Lý do cầu gần 10.000 tỷ đồng sắp khởi công vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng?

Cầu Hồng Hà thuộc dự án Vành đai 4 có mức đầu tư 9.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 10/2024. Tuy nhiên, hiện còn hàng trăm hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Cầu Hồng Hà giao cắt với đường Hồng Hà, đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Đây là công trình thuộc dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô theo quy hoạch tập trung phát triển đô thị hạ tầng dọc 2 bên sông Hồng giai đoạn 2023-2025. Theo thiết kế, Cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6km, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 9.800 tỉ đồng. Công trình dự kiến khởi công vào tháng 10/2024, hoàn thành sau 3 năm.

Trước đó, theo dự án nghiên cứu tiền khả thi, cầu Hồng Hà rộng 17,5m (mặt cắt ngang) nhưng sau đó nâng lên 24,5m nhằm đảm bảo 4 làn xe cơ giới, mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ.

Khu vực vướng mắc giải phóng mặt bằng tại xã Văn Khê, Mê Linh thuộc dự án Vành đai 4.

Công trình khi hoàn thành giúp rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía Tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.

Tuy là công trình trọng điểm nhưng theo ghi nhận của PV cuối tháng 3/2024, hiện có gần 200 hộ dân tại khu vực nằm trong phạm vi xây dựng cầu Hồng Hà thuộc địa phận xã Hồng Hà (Đan Phượng) và Văn Khê (Mê Linh) vẫn chưa giải phóng mặt bằng.

Điều này tới từ việc trước đây huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (lúc chưa sáp nhập vào Hà Nội). Do đó, sổ đỏ của các hộ dân chỉ ghi nhận hạn mức đất ở cho mỗi hộ là 200m2, còn lại là đất vườn. Trải qua nhiều thế hệ, các hộ này đã chia tách cho các con xây dựng nhà ở.

Do nằm trong quy hoạch xây dựng Vành đai 4, các hộ không thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn thành đất ở như hiện trạng. Điều này đã ảnh hưởng tới giá trị đền bù đất của các hộ dân.

Khu vực dự kiến xây Cầu Hồng Hà từ phía huyện Đan Phượng.

Đơn cử tại gia đình ông Nguyễn Văn Bằng (52 tuổi, thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, Mê Linh). Ông Bằng cho biết gia đình đã sinh sống trên mảnh đất rộng 226m2 được đất ông cha để lại từ nhiều đời nay. Trong đó có 72m2 diện tích đất ở, 152m2 là đất vườn.

Ngay khi có thông tin Dự án xây dựng đường Vành đai 4 Hà Nội đi qua địa bàn xã, gia đình ông đã rất đồng thuận bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi nhận được phương án đền bù, số tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất của gia đình ông Bằng vẫn không đủ mua một suất tái định cư hơn 70m2.

Cụ thể, theo phương án đền bù, gia đình ông Bằng được trả khoảng 18 triệu đồng/m2 đất ở, còn giá đất vườn là 1 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất nền tái định cư dao động từ 21 - 22 triệu đồng/m2.

Tương tự, với gia đình bà Đinh Thị Thật (67 tuổi, huyện Mê Linh) có 1.000m2 đất ông cha để lại, đã chia hết cho 4 người con, mỗi người một phần.

Khi nhận phương án đền bù, gia đình bà mới tá hỏa khi biết phần đất bà đang ở chỉ được đền bù với giá 18 triệu đồng/m2, nhưng diện tích của 3 người con khác chỉ được xác định là đất vườn, chỉ được đền bù 1 triệu đồng/m2.

Theo UBND huyện Mê Linh, đây là vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, chính quyền địa phương đã có báo cáo, đề xuất, xin ý kiến của UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.

Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô dài 112km. Công trình được thiết kế 6 làn xe, tốc độ 100 km/h, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng.

Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ 2027.

Việc hoàn thiện Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh thành và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ly-do-cau-gan-10000-ti-dong-sap-khoi-cong-van-chua-the-giai-phong-mat-bang-169240402094259305.htm