Lý do Indonesia cần cải cách hệ thống cáp điện tại thủ đô Jakarta

Một mớ dây cáp lộn xộn, lủng lẳng trên đầu là một cảnh thường thấy dọc các con phố ở các thành phố lớn trên khắp Indonesia. Tuy nhiên, tình trạng này dường như đang không được chú ý.

Một góc thủ đô Jakarta. (Nguồn:thejakartapost.com)

Theo trang mạng của Viện nghiên cứu chính sách Lowy (Australia), hệ thống cáp điện ở thủ đô Jakarta của Indonesia ước tính dài hơn 80.000 km, đủ để đi vòng quanh Trái Đất hơn hai vòng. Với tốc độ tăng dân số nhanh và khả năng nắm bắt công nghệ kỹ thuật số của thành phố, chiều dài này sẽ tăng lên đáng kể hàng năm, gây thêm khó khăn cho việc lắp đặt dây vốn đã chằng chịt. Tuy nhiên, tình trạng này dường như lại bị đánh giá thấp và không được coi trọng ở Indonesia.

Một mớ dây cáp lộn xộn, lủng lẳng trên đầu thực sự là một cảnh thường thấy dọc các con phố ở các thành phố lớn trên khắp Indonesia. Đôi khi mớ dây lộn xộn đó đủ nặng để khiến các cột điện bị nghiêng. Cáp điện thường được đặt cùng với cáp viễn thông, cáp đa phương tiện và cáp dữ liệu - kết quả của việc lập kế hoạch lắp đặt cáp chưa kỹ lưỡng.

Các quy định đã được ban hành năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn, yêu cầu việc triển khai nhiều mạng mới khác nhau không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện hoặc độ bền kết cấu của các cột điện. Quy định cũng yêu cầu xem xét tính thẩm mỹ như một lợi ích cộng đồng. Bỏ qua những phàn nàn về ô nhiễm, những dường dây điện chằng chịt khiến công chúng khó có thể tận hưởng bầu trời trong xanh.

Tuy nhiên, những mối nguy hiểm thực tế đang cấp bách hơn đối với người đi bộ và cư dân gần đó, chẳng hạn như khả năng xảy ra đoản mạch và nguy cơ hỏa hoạn. Một số sự cố mất điện cũng đã được báo cáo do tác động của động vật, trong đó có cả chim và khỉ. Những lời phàn nàn của công chúng trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Họ nhấn mạnh rằng hệ thống dây cáp lộn xộn không chỉ làm giảm nguồn cung cấp điện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và năng suất quốc gia.

Để giải quyết những vấn đề đô thị của Jakarta, Chính phủ đã cam kết xây dựng một thành phố thủ đô mới của Indonesia mang tên Nusantara ở Đông Kalimantan. Nusantara sẽ áp dụng khái niệm “thành phố thông minh”, sử dụng các đường hầm đa tiện ích (MUT) để lắp đặt một loạt dịch vụ công cộng, bao gồm đường điện, cáp quang viễn thông và đường ống nước, rút kinh nghiệm từ việc triển khai cáp ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

Mục tiêu ở Nusantara là không còn mạng lưới cáp trên mặt đất, điều này sẽ giảm thiểu nhu cầu gây gián đoạn công cộng. Thay vào đó, kỹ thuật viên có thể dễ dàng bảo trì bên trong MUT khi cần sửa hoặc thay thế mạng. Một phòng điều khiển duy nhất với giám sát kỹ thuật số cũng sẽ giúp dễ dàng theo dõi rò rỉ hoặc hư hỏng trong hệ thống. Khái niệm MUT đã được sử dụng từ năm 1850 cho các tiện ích cáp và đường ống ở Paris. Quận Chiyoda của Tokyo đã áp dụng hệ thống MUT vào năm 1926, hệ thống này đã tồn tại sau những trận động đất nghiêm trọng.

Lợi ích đối với Nusantara sẽ là những con đường gọn gàng không có dây cáp chồng chéo trên đầu, và thành phố sẽ ít bị xáo trộn hơn bởi công việc đào bới hoặc chập điện. Tuy nhiên, kế hoạch lắp đặt ngầm nên được các chính quyền địa phương trên khắp Indonesia coi là một giải pháp kiểu mẫu cho vấn đề dây cáp chằng chịt. Các bước nhỏ trong thời gian chờ đợi sẽ là tăng cường các quy định xung quanh việc sử dụng cột điện.

Lập kế hoạch là rất quan trọng và Chính phủ phải hợp tác với các bên liên quan để hỗ trợ tất cả các khu vực trong mục tiêu cơ sở hạ tầng của Indonesia để trở thành một quốc gia thông minh, hiện đại, an toàn và đáng sống./.

Thanh Tú (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ly-do-indonesia-can-cai-cach-he-thong-cap-dien-tai-thu-do-jakarta/300615.html