Lý do đằng sau kế hoạch cấm xuất khẩu cát thạch anh của Indonesia

Các nhà quan sát cho rằng lệnh cấm xuất khẩu cát thạch anh (hay còn gọi là cát silic) sắp tới của Indonesia có thể thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng Mặt trời tại nước này.

Indonesia sắp ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát thạch anh. Ảnh minh họa: hoachat.com

Với trữ lượng lên tới 25 tỷ tấn cát silic và 331 triệu tấn cát silic sẵn sàng để chế biến, Chính phủ Indonesia hy vọng lệnh cấm sẽ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm từ silic, bao gồm thủy tinh, gốm sứ và các nguyên vật liệu xây dựng khác.

Silic là thành phần chính của hầu hết các loại thủy tinh. Trong tự nhiên, silic chủ yếu tồn tại dưới dạng khoáng thạch anh - một loại vật liệu tinh thể cứng, trong suốt, chiếm một phần đáng kể trong vỏ Trái đất.

Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã công bố kế hoạch cấm xuất khẩu cát silic để phát triển ngành công nghiệp chế biến trong nước, từ đó thu được nhiều giá trị hơn. Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan - người vừa trở về từ Trung Quốc với cam kết đầu tư trị giá 11,5 tỷ USD từ nhà sản xuất kính Xinyi Group, đã phản hồi tích cực với ý tưởng này.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Indonesia (AESI) Fabby Tumiwa cho biết, lệnh cấm có thể tác động tích cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp pin Mặt trời và mô-đun năng lượng Mặt trời, giúp đảm bảo các nguồn nguyên liệu sẵn có, trong đó có silicon dioxide - nguyên liệu thô dùng để sản xuất cả hai sản phẩm này.

Trao đổi với tờ Jakarta Post, ông Fabby cho biết Indonesia chưa có nhà cung cấp pin năng lượng Mặt trời trong nước. Hiện các doanh nghiệp mô-đun năng lượng Mặt trời phải nhập khẩu pin Mặt trời từ nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ,... Sau đó, các tế bào pin được lắp ráp thành các mô-đun năng lượng Mặt trời.

Ông Fabby cho rằng, nếu được thực hiện đồng thời với các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của lĩnh vực chế biến silic, lệnh cấm xuất khẩu có thể mở đường cho chuỗi cung ứng tấm pin Mặt trời tích hợp ở Indonesia.

Hiện tại, Indonesia chỉ có ngành công nghiệp lắp ráp tấm pin Mặt trời và vẫn chưa có chuỗi cung ứng bảng điều khiển năng lượng Mặt trời. Xinyi sẽ là nhà sản xuất đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp chế tạo tấm bán dẫn tích hợp ở Indonesia. Tập đoàn này đã cam kết phát triển các cơ sở chế biến hạ nguồn cát thạch anh - loại khoáng sản mà Indonesia có rất nhiều.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia cho hay Xinyi đang nắm giữ 26% thị trường thủy tinh toàn cầu và trữ lượng cát thạch anh và silic lớn của Indonesia có thể mang lại tiềm năng to lớn cho công ty này.

Ông Bahlil ước tính rằng thỏa thuận này sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm ở Indonesia. Trước đó, Xinyi đã đầu tư khoảng 700 triệu USD để xây dựng một nhà máy thủy tinh tại Khu công nghiệp và cảng tích hợp Java (JIIPE) - đặc khu kinh tế nằm ở huyện Gresik, tỉnh Đông Java.

Trao đổi trong một buổi phát sóng trực tiếp với đài truyền hình CNBC Indonesia vào ngày 8/8 vừa qua, ông Rezki Syahrir, thành viên Ban cố vấn Hiệp hội các công ty khai thác thạch anh Indonesia (HIPKI), cho biết hiện Indonesia xuất khẩu 20% tổng sản lượng cát thạch anh, trong khi phần còn lại được sử dụng trong nước.

Tuy vậy, ông Arya Rizqi Darsono, người đứng đầu Ủy ban than đá và khoáng sản thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) cho hay 80% lượng cát này chỉ được sử dụng cho mục đích xây dựng, trong khi phần nhỏ được xuất khẩu là loại có độ tinh khiết cao.

Ông Arya nói: “Ở trong nước, cách chúng ta đang sử dụng cát thạch anh không mang lại giá trị gia tăng nào. Tôi hy vọng loại cát này sẽ được xử lý thành chất bán dẫn, vì vậy Indonesia cần chuẩn bị các cơ sở sản xuất trước khi tiến hành cấm xuất khẩu cát thạch anh. Đừng ngừng xuất khẩu khi ngành công nghiệp nội địa vẫn chưa chín muồi”.

Cát silic được phát hiện trong tự nhiên ở một số nơi trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Australia. Theo một báo cáo năm 2023 của tạp chí thông tin thị trường Fortune Business Insights, nhu cầu lớn từ ngành kính và xây dựng đang thúc đẩy tăng trưởng thị trường này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng theo báo cáo trên, quy mô thị trường cát silic toàn cầu được dự báo sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 7,7% trong giai đoạn 2022-2029, đưa giá trị của ngành lên mức 18,98 tỷ USD./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ly-do-da-ng-sau-ke-hoach-cam-xuat-khau-cat-thach-anh-cu-a-indonesia/303513.html