mang ra chợ bán, cứ vào chiều tà, khi sóng yên biển lặng, những người đàn ông lặng lẽ chèo thuyền nhỏ mang theo lưới, câu ra ngoài khơi chừng vài hải lý. Họ đánh bắt trong mấy tiếng đồng hồ rồi vào bờ, người thân chờ sẵn, mang những thứ vừa đánh bắt được bày ra ngay trên mép biển để bán.

Người buôn bán tại chợ hầu hết là những gia đình ngư dân và thương lái trong vùng. Người mua không phải mặc cả vì người dân nơi đây luôn bán đúng giá và thân thiện với người địa phương hay khách du lịch.

Khi chợ cá, chợ tỏi vãn khách, cũng là lúc mặt trời ló rạng...

Đảo Lý Sơn, hay còn gọi là cù lao Ré, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 25km. Lý Sơn gồm hai hòn đảo, gọi là đảo Lớn và đảo Bé, cách nhau chừng 2 hải lý với tổng diện tích 9,97km2.

Nói đến Lý Sơn, người ta nghĩ ngay đến nghề trồng tỏi và khai thác hải sản. Hai ngành nghề truyền thống này đã và đang song hành cùng với các ngành nghề mới, tạo nên bản sắc riêng cho nhịp sống mỗi ngày trên huyện đảo này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ly-son-nhung-nguoi-day-truoc-binh-minh-648075.html