Lý do cần xây dựng và hoàn thiện Bộ pháp điển Việt Nam

Việc xây dựng và hoàn thiện Bộ pháp điển của Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật…

Sáng 19-5, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) – Bộ Tư pháp, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xây dựng Bộ pháp điển của Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MC

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MC

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản QPPL; số lượng văn bản QPPL được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Thực tế áp dụng pháp luật cho thấy, vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản. Người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các quy định...

Do đó, ngày 16-4-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển. Việc pháp điển được thực hiện đối với các QPPL trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước ở Trung ương.

Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Pháp điển quy định: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.

Bộ pháp điển Việt Nam là tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành. Các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất, giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật. Bộ pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được khai thác, sử dụng miễn phí.

Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL quy định Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề. Hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Trong mỗi đề mục có thể có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều.

Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Phùng Thị Hương (Phòng Pháp điển, Cục kiểm tra văn bản QPPL) cho biết, thế giới đã thực hiện pháp điển từ rất lâu và một số nước đã pháp điển thành công.

Việt Nam đã học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là kinh nghiệm pháp điển của Pháp và Mỹ vào việc xác định mô hình, cấu trúc, kỹ thuật, trình tự, thủ tục pháp điển.

Theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, việc hoàn thiện thể chế trong giai đoạn tới cần tiếp tục nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm mới của các nước nêu trên, các nước đã thực hiện pháp điển thành công cũng như các nước không thực hiện pháp điển nhưng có cách thức, hệ thống quản lý văn bản pháp luật khoa học, hiệu quả như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Người dân, doanh nghiệp có thể xem hướng dẫn tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển theo đường link sau: https://phapdien.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-bo-phap-dien.aspx

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-can-xay-dung-va-hoan-thien-bo-phap-dien-viet-nam-post733993.html