Lưu ý về những đổi mới quản lý xuất xứ hàng hóa

Để tận dụng được những điểm cải cách trong quy định mới về khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu (C/O), doanh nghiệp sẽ phải lưu ý rất nhiều nội dung. Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), đã chia sẻ xung quanh nội dung này với phóng viên TBTCVN.

Công chức Cục Hải quan Thanh Hóa kiểm tra hàng gia công xuất khẩu. Ảnh: Phong Nhân

Công chức Cục Hải quan Thanh Hóa kiểm tra hàng gia công xuất khẩu. Ảnh: Phong Nhân

PV: Tổng cục Hải quan vừa trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/7/2023 và thay thế các thông tư: số 38/2018/TT-BTC, 62/2019/TT-BTC, 47/2020/TT-BTC, 07/2021/TT-BTC. Vì sao Tổng cục Hải quan lại đặt vấn đề sửa, thay thế các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa vào thời điểm này, thưa ông?

Ông Đào Duy Tám

Ông Đào Duy Tám

Ông Đào Duy Tám: Trước tiên, chúng tôi xây dựng thông tư mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các thông tư nêu trên, cụ thể là trong việc: khai và nộp C/O; nộp bổ sung C/O sau khi hàng hóa đã thông quan; nộp C/O đối với trường hợp hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng; quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O; trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan....

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nhiều hiệp định thế hệ mới đưa ra những quy tắc xuất xứ mới, khác với những hiệp định truyền thống trước đây (như CPTPP, RCEPT, UKFTA, EVFTA…). Thông tư này hướng dẫn thêm về việc kiểm tra xuất xứ tại các hiệp định thế hệ mới.

Ngoài ra, thông tư áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại, sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy, bảo lãnh cho hàng hóa nợ, thay đổi hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao,...), phù hợp mục tiêu hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hải quan phi giấy tờ trong tương lai của ngành Hải quan.

PV: Vậy xin ông cho biết, Thông tư 33 mới được ban hành có những điểm cải cách nổi bật gì so với các quy định trước đó?

Ông Đào Duy Tám: Đầu tiên là cụ thể hơn quy định về việc khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, chẳng hạn trường hợp xác định được xuất xứ Việt Nam sẽ khai như thế nào và trường hợp không xác định được sẽ khai như thế nào.

Thứ hai là quy định về việc chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Thông tư 33 không quy định việc khai chậm nộp mà căn cứ trên thời hạn hiệu lực của C/O nộp tại thời điểm nào. Nếu như giấy chứng nhận còn hiệu lực thì sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm đó. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp (DN) sẽ được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày.

Điểm mới nữa là quy định về bảo lãnh nộp thuế trong trường hợp mà chưa có giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

Quy định về trường hợp từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng là điểm mới, tại Thông tư 33. Theo đó, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nếu cơ quan hải quan kiểm tra phát hiện: C/O đã quá thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật và theo thông báo của cơ quan cấp nước xuất khẩu về C/O không đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hoặc không có hiệu lực để áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt thì sẽ từ chối ngay.

Thông tư 33 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các trường hợp có sự khác biệt về mã số HS; trừ lùi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Đáng chú ý, Thông tư 33 cho phép nộp C/O dưới dạng bản dữ liệu điện tử hoặc là chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy. Hoặc trong trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, DN cũng không phải nộp mà chỉ khai số tham chiếu hoặc số hiệu của C/O ở trên tờ khai hải quan để được hưởng ưu đãi.

PV: Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động phổ biến các quy định mới tại Thông tư 33 tới cộng đồng DN. Theo ông, những vấn đề nào DN cần chú ý để tận dụng hiệu quả các cải cách này?

Ông Đào Duy Tám: Trong quá trình tổ chức tập huấn cho các hiệp hội, DN, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề nổi bật các DN cần lưu ý.

Trước tiên, DN cần nghiên cứu kỹ các biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đã được Chính phủ ban hành, nắm bắt rõ những yêu cầu liên quan đến C/O để đảm bảo đúng quy định mới được hưởng ưu đãi. Đặc biệt với các hiệp định thế hệ mới, Việt Nam phải ký thỏa thuận thống nhất biểu thuế đối với từng quốc gia tham gia hiệp định, mỗi biểu lại có những quy định riêng.

Một điểm nữa, DN phải khai báo chi tiết theo đúng hướng dẫn tại thông tư vì có nhiều nội dung khai báo thiếu, không đính kèm chứng từ liên quan và không thuộc điểm được khai bổ sung, sửa chữa thì có thể bị cơ quan hải quan áp dụng xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Những vấn đề vướng mắc của DN nêu ra, cơ quan hải quan đã giải đáp trực tiếp tại các buổi tập huấn, đồng thời tổng hợp để có văn bản hướng dẫn cụ thể đảm bảo DN cũng như cơ quan hải quan thống nhất cách hiểu và thống nhất cách thức thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thông tư 33 được ban hành nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, quy định tại Thông tư 33 đảm bảo tính minh bạch của thủ tục hành chính, hạn chế những tranh chấp giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp về xuất xứ hàng hóa.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luu-y-ve-nhung-doi-moi-quan-ly-xuat-xu-hang-hoa-132978.html