'Lũy tre biên thùy' ở biên giới Lai Châu

Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp góp tiền mua tre về trồng dọc theo đường biên giới và bàn giao cho nhân dân quản lý, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống là cách làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu được chính quyền địa phương đánh giá cao. Phên dậu biên cương được 'xây' bằng những cây tre thân thuộc với tinh thần đoàn kết gắn bó quân và dân nơi biên giới.

Cán bộ và nhân dân bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre ở khu vực biên giới. Ảnh: Phương Loan

Cán bộ và nhân dân bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre ở khu vực biên giới. Ảnh: Phương Loan

Mô hình “Lũy tre biên thùy” đã được triển khai thí điểm tại bản Hồ Thầu (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Đây là mô hình trồng tre Bát Độ dọc theo đường biên giới với chiều dài gần 3km. “Nhóm tác giả” của “Lũy tre biên thùy” là các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông - những người luôn trăn trở với các dự án giúp dân phát triển kinh tế.

Nói về ý tưởng trồng tre,Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: Dọc tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Huổi Luông quản lý, địa hình hiểm trở, nhân dân sống thưa thớt, còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc, đồi cây tạp... Sau nhiều lần khảo sát và họp bàn kỹ lưỡng, Đồn Biên phòng Huổi Luông nhận thấy, giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện Phong Thổ. Chưa kể chi phí trồng, chăm sóc cây tre không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng 2 năm, mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu, UBND xã Huổi Luông triển khai thí điểm mô hình trồng tre Bát Độ trên biên giới với tên gọi mô hình “Lũy tre biên thùy”. Tre Bát Độ cho năng suất măng cao, cây ít bị sâu bệnh, dễ trồng, phù hợp với các loại thổ nhưỡng, khí hậu. Đây là thực phẩm an toàn với người tiêu dùng, vì thế được bà con hào hứng đón nhận.

Sau khi trồng, tre được bàn giao lại cho các hộ dân tham gia ở bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông chăm sóc, quản lý và khai thác để làm mô hình sinh kế cho người dân. Thực hiện mô hình này, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã lựa chọn kỹ lưỡng chừng 3.600 cây tre để trồng thử nghiệm trên địa bàn. Tổng kinh phí triển khai mô hình là 90 triệu đồng.

Giống tre Bát Độ dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết trên địa bàn huyện Phong Thổ nên được người dân lựa chọn để trồng trong mô hình “Lũy tre biên thùy”. Ảnh: Phương Loan

Giống tre Bát Độ dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết trên địa bàn huyện Phong Thổ nên được người dân lựa chọn để trồng trong mô hình “Lũy tre biên thùy”. Ảnh: Phương Loan

Chia sẻ về mô hình này, Trung tá Lê Văn Quyết cho hay: "Những mầm tre được trồng dọc theo theo tuyến biên giới, tương lai sẽ “nở cành xanh ngọn” trở thành “phên dậu xanh” bền vững. Hình ảnh cây tre nơi biên giới Việt có ý nghĩa lớn về văn hóa, thể hiện hình ảnh thân thuộc, gắn liền với đời sống của mỗi người dân Việt Nam, đại diện cho tinh thần kiên cường, bất khuất, dẻo dai, đoàn kết gắn bó của dân tộc. Đặc biệt, cây tre cũng như ngoại giao Việt Nam, là sự kết hợp hài hòa giữa “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.

Hơn nữa, việc trồng tre làm hàng rào biên giới "mềm" chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào cứng nên vừa tạo nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương, vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho đồn Biên phòng và nhân dân xã Huổi Luông, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới, việc trồng tre giúp nhân dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới".

Ngay từ khi đề xuất, mô hình “Lũy tre biên thùy” được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ủng hộ, nhất là bà con bản Hồ Thầu đồng lòng, hồ hởi vào cuộc. Người dân tin tưởng với sự chung tay, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thì nhất định mô hình sinh kế này sẽ thành công. Hàng tre được ươm trồng nhanh chóng, hình thành hàng rào "mềm" dọc đường biên. Hằng ngày, các hộ dân trong bản Hồ Thầu đều đặn lên nương rẫy, đến chăm sóc hàng tre được bộ đội giao, đồng thời trực tiếp tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.

"Trồng tre để phát triển kinh tế là một hướng đi mới, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ" - Ông Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cho biết.

Với chăm sóc chu đáo, lũy tre Hồ Thầu đang co lớn từng ngày. Không bao lâu nữa, khu vực đồi trọc này sẽ được phủ màu xanh bạt ngàn. Tre Bát Độ có thể thu hoạch sau 2-3 năm trồng. Trung bình năm đầu tiên cho thu hoạch từ 11-23kg măng/bụi, đến năm thứ 6 cho 20-25kg măng/bụi, sang năm thứ 7-8 có thể cho 30-40kg măng/bụi...

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình “Lũy tre biên thùy”, Đồn Biên phòng Huổi Luông tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Huyện ủy, UBND huyện Phong Thổ mở rộng mô hình trên các đoạn biên giới thuộc huyện Phong Thổ và tuyến biên giới tỉnh Lai Châu để mô hình phát triển bền vững, thực sự trở thành “Lũy thép biên thùy” trên biên giới Lai Châu.

"Khi bà con trồng, chăm sóc tre ở đường biên giới, họ sẽ là những "chiến sĩ" hỗ trợ lực lượng Biên phòng phát hiện dấu hiệu bất thường, người xuất nhập cảnh trái phép để kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp xử lý" - Trung tá Lê Văn Quyết nhấn mạnh ý nghĩa của mô hình này.

Phương Loan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luy-tre-bien-thuy-o-bien-gioi-lai-chau-post463770.html