Lý do cựu hiệu trưởng Harvard vẫn ở lại trường dù đã từ chức

Bà Claudine Gay rời khỏi vị trí hiệu trưởng Harvard nhưng được ở lại với vai trò giảng viên vì bà vẫn còn 'nhiệm kỳ' tại trường và sẽ không bị đuổi khi chưa có lý do chính đáng.

 Bà Claudine Gay từ chức hiệu trưởng, trở lại làm giảng viên Harvard. Ảnh: AP.

Bà Claudine Gay từ chức hiệu trưởng, trở lại làm giảng viên Harvard. Ảnh: AP.

Hiệu trưởng Đại học Harvard Claudine Gay từ chức vào ngày 2/1, chưa đầy một tháng sau khi Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania Liz Magill từ chức vì loạt bê bối xảy ra vào 3 tháng cuối năm 2023.

Dù từ chức, bà Gay và bà Magill vẫn ở lại trường với tư cách là giáo sư và nhà nghiên cứu. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, không hiểu tại sao chuyện đó có thể xảy ra.

Ông Ray Gibney, nhà nghiên cứu về quan hệ lao động, giải thích rằng "nhiệm kỳ bổ nhiệm giáo viên/giảng viên" chính là yếu tố giúp hai cựu lãnh đạo có thể tiếp tục làm việc ở trường đại học dù đã mất chức.

 Bà Liz Magill từ chức hiệu trưởng Đại học Pennsylvania. Ảnh: Reuters.

Bà Liz Magill từ chức hiệu trưởng Đại học Pennsylvania. Ảnh: Reuters.

"Nhiệm kỳ" là gì?

Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ định nghĩa "nhiệm kỳ" là sự bổ nhiệm vô thời hạn nhằm bảo vệ các công việc liên quan học thuật. Để có được nhiệm kỳ này, các học giả phải mất rất nhiều năm và trải qua vô vàn khó khăn.

Nhiệm kỳ được ví như lệnh bài, có thể bảo vệ các giáo sư trong nhiều trường hợp. Các trường đại học chỉ có thể sa thải những giáo sư đã được bổ nhiệm với lý do chính đáng hoặc theo "hoàn cảnh bất thường", ví dụ trường gặp khủng hoảng tài chính, hoặc khoa họ đang công tác bị xóa sổ.

Ngoài ra, nhiệm kỳ cũng được đặt ra nhằm thúc đẩy nghiên cứu học thuật và tự do học thuật. Sau khi được bổ nhiệm, các giáo sư, giảng viên sẽ được tự do chọn các chủ đề nghiên cứu, dù những chủ đề đó không được ưa chuộng vì nhạy cảm chính trị hoặc không được cấp trên chấp thuận.

Hơn thế, một giáo sư có nhiệm kỳ cũng có thể tự do thảo luận những chủ đề nhạy cảm mà không sợ bị trả thù, theo The Conversation.

Khi một giảng viên được bổ nhiệm, họ sẽ chỉ làm việc ở một trường nhất định trong khoảng thời gian nhất định. Nếu được một trường khác mời về làm việc, giảng viên đó sẽ mất đi quyền lợi và phải chờ trường mới cấp lại nhiệm kỳ.

Bất kể người được bổ nhiệm xuất thân từ nền tảng học thuật truyền thống hay nền tảng phi truyền thống như kinh doanh hoặc chính trị, nhiệm kỳ của họ vẫn bao gồm một phần là vị trí giảng dạy.

Hiệu trưởng đại học có nhiệm kỳ vẫn có thể bị thu hồi vai trò quản lý. Tuy nhiên, họ sẽ không bị thu hồi vai trò giảng dạy vì nhiệm kỳ sẽ luôn đảm bảo người được bổ nhiệm có công việc đi kèm.

Đó cũng là lý do bà Claudine Gay và bà Liz Magill vẫn ở lại Harvard và Pennsylvania. Dù rời vị trí hiệu trưởng, cả hai vẫn không từ bỏ công việc giảng dạy nên họ được ở lại trường.

 Bà Claudine Gay và bà Liz Magill trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 7/10/2023. Ảnh: AP.

Bà Claudine Gay và bà Liz Magill trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 7/10/2023. Ảnh: AP.

Cựu hiệu trưởng được trả lương ra sao sau khi từ chức?

Thông thường, các lãnh đạo đại học sẽ không tham gia công tác dạy học. Nếu lãnh đạo trở lại vị trí giảng viên, các trường sẽ cho họ một học kỳ "thử việc" để xem xét và cập nhật tài liệu giảng dạy của khóa học.

Trong thời gian này, họ vẫn được trả mức lương tương đương khi làm lãnh đạo. Tuy nhiên, khi chính thức trở lại làm giảng viên, mức lương sẽ được điều chỉnh trở lại.

Mức lương của cựu hiệu trưởng Harvard và cựu hiệu trưởng Pennsylvania không được công khai vì cả hai đều mới nhậm chức và thông thường, tiền lương của hiệu trưởng phải rất lâu sau mới công bố.

Dù từ chức hiệu trưởng Đại học Harvard và trở lại làm giảng viên, bà Claudine Gay vẫn có khả năng kiếm được mức lương rất cao.

Lý do là trước khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Harvard, bà Gay đã kiếm được gần 880.000 USD/năm với tư cách là Trưởng khoa Khoa học và Nghệ thuật, theo New York Post.

Theo quy định, khi một giáo sư bổ nhiệm bị vướng vào tin tức gây tranh cãi, nhà trường sẽ thành lập ủy ban để đánh giá các cáo buộc. Quá trình điều tra có thể mất vài tháng hoặc vài năm.

Là người bị vướng vào những bê bối lớn trong thời gian gần đây, bà Claudine Gay vẫn có thể bị điều tra để sa thải, hoặc không.

Nếu muốn xóa bỏ nhiệm kỳ của một người, các trường sẽ phải tổ chức cuộc điều tra chính thức. Trong trường hợp muốn thu hồi nhiệm kỳ, nhà trường cần xác định lý do phù hợp và thích đáng, ví dụ giáo sư, giảng viên đó suy đồi đạo đức hoặc nghỉ dạy quá lâu.

Tuy nhiên, dù tìm thấy bằng chứng giáo sư bổ nhiệm không đủ năng lực, trường đại học vẫn hiếm khi chấm dứt nhiệm kỳ của của các giáo sư, giảng viên biên chế.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-cuu-hieu-truong-harvard-van-o-lai-truong-du-da-tu-chuc-post1454140.html