Lý do khối ngoại bán ròng

Động thái bán ròng liên tục của khối ngoại một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh, một phần theo xu hướng rút ròng khỏi các thị trường Đông Nam Á...

Không chỉ "bán ròng" tại thị trường Việt Nam

Khối ngoại đã có 16 phiên liên tiếp "xả hàng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc bán ròng của khối ngoại nhìn chung không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều ở thị trường khác.

Theo dữ liệu của Công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, không chỉ thị trường Việt Nam, các thị trường khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan cũng đang ghi nhận những đà rút ròng với khối lượng lớn của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

"Có thể thấy đây là động thái có tính tương đồng tại các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn cuối năm 2023 này", chuyên gia FIDT nhận định.

Khối ngoại bán ròng liên tiếp 16 phiên gần đây.

Riêng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khối ngoại đã bắt đầu bán từ tháng 6-7, khi thị trường tăng mạnh mẽ là tâm lý tích cực từ 4 lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đỉnh điểm là bán mạnh nhất ở tháng 12 hiện tại.

Lực bán còn chưa quá lớn

Phân tích về dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, bà Trường Minh Trang – Giám đốc điều hành Dịch vụ Thông tin tài chính (FiinGroup) cho biết, vào những giai đoạn trước đây, khối ngoại mua ròng ở thị trường cổ phiếu Việt Nam rất lớn, đặc biệt là năm 2008 (mua theo hình thức thỏa thuận). Sau đấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong các năm tiếp theo.

Giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam lập đỉnh, vượt 1.500 điểm (đạt 1.500,81 điểm) vào ngày 25/11 (tăng gần 36% so với cuối năm 2020), khối ngoại cũng đã thiết lập kỷ lục bán ròng hơn 57.000 tỷ đồng. Khi đó, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã giảm một cách nhanh chóng xuống còn 17%.

Đến năm 2022, dòng tiền khối ngoại quay trở lại, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trung bình bây giờ là 18,5% trên thị trường.

“Năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 21.000 tỷ đồng, so với lực bán của những năm trước đây, lực bán này chưa quá lớn, chưa quá nhiều”, bà Trang cho biết.

Bà Trang thông tin thêm, thời gian qua, khối ngoại tập trung bán ròng chủ yếu HPG, VNM, SSI…, quay lại mua ròng một số cổ phiếu: VHM, MWG, STB…

“Đáng chú ý, danh mục bán ròng năm 2021 thì năm nay, khối ngoái ngoại quay lại mua ròng, trong khi những cổ phiếu mua ròng nhiều trước đây thì nay bán ròng”, bà Trang chi sẻ.

Năm 2023, khối ngoại ngoài bắt đầu bán ròng 2 quỹ ETF là FMVN Diamond ETF và VFM VN30 ETF. Đây là trạng thái tương đối mới của nhà đầu tư nước ngoài sau 3 năm vào ròng.

Lý giải cho hành động của khối ngoại, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI nhận định, diễn biến này đến từ sự đảo chiều rút ròng các quỹ ETF (hoán đổi danh mục) và xu hướng (rút ròng) chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi.

"Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, trong khi đó chính sách tiền tệ của Việt Nam có phân kỳ. Việc bán ròng còn một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng", bà Phương chỉ ra.

Kể từ giữa năm, theo bà Phương, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia đang phát triển nói chung cũng chứng kiến xu hướng rút ròng của khối ngoại. Dòng tiền quay ngược trở lại thị trường Mỹ (bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu hay quỹ tiền tệ).

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trên thực tế, ảnh hưởng từ việc bán ròng của khối ngoại lên thị trường chứng khoán trong nước là không đáng kể. Ảnh hưởng chủ yếu ở mặt tâm lý.

Dòng vốn ngoại bán ròng trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam tăng trưởng chậm hơn nhiều thị trường. Tính từ đầu năm, khi Mỹ và châu Âu phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh thì chỉ số Dow Jones của Mỹ, STOXX 600 của châu Âu đã tăng lần lượt 12,41% và 9.77%; trong khi đó VN-Index của Việt Nam chỉ tăng 6,34%.

Đây có thể là diễn biến chốt lời rõ nét của khối ngoại khi họ bắt đáy vào cuối năm 2022, đầu 2023, đồng thời là hoạt động chốt sổ cuối năm làm đẹp báo cáo và nghỉ lễ Noel và tết dương lịch. Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến chính thuế tối thiểu toàn cầu mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ly-do-khoi-ngoai-ban-rong.html