Lý do các trường ĐH muốn trở thành trọng điểm

Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và sư phạm, đến năm 2030 sẽ có khoảng 30 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 ĐHQG, 5 ĐH vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng ĐHQG dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm quốc gia. Có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.

Một thực tế gây chú ý là rất nhiều trường ĐH hiện nay muốn được đưa vào danh sách trường trọng điểm quốc gia. GS-TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội, cho rằng ngành dược là ngành rất quan trọng đối với xã hội, toàn quốc hiện chỉ có 1 trường ĐH dược, do đó trong danh sách các trường ĐH trọng điểm quốc gia, nên bổ sung Trường ĐH Dược Hà Nội.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội Đinh Công Tuấn thì cho rằng trong dự thảo có 2 cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nằm trong nhóm trọng điểm quốc gia nhưng chưa mang tính chất đại diện và bao quát cho lĩnh vực này.

Theo ông Tuấn, lựa chọn và xác định các cơ sở đào tạo trọng điểm về văn hóa phải theo tiêu chí đa ngành, tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, kiểm định, chất lượng đào tạo, năng lực và xu hướng phát triển của nhà trường.

Nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thái Nguyên cũng muốn có trong danh sách các trường ĐH trọng điểm…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ GD-ĐT cũng muốn có thêm nhiều trường trong danh sách trường trọng điểm, nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn. Dự thảo hiện nay có 30 cơ sở giáo dục đầu mối, không thể đưa tất cả vào, mà tập trung những ngành học then chốt để tăng trưởng kinh tế. Trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng mỗi lĩnh vực cũng chỉ xác định 1-2 cơ sở đào tạo. Nếu đưa vào nhiều sẽ không còn là trọng điểm.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo quy hoạch này làm sao chặt chẽ mục đích, mục tiêu của các cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm, làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí. Quy hoạch trọng điểm không phải là cái để công nhận mà xác định trọng điểm để đầu tư.

Lý giải lý do vì sao nhiều trường muốn trở thành trọng điểm, một chuyên gia giáo dục cho rằng khi trở thành trường trọng điểm, cơ sở giáo dục sẽ được bố trí nguồn ngân sách, điều này rất quan trọng để thực hiện sứ mệnh dẫn dắt các trường ĐH khác. Trong khi đó, hiện nay tiêu chí xác định trường trọng điểm mà Bộ GD-ĐT đưa ra chưa rõ ràng nên các trường còn băn khoăn.

Chính vì lý do này mà bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng thay vì Bộ GD-ĐT liệt kê các trường vào quy hoạch trọng điểm, cần đưa ra các điều kiện cụ thể để có thể trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương mong muốn có một cơ chế công bằng để các trường ĐH có thể có cơ hội và kể cả không nằm trong danh sách các trường trọng điểm nhưng cũng không bị mất đi lợi thế cạnh tranh.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ly-do-cac-truong-dh-muon-tro-thanh-trong-diem-196231203211424028.htm