Lý do Nga chưa đưa xe tăng T-14 Armata vào chiến đấu trực tiếp ở Ukraine

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata mới hiện đã phục vụ trong quân đội Nga nhưng chưa được đưa vào chiến đấu trực tiếp ở Ukraine.

Ông Sergey Chemezov, Tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Rostec cho rằng, xe tăng T-14 hiện đại và thiết thực hơn nhiều so với các xe tăng khác hiện có của Nga, nhưng nó “quá đắt đỏ” để triển khai ở chiến trường.

T-14 Armata ước tính có giá từ 5-9 triệu USD, đắt hơn đáng kể so với các xe tăng T-90, T-80 và T-72 hiện đang được Nga triển khai ở Ukraine.

Xe tăng T-14 Armata của Nga trong cuộc tổng duyệt chuẩn bị cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow. Ảnh: Sputnik

Theo ông Chemezov khẳng định, xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata mới hiện đang phục vụ trong quân đội Nga.

Khi T-14 Armata ra mắt vào năm 2015, một số nhà phân tích phương Tây lo ngại rằng xe tăng thế hệ tiếp theo của Nga có thể thách thức các xe tăng của NATO như M1 Abrams, Challenger 2 hoặc Leopard 2 mà Ukraine hiện đang sử dụng để chống lại Nga.

Xe tăng dựa trên nền tảng T-14 Armata do nhà sản xuất quốc phòng Uralvagonzavod phát triển đã được ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5/2015. Năm 2019, xe tăng Armata đã trải qua các cuộc thử nghiệm sơ bộ.

Được quảng bá là xe tăng thế hệ thứ ba duy nhất trên thế giới và chưa có đối thủ ngang sức, Armata có module chiến đấu hoàn toàn được điều khiển từ xa, trong khi kíp lái ngồi trong khoang bọc thép kiên cố, tách biệt với khoang chứa nhiên liệu và đạn dược. Điều này giúp kíp lái có khả năng sống sót tốt hơn ngay cả trong trường hợp xe tăng bị đánh trúng.

Đầu năm 2023, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga đang cân nhắc triển khai xe tăng Armata tới Ukraine, nhưng gọi đây là một “quyết định nhiều rủi ro”. T-14 có thể sẽ gây căng thẳng cho chuỗi hậu cần của Nga vì chúng nặng hơn và lớn hơn các phương tiện bọc thép khác.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, xe tăng T-14 đã được triển khai tới Ukraine. Hình ảnh và video được đăng tải cho thấy T-14 hoạt động ở tiền tuyến, nã pháo về phía lực lượng Ukraine từ xa nhưng không tham gia vào các hoạt động tấn công trực tiếp.

Tuy nhiên, tình báo Ukraine đã bác bỏ thông tin trên và nói rằng họ chưa thấy chiếc T-14 nào hoạt động ở tiền tuyến.

Sau nhiều năm phát triển, chương trình T-14 cũng gặp phải một số vấn đề trong đó có việc chậm trễ trong sản xuất trên quy mô lớn.

Việc Nga chưa đưa T-14 Armata vào chiến đấu trực tiếp là điều hoàn toàn có thể hiểu được bởi nó sẽ trở thành mục tiêu săn đuổi của lực lượng Ukraine. Chỉ khi nào dòng xe tăng này được sản xuất và đưa vào trang bị với số lượng đủ lớn thì chúng mới có cơ hội tham chiến tích cực hơn.

Ông Chemezov cho hay, quân đội Nga có thể dễ dàng mua những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba T-90 cũ thay vì triển khai T-14 ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng gọi T-90 là “xe tăng tốt nhất thế giới”, nhưng dòng xe tăng này đã bị phá hủy ở Ukraine bằng máy bay không người lái cỡ nhỏ và xe bọc thép. Một video được lan truyền trên mạng xã hội vào đầu năm nay cho thấy màn cận chiến giữa chiếc Bradley do Mỹ sản xuất với một chiếc T-90M và kết quả là xe tăng Nga mất khả năng chiến đấu.

Trong một bản cập nhật tình báo hôm 3/3, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, Nga có thể đã triển khai khoảng 1.300 xe tăng, hơn 5.000 xe chiến đấu bộ binh (IVF) và xe bọc thép chở quân (APC) ở Ukraine. Tổn thất của Nga hiện ở mức 2.700 xe tăng, 5.000 IFV và APC.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/ly-do-nga-chua-dua-xe-tang-t-14-armata-vao-chien-dau-truc-tiep-o-ukraine-post1080617.vov