Lý do TP.HCM tập trung hướng điều tra vào bánh su kem trong vụ ngộ độc hàng loạt

Mẫu bánh su kem dư, mẫu lưu của cơ sở sản xuất, mẫu nguyên liệu liên quan đến vụ ngộ độc đêm Trung thu tại TP.HCM đã được xét nghiệm. Bánh su kem cũng là điểm chung của bé gái 6 tuổi đã tử vong và những trẻ bị đau bụng, tiêu chảy sau tiệc.

Trong buổi họp báo hàng tuần tại Trung tâm báo chí TP.HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến vụ ngộ độc đêm Trung thu.

Theo bà Lan, trong tiệc Trung thu tối 29/9 tại chung cư Palm Heights, chương trình đã phát bánh su kem cho các bé. Sau tiệc, còn dư một số bánh nên cho nhân viên mang về, trong đó có bà Phan Thị Út. Bà Út mang bánh về phòng trọ. Bánh được bỏ qua đêm, không bỏ tủ lạnh.

Ngày hôm sau, 3 mẹ con bà Út ăn và có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy. Đến hơn 23h ngày 1/10, bé gái 6 tuổi tử vong trên đường nhập viện.

Bà Lan cho biết vào sáng 2/10, ngay khi nắm sự việc, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP đã hướng nghi ngờ vào việc bánh su kem bỏ qua đêm, không bỏ tủ lạnh vì đây là bánh kem lạnh.

Theo bà Lan, lý do không điều tra các loại thức ăn trong đêm Trung thu của chung cư Palm Heights như xúc xích, nước ngọt… là vì bé gái tử vong không tham dự buổi tiệc mà ăn bánh do mẹ mang về. Điểm chung của bé gái này và những đứa trẻ có triệu chứng ngộ độc là ăn bánh su kem.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: GL.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: GL.

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP đã lấy 2 mẫu bánh còn sót lại của cư dân, mẫu lưu bánh sản xuất ngày 29/9 của công ty, mẫu nguyên liệu như sữa trứng bơ… đi xét nghiệm. Tuy nhiên, bà Lan khẳng định điểm khó khăn là thời gian nắm sự việc và lấy mẫu đã “chậm một bước”.

Bởi buổi tiệc diễn ra vào thứ 6 (29/9) nhưng đến thứ 2 (2/10), tất cả các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Do đó, mẫu bánh rất có thể sẽ dương tính với một số vi khuẩn do để quá lâu.

“Giá như Công an TP Thủ Đức thông tin ngay lập tức, mẹ cháu bé và ban quản lý chung cư báo cho cơ quan chức năng ngay, nếu thông tin càng sớm càng tốt, chúng ta có thể giải quyết kịp thời. Nếu lỡ may một số trẻ em thể trạng yếu, có bệnh nền mà ngộ độc thực phẩm kéo dài thì rất có thể không chỉ 1 bé tử vong”, bà Lan lo lắng và gọi sự chậm trễ này là một bài học.

Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm của TP cũng đề nghị cần cẩn trọng khi đưa các thông tin liên quan trước khi có kết luận cuối cùng.

“Về nguyên nhân gây ngộ độc và tử vong của cháu bé 6 tuổi, ngành y tế có chuyên môn và chức năng sẽ kết luận. Còn trách nhiệm của Ban quản lý An toàn thực phẩm là phải kết luận nhiễm khuẩn qua đường nào, từ thực phẩm nào và do đâu. Chúng tôi vẫn đang chờ các kết quả xét nghiệm”, bà Lan nói.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-tp-hcm-tap-trung-dieu-tra-vao-banh-su-kem-trong-vu-ngo-doc-dem-trung-thu-2198385.html