Lý giải việc người ốm nghén nặng, người không

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm chuyên gia ở Mỹ cho rằng họ đã tìm thấy nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ trải qua hiện tượng ốm nghén nghiêm trọng trong thai kỳ.

 Buồn nôn hay bị nôn nặng là triệu chứng phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ảnh: Shutterstock.

Buồn nôn hay bị nôn nặng là triệu chứng phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ảnh: Shutterstock.

Nhà nghiên cứu sản khoa Marlena Fejzo, trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, Mỹ, từng phải chịu đựng cơn ốm nghén khủng khiếp. Trong lần mang thai thứ hai, cô không thể ăn bất kỳ loại thức ăn nào, thậm chí còn đứng không vững. Dù vậy, bác sĩ lại nói những triệu chứng này hoàn toàn do suy nghĩ, cảm giác của cô.

Trải nghiệm thai kỳ khó khăn này thôi thúc cô nghiên cứu, tìm kiếm nguyên nhân gây ra ốm nghén ở phụ nữ mang thai. Marlena Fejzo cùng đồng sự tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm. Đến nay, theo ScienceAlert, họ đã tìm ra loại hormone tác động lên não gây nôn. Nhóm nghiên cứu cho rằng nó có thể là nguyên nhân gây ra chứng ốm nghén nặng ở phụ nữ mang thai.

Loại hormone tác động lên não gây nôn

Năm 2000, các nhà khoa học phát hiện huyết thanh của phụ nữ mang thai chứa lượng lớn hormone GDF15. Vì thế, Marlena Fejzo và đồng sự chú trọng nghiên cứu loại hormone này.

Nhóm đã thực hiện nghiên cứu kép, giải trình tự gene của những người bị buồn nôn, nôn nghén nặng trong thai kỳ. Kết quả chỉ ra thành phần di truyền liên quan đến hai gene, trong đó có gene mã hóa GDF15.

Buồn nôn và nôn nghén là triệu chứng rất phổ biến của phụ nữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Theo thống kê, khoảng 2% trường hợp mang thai bị ốm nghén với tình trạng buồn nôn, nôn nghiêm trọng. Những trường hợp này được gọi là chứng nôn nghén nặng (HG).

Đầu năm 2022, nhóm của Marlena Fejzo phát hiện ra một vài biến thể di truyền, bao gồm cả loại hiếm gặp và phổ biến, trong gene GDF15. Họ cho rằng chúng có liên quan đến nguy cơ mắc chứng nôn nghén nặng. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa biến thể di truyền này và hormone GDF15 vẫn chưa rõ ràng.

Hiện tại, chuyên gia sản khoa Marlena Fejzo và các đồng nghiệp đã chia sẻ loạt bằng chứng mới nhất để chứng minh GDF15 gây ra chứng nôn khi ốm nghén.

Giống như nhiều loại protein khác, nồng độ GDF15 tăng cao trong thời kỳ mang thai, một số phụ nữ nhạy cảm với loại hormone này hơn người khác.

Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo: "Chúng tôi đặt trọng tâm nghiên cứu vào các yếu tố như GDF15, buồn nôn, nôn trong thai kỳ, chứng nôn nghén nặng. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra gợi ý về các phương pháp điều trị và phòng ngừa".

Tin tức về việc các nhà khoa học có thể đã tìm ra nguyên nhân của chứng nôn nghén có thể giúp nhiều phụ nữ cảm thấy nhẹ nhõm hơn ngay cả khi chưa thực sự có phương pháp điều trị dựa trên kết quả nghiên cứu này.

 Theo thống kê, khoảng 2% trường hợp phụ nữ mang thai bị ốm nghén nặng. Ảnh: Shutterstock.

Theo thống kê, khoảng 2% trường hợp phụ nữ mang thai bị ốm nghén nặng. Ảnh: Shutterstock.

Phương pháp có thể giảm ốm nghén

Nhóm nghiên cứu của Marlena Fejzo cũng đã làm nghiên cứu đối sánh. Họ phát hiện nồng độ hormone GDF15 đo được ở nhóm 60 phụ nữ bị nôn nghén nặng khác biệt so với nhóm không bị nôn nghén. Kết quả này củng cố những nhận định trước đó.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Bây giờ, chúng tôi có thể kết luận chắc chắn mức độ GDF15 cao trong máu phụ nữ mang thai có liên quan đến nguy cơ mắc chứng nôn nghén nặng".

Tiếp theo, họ so sánh phụ nữ mang thai mang các biến thể di truyền GDF15 khác nhau, phát hiện ra phần lớn hormone GDF15 trong thai kỳ khỏe mạnh đến từ bào thai và nhau thai.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý các bà mẹ mắc chứng nôn nghén nặng có thể có nồng độ GDF15 cao hơn người bình thường.

Quay trở lại với các biến thể di truyền đã được xác định trước đó có liên quan đến chứng nôn nghén nặng, Marlena Fejzo cùng đồng sự nhận thấy phụ nữ có các biến thể này, nồng độ hormone GDF15 lưu thông trong máu thấp hơn rõ rệt khi họ không mang thai.

Phát hiện này có giá trị hơn khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ nghiên cứu riêng biệt trên 18.000 phụ nữ Scotland và chứng minh được điều ngược lại. Kết quả cho thấy phụ nữ có mức độ GDF15 cao khi không mang thai có nguy cơ bị tăng huyết áp thấp hơn.

Tương tự, nhóm cũng thực hiện cuộc khảo sát nhỏ trên 20 phụ nữ, kết quả cho thấy phụ nữ mắc bệnh beta-thalassemia có nồng độ GDF15 trong máu cao khi không mang thai. Những người mắc bệnh này hiếm khi bị buồn nôn và nôn khi mang thai.

Marlena Fejzo và đồng nghiệp gợi ý việc có nồng độ GDF15 cao hơn trước khi mang thai có thể giúp loại bỏ chứng nôn nghén, giảm độ nhạy cảm của phụ nữ với hormone này, từ đó giảm.

Nhìn chung, bằng chứng mới cho thấy mức độ nghiêm trọng của chứng buồn nôn và nôn khi mang thai là kết quả của hormone GDF15 có nguồn gốc từ bào thai cùng độ nhạy cảm của người mẹ với peptide.

Tóm lại, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh giả thuyết tăng mức GDF15 trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa chứng ốm nghén nặng và giảm nồng độ hormone này trong thai kỳ có thể tránh buồn nôn.

Ngọc Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/ly-giai-viec-nguoi-om-nghen-nang-nguoi-khong-post1441961.html