Lý giải sự thắt chặt hầu bao của các 'gã khổng lồ' khai thác mỏ

Một lý do khiến các công ty khai thác mỏ không muốn nới rộng hầu bao là vì họ vẫn đang cố gắng lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Hoạt động khai thác nickel của BHP tại Tây Australia. Ảnh: BHP

Trong suốt thập niên 2000 và đầu thập niên 2010, ngành khai thác mỏ thế giới đặt cược rằng giá hàng hóa sẽ tăng nhờ sự trỗi dậy kéo dài của kinh tế Trung Quốc. Kết quả là những công ty này đã phung phí đầu tư và vì thế gánh những khoản nợ khổng lồ.

Theo công ty dịch vụ tài chính PwC, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2013, chi tiêu vốn tổng hợp của 40 công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường đạt 130 tỷ USD, tương đương gần 4/5 lợi nhuận trước thuế, lãi suất và khấu hao (EBITDA) của họ. Việc chi tiêu quá mức này đã khiến các ông chủ khai thác phải ngại ngần khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại, khiến giá hàng hóa và lợi nhuận ngành giảm mạnh.

Các công ty khai thác mỏ đã dành nhiều năm sau đó để “dọn dẹp” đống hỗn độn. Vào năm 2015, khối tài sản trị giá hơn 50 tỷ USD đã bị “xóa sổ”. BHP, công ty khai thác mỏ có giá trị nhất thế giới, đã phải thương mại hóa quyền sở hữu một số nhà máy để huy động vốn và tinh giản hóa hoạt động kinh doanh rộng lớn của họ. Những “người chơi” khác cũng phải làm theo. Tiền mặt được sử dụng để trả nợ thay vì tài trợ cho các dự án mới.

Kể từ đó, lợi nhuận và giá hàng hóa đã phục hồi, nhưng đầu tư thì không. Vào năm 2022, 40 công ty khai thác lớn nhất chỉ đầu tư tổng cộng 75 tỷ USD, tương đương chỉ 1/4 EBITDA. Các nhà phân tích cho rằng BHP đã đầu tư khoảng 7 tỷ USD trong năm ngoái, theo các nhà phân tích tính toán, bằng 1/3 số tiền họ đã chi vào năm 2013.

Theo Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng, một tổ chức tư vấn, quá trình khử carbon trong kinh tế toàn cầu sẽ cần đến 6,5 tỷ tấn kim loại từ nay đến năm 2050.

Trong khi đó, mặc dù người ta đã chú ý nhiều đến lithium và nickel, những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất pin, nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh.

Thế giới sẽ cần tới 170 triệu tấn thép mỗi năm, bao gồm chủ yếu là quặng sắt, để sản xuất mọi thứ từ tua-bin gió đến xe điện (EV), cao gấp hơn 10 lần sản lượng toàn cầu hiện nay. Họ cũng cần một lượng lớn đồng để mở rộng và nâng cấp lưới điện. Nhu cầu về nhôm, cobalt, than chì và bạch kim cũng sẽ tăng đáng kể. Điều này sẽ đòi hỏi quá trình khai thác mỏ phải được tăng cường ngay từ bây giờ. Tại sao nó không xảy ra?

Một lý do khiến các công ty khai thác mỏ không muốn nới rộng hầu bao là vì họ vẫn đang cố gắng lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Giá trị của chỉ số theo dõi và đánh giá cổ phiếu trong ngành khai thác và kim loại thế giới MSCI, chỉ tăng khoảng 10% trong thập kỷ qua so với mức tăng gấp đôi của chứng khoán thế giới.

Lợi nhuận từ các dự án mới trong ngành hiện ở mức khoảng 7% và con số này thật khó để thu hút các nhà đầu tư do lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ hiện đã cao hơn 5%.

Cảnh giác với những biến động mới đầy rủi ro, các nhà khai thác đang ưu tiên mở rộng hoặc mua lại một cách có chọn lọc các địa điểm hiện có. Năm ngoái, BHP đã mua OZ Minerals, một công ty khai thác đồng, vàng và nickel của Australia với giá 6,4 tỷ USD. Theo nhà cung cấp dữ liệu S&P Global, các công ty khai thác mỏ cũng đang trả nhiều tiền mặt cho các cổ đông thông qua cổ tức và mua lại hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2007.

Tuy nhiên, các thợ mỏ và nhà đầu tư thận trọng không phải là toàn bộ nguyên nhân dẫn đến sự ảm đạm của ngành. Giám đốc điều hành Mike Henry của BHP lưu ý rằng hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém hơn trong những năm gần đây.

Đồng quan điểm này, ông chủ Jonathan Price của Teck Resources, một “gã khổng lồ” khai thác mỏ ở Canada, cho biết chi phí lao động và thiết bị tăng cao đã làm giảm lợi nhuận. Mức giá gần 9 tỷ USD để phát triển mỏ đồng Quebrada Blanca 2 ở Chile, được khai trương năm ngoái, cao gần gấp đôi so với ước tính của họ vào năm 2019.

Nhà máy chế biến Lithium tại Khu công nghiệp Kwinana ở Australia. Nguồn: Tianqi Lithium

Chuyên gia James Whiteside của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie cho biết, phạm vi hoạt động dự kiến nhằm giảm tác động đến môi trường của các công ty khai thác đã mở rộng đáng kể. Các công ty không còn có thể chỉ dựa vào máy phát điện diesel để cung cấp năng lượng nữa. Họ ngày càng nhận thấy sự cần thiết của việc kết nối với lưới điện hoặc lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo như tấm pin Mặt Trời. Các chính phủ lo lắng về việc sử dụng nước đã buộc các công ty khai thác phải xây dựng các nhà máy khử muối. Tất cả những điều đó đã làm tăng thêm chi phí.

Những người khai thác có xu hướng tạm dừng hoặc hủy bỏ các dự án khi chi phí tăng hoặc giá giảm để làm hài lòng các nhà đầu tư. Người đứng đầu Jakob Stausholm của công ty khai thác mỏ có giá trị lớn thứ hai thế giới Rio Tinto, cho biết: “Bạn thực sự cần can đảm để suy nghĩ về lâu dài”. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vào ngày 15/2, BHP cho biết họ sẽ cắt giảm 2,5 tỷ USD giá trị của hoạt động kinh doanh nickel ở phía Tây Australia do chi phí cao hơn và giá kim loại sụt giảm do nguồn cung của Indonesia mở rộng.

Một lý do khác khiến các công ty khai thác mỏ thiếu đầu tư là quy trình cấp phép kéo dài một cách đáng tiếc, khiến các dự án bị trì hoãn và gây ra sự không chắc chắn. Ở Mỹ, việc xin giấy phép thường mất từ 7 đến 10 năm, các công ty phải tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan chính phủ và các bên quan tâm khác. Tại một số quốc gia, những lo ngại về môi trường đã khiến việc phê duyệt gặp khó khăn. Chính phủ Serbia đã thu hồi giấy phép của Rio Tinto đối với việc khai thác mỏ lithium trị giá 2,4 tỷ USD sau khi các cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra vào năm 2022.

Khi các công ty khai thác phương Tây rút lui, một số công ty khác lại đổ xô vào. Các thực thể giàu tiền mặt ở khu vực vùng Vịnh đang quan tâm đến lĩnh vực này. International Resource Holdings, một công ty khai thác mỏ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã mua 51% cổ phần của Mopani - một công ty khai thác đồng của Zambia, với giá 1,1 tỷ USD.

Chính phủ UAE đã đồng ý đầu tư 1,9 tỷ USD để phát triển ít nhất 4 mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Manara Minerals, một quỹ khai thác mỏ của Saudi Arabia, đang tìm kiếm thêm khoản đầu tư sau khi mua cổ phần trong đơn vị kim loại cơ bản của Vale, một công ty khai thác mỏ Brazil, với giá 3 tỷ USD vào năm ngoái. Vương quốc này cũng đang lùng sục các sa mạc rộng lớn của mình để tìm tài nguyên và đã mở cửa cho các công ty khai thác nước ngoài. Bộ trưởng Khai thác mỏ và Công nghiệp Bandar Alkhorayef cho biết, việc này giúp các thợ mỏ hoạt động dễ dàng hơn bằng cách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sắt và các nhà máy khử muối.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2023, các công ty của Trung Quốc đã đầu tư 10 tỷ USD ra nước ngoài vào lĩnh vực khai thác mỏ, nhiều hơn 130% so với sáu tháng đầu năm trước. Chín trong số 40 công ty khai khoáng niêm yết có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay là thuộc Trung Quốc. Các công ty như CMOC, Minmetals và Zijin Mining đã thu mua tài sản từ Bolivia và Botswana đến Serbia và Suriname. Nhiều công ty trong số này được hỗ trợ bởi các ngân hàng nhà nước hoặc quỹ đầu tư. So với các công ty lớn ở phương Tây, họ đối mặt với ít áp lực hơn từ các cổ đông trong việc hạn chế chi tiêu.

Năm 2022, Mỹ đã thành lập Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) với nhiều đồng minh khác nhau để thu hút đầu tư vào hoạt động khai thác và chế biến các kim loại quan trọng.

Trong tháng này, Nhật Bản, dưới sự bảo trợ của MSP, đã ký một thỏa thuận với Cộng hòa Dân chủ Congo để mở rộng “cơ hội kinh doanh”. Mỹ cũng được cho là đang thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) để hợp tác với các nước giàu tài nguyên và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư còn rụt rè, chi phí vẫn ở mức cao và quy trình cấp phép bị đóng băng, tất cả những điều trên sẽ không thể thu hút nhiều công ty khai thác.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ly-giai-su-that-chat-hau-bao-cua-cac-ga-khong-lo-khai-thac-mo/324694.html