Lý Bôn tập trung phát triển kinh tế rừng

Tận dụng lợi thế địa phương, nông dân xã Lý Bôn (Bảo Lâm) tập trung trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Các mô hình trồng rừng được nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước phát triển lâm nghiệp bền vững.

Là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện, hoạt động canh tác của người dân còn nhiều trở ngại do địa hình chủ yếu đồi, núi. Việc trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả còn manh mún, nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả cao. Nhằm phát huy hiệu quả những lợi thế về địa hình đồi, núi, thời gian qua, công tác trồng rừng trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân và là nghề đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Anh Tẩn Dấu Quẩy, xóm Phiêng Pẻn, xã Lý Bôn cho biết: Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích rừng tự nhiên sang trồng trên 5 ha hồi, 2,5 ha sa mộc và 1,5 ha gỗ sưa. Hiện cây hồi đã cho khai thác, trung bình hằng năm gia đình chế biến được trên 450 kg tinh dầu hồi bán ra thị trường có giá 350 nghìn đồng/kg. Qua đó có thêm khoản thu nhập nhất định phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình và phát triển sản xuất.

Xác định phát triển lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, chuyển đổi tập quán sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh rừng, tăng tỷ lệ trồng rừng sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Ông Tẩn Dấu Quẩy, xóm Phiêng Pẻn, xã Lý Bôn (Bảo Lâm) chăm sóc cây hồi.

Để triển khai công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, Đảng ủy, chính quyền xã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp phù hợp, gắn trách nhiệm và lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng... Công tác giao đất, giao rừng cho người dân được thực hiện tốt, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trồng rừng có hiệu quả để nâng cao đời sống cho người dân và tỷ lệ độ che phủ của rừng. Từ năm 2023 đến nay, xã trồng 2.480 cây xanh các loại, trồng mới 122 ha, nâng tổng diện tích trồng rừng toàn xã lên trên 400 ha, chủ yếu là cây hồi và quế.

Xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những thế mạnh của địa phương, xã tập trung trồng rừng theo hướng phát triển bền vững, mở rộng rừng sản xuất. Năm 2023 huyện hỗ trợ gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ giống cây quế, hồi... Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng, chống cháy rừng, không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã về phát triển lâm nghiệp, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên rừng có hiệu quả. Thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/năm; tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đạt trên 85%. Trung bình mỗi năm giảm 5% hộ nghèo…

Để phát triển kinh tế rừng đem lại hiệu quả cao hơn nữa, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xóm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở các khu dân cư, từ đó giúp khai thác tài nguyên rừng hiệu quả. Hỗ trợ các chính sách ưu đãi vay vốn cho người dân trồng rừng; cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; áp dụng các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng…

Minh Tuyền

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ly-bon-tap-trung-phat-trien-kinh-te-rung-3169161.html