Lý do nhiều người Trung Quốc không sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số - 'vũ khí chống tham nhũng'

Cuối mỗi tháng, Sammy Lin (người quản lý tài khoản tại một ngân hàng quốc doanh ở Tô Châu, phía đông Trung Quốc) nhận lương hàng tháng theo hình thức mà hầu hết mọi người đều không quen thuộc.

Thay vì nhận tiền được chuyển qua tài khoản ngân hàng, Sammy Lin đang nhận lương dưới dạng tiền kỹ thuật số trong ứng dụng e-CNY. Số tiền này sau đó sẽ tự động chuyển vào tài khoản ngân hàng của Sammy Lin, nơi cô có thể đổi thành tiền mặt thông thường và tiết kiệm hoặc chi tiêu tùy thích.

Sammy Lin là một trong những nhóm nhân viên đầu tiên được trả lương hoàn toàn bằng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), khi Trung Quốc cố gắng phổ biến loại tiền này thông qua một chương trình thí điểm bắt đầu với nhân viên của các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước.

Một năm trước, Thường Thục, thành phố cấp huyện thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), đã dẫn đầu bằng cách trả lương cho tất cả nhân viên trong khu vực công bằng nhân dân tệ kỹ thuật số. Công ty của Sammy Lin cũng làm theo vài tháng sau đó.

Song giống với hầu hết những người khác trong nhóm tiên phong này, Sammy Lin không thực sự sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số trực tiếp. Lý do mà họ đưa ra gồm những hạn chế về chức năng đến những lo lắng về quyền riêng tư.

Sammy Lin nói: “Tôi không muốn giữ tiền trong ứng dụng e-CNY vì sẽ không có lãi nếu để nó ở đó. Cũng không có nhiều nơi, trực tuyến hay ngoại tuyến, mà tôi có thể sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số”.

Các vấn đề về quyền riêng tư, mà Yi Gang (cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) gọi là “thách thức lớn nhất của kỷ nguyên tài chính kỹ thuật số”, cũng khiến nhiều người do dự trong việc chấp nhận loại tiền mới này.

Không giống tiền giấy, tất cả giao dịch bằng e-CNY về mặt lý thuyết đều có thể truy vết được trong sổ cái kỹ thuật số. Nhân dân tệ kỹ thuật số tích hợp một số yếu tố của công nghệ blockchain (giao thức tương tự như giao thức hỗ trợ tiền mã hóa) khiến nhiều người gọi nó là vũ khí chống tham nhũng.

Sammy Lin nói: “Dù bản thân tôi không lo lắng nhiều về quyền riêng tư vì thanh toán trực tuyến phổ biến đến mức tôi hiếm khi sử dụng tiền mặt, tôi hiểu rằng có những người lo ngại về điều này”.

Ye Dongyan, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Cheung Kong Graduate ở Bắc Kinh (thủ độ Trung Quốc), cho biết nhu cầu cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật đã cản trở tiến trình thúc đẩy nhân dân tệ kỹ thuật số.

Ông nói: “Tiền giấy được sử dụng ẩn danh, nhưng nhân dân tệ kỹ thuật số thì khác. Ranh giới giữa theo dõi thông tin và bảo vệ an ninh thông tin cần được thảo luận kỹ hơn”.

Với sự phổ biến của smartphone và các ứng dụng thanh toán trực tuyến do tư nhân sở hữu như Alipay hay WeChat Pay thống trị đời sống hàng ngày, Trung Quốc đã trở thành một xã hội hầu như không dùng tiền mặt trong khoảng một thập kỷ. Thế nhưng, các nền tảng đó không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ và các giao dịch bằng tiền mặt vẫn là một lựa chọn được pháp luật bảo vệ.

Tại một diễn đàn hồi tháng 3 ở Bắc Kinh, Yi Gang cho biết nhân dân tệ kỹ thuật số “có thể bảo vệ hoàn toàn quyền riêng tư thông qua tính ẩn danh có thể kiểm soát”, nghĩa là không có dấu vết kỹ thuật số cho các giao dịch nhỏ hơn và có khả năng truy xuất nguồn gốc cho các giao dịch lớn hơn để đảm bảo tính minh bạch.

Mu Changchun, Giám đốc Viện nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết người dùng chỉ cần số điện thoại di động để có được ví điện tử cho các giao dịch nhỏ và theo luật hiện hành, các nhà khai thác viễn thông không được phép tiết lộ danh tính liên quan đến số cho bên thứ ba. Đây là điều ông lặp đi lặp lại nhiều lần trong vài năm qua.

Tuy nhiên, Mu Changchun nói các giao dịch giá trị lớn chỉ có khả năng thực hiện trong các ví được xác định danh tính để có thể theo dõi, nhằm ngăn chặn các hành vi tội phạm như rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đang được áp dụng cho nhiều tình huống thanh toán hơn nhưng tiện ích của nó vẫn còn hạn chế - Ảnh: Getty Images

Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đang được áp dụng cho nhiều tình huống thanh toán hơn nhưng tiện ích của nó vẫn còn hạn chế - Ảnh: Getty Images

Albert Wang, người làm việc tại một cơ quan chính quyền thành phố ở Tô Châu được trả một phần lương bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nói anh không bận tâm đến cách sắp xếp này vì đây chỉ là một phần nhỏ – vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.

Thế nhưng, vợ Albert Wang, cũng là một công chức trong thành phố, được trả toàn bộ lương bằng nhân dân tệ kỹ thuật số và xử lý số tiền này giống với Sammy Lin.

“Cô ấy rút tiền khi nhận được vì không thể gửi tiền hoặc mua các sản phẩm tài chính bằng ví điện tử e-CNY”, Albert Wang nói.

Theo Albert Wang, việc áp dụng rộng rãi hơn tiền kỹ thuật số có thể giúp hạn chế tham nhũng ở một mức độ nào đó vì làm giảm tình trạng hối lộ bằng tiền mặt, dù tham nhũng có thể xảy ra dưới các hình thức khác.

Anh nói: “Những nhược điểm là rõ ràng vì nó không được chấp nhận ở tất cả cửa hàng và chỉ đóng vai trò như một công cụ thanh toán”, đồng thời cho biết điều này khiến nó không thể cạnh tranh với Alipay và WeChat Pay, hai dịch vụ được sử dụng phổ biến và có nhiều chức năng khác.

Theo trang SCMP, một nhà kinh tế giấu tên ở Bắc Kinh đồng ý rằng các ứng dụng thanh toán trực tuyến tinh vi và phát triển tốt là trở ngại lớn cho việc phổ biến nhân dân tệ kỹ thuật số.

Ông nói: “Sự phát triển của các ứng dụng thanh toán trực tuyến nhanh và mạnh mẽ đến mức không thể thay thế chúng bằng công cụ mới, trừ khi đó là sự đổi mới mang tính đột phá”.

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số tại một số thành phố được chọn vào năm 2019, để chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn quốc trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt nhằm ra mắt một loại tiền kỹ thuật số được nhà nước hậu thuẫn.

Dù chưa công bố mốc thời gian cho việc ra mắt toàn quốc, Trung Quốc đã tích cực quảng bá tiền này kể từ khi các cuộc thử nghiệm bắt đầu.

Trong báo cáo thường niên rằng năm ngoái, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ngân hàng lớn nhất thế giới về tổng tài sản) cho biết hơn 15 triệu ví điện tử e-CNY mới được mở bởi các cá nhân và hơn 1,3 triệu ví bởi các tổ chức kinh doanh. Hơn 2,7 triệu cửa hàng đã được thêm mới vào danh sách chấp nhận đồng tiền mới này.

Ngoài chi tiêu cá nhân, việc sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số đã được mở rộng sang một số dịch vụ công, bao gồm thanh toán thuế và an sinh xã hội.

Tháng 10.2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, trước mắt vẫn liên kết với tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, nhưng sau đó có thể tách khỏi hệ thống ngân hàng, tờ China Daily đưa tin. Không chỉ người dân trong nước mà du khách nước ngoài tới Trung Quốc, không cần có tài khoản mở tại ngân hàng quốc gia này, vẫn có thể tiếp cận hệ thống nhân dân tệ kỹ thuật số để mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tháng 4.2020, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm nhân dân tệ kỹ thuật số ở 4 đô thị. Đến tháng 4.2021, việc thử nghiệm được mở rộng ra 6 thành phố khác.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố rằng mục tiêu phát hành nhân dân tệ kỹ thuật số là thay thế một phần tiền mặt (không thay thế tiền gửi ngân hàng, các nền tảng thanh toán do tư nhân quản lý).

Nhân dân tệ kỹ thuật số được dùng để giảm rửa tiền, đánh bạc, tham nhũng và tài trợ cho khủng bố, đồng thời có thể tăng hiệu quả giao dịch tài chính. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng tuyên bố rằng cơ quan chức năng sẽ hạn chế theo dõi các cá nhân liên quan giao dịch nhân dân tệ kỹ thuật số, tạo cho họ độ ẩn danh tương đối, ẩn danh có kiểm soát.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, chính quyền sẽ kiểm soát chặt nhân dân tệ kỹ thuật số để giá trị luôn tương đương so với tiền giấy, tiền xu, không lên xuống thất thường quá mức như các đồng tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum…), không để xảy ra tình trạng đầu cơ cũng như làm giả. Trước mắt sẽ đặt mức trần cho số tiền nhân dân tệ kỹ thuật số mà một người có thể nắm giữ. Sau đó, khi lưu thông thông suốt, tính an toàn, riêng tư của người sở hữu được bảo đảm thì sẽ phát hành nhân dân tệ kỹ thuật số theo năng lực tài chính thực tế của người dân (kiểu như đổi tiền).

Một Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói: “Mục tiêu của phát hành nhân dân tệ kỹ thuật số không phải là thay thế USD hoặc các loại ngoại tệ khác”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói rằng đã nghiên cứu tác động của các loại tiền kỹ thuật số như nhân dân tệ kỹ thuật số và cách thức tác động của chúng với USD.

Một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ làm suy yếu năng lực của Mỹ trong việc giám sát, kiểm soát hệ thống tài chính toàn cầu thông qua “vũ khí hóa USD” như trừng phạt kinh tế, và thông qua tiếp cận riêng vào hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trang Bloomberg đưa tin. Viện Clingendael (trụ sở tại Hà Lan) cho rằng tiền kỹ thuật số như nhân dân tệ kỹ thuật số cũng đe dọa vị thế đang lên của đồng euro.

Theo nhiều chuyên gia phương Tây, nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đem lại cách thức giao dịch quốc tế mới rẻ hơn, thực tế hơn, không còn phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ dẫn dắt. Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể được áp dụng trước tiên với các quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc như một số nước ASEAN, châu Phi, châu Mỹ Latin, các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư liên quan Trung Quốc.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-do-nhieu-nguoi-trung-quoc-khong-su-dung-nhan-dan-te-ky-thuat-so-vu-khi-chong-tham-nhung-217181.html