Lý do chưa biên soạn một bộ sách giáo khoa sử dụng tiền ngân sách

Cử tri tỉnh Quảng Trị có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trong cả nước.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã quy định chương trình và sách giáo khoa.

Theo đó, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương lớn, đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận (ảnh TL).

Hiện Bộ trưởng GD&ĐT đã ký ban hành các quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) theo lộ trình quy định.

Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội quy định khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Do đó, Bộ GD&ĐT chưa biên soạn một bộ sách giáo khoa. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 686 năm 2023 về giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết 88/2014 và nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 đã thảo luận, ban hành nghị quyết về kết quả kỳ họp.

Trong đó, giao Bộ GD&ĐT sau năm 2025 tổng kết quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để có đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn, báo cáo Chính phủ phương án thực hiện hiệu quả, phù hợp.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-chua-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-su-dung-tien-ngan-sach-post284252.html