Lưu ý khi sơ cứu cho nạn nhân đuối nước

Trước khi đưa đến trạm xá, nếu bệnh nhân không được sơ cứu đúng cách thì sau khoảng 5 phút là bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong. Các bác sĩ lưu ý cần sơ cứu cho nạn nhân đuối nước đúng cách:

Bước 1: Phải đánh giá hiện trường, hiện trường phải an toàn thì mới xử lý cho bệnh nhân (khi hiện trường không an toàn thì chính bản thân chúng ta lại là người bị nạn. Nếu không biết bơi, chúng ta phải tìm dụng cụ cứu vớt bệnh nhân và gọi người hỗ trợ).

Bước 2: Khi cứu được bệnh nhân, ta phải đánh giá về đường thở, tim, phổi của bệnh nhân. Áp vào mũi, miệng, ngực của bệnh nhân xem còn thở không, nghe xem tim có hay không. Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, có tím tái, thì tiến hành ép tim và thổi ngạt ngay. Với đánh giá ngoài môi trường thì chúng ta có thể ép tim, thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2 (ép tim 30 lần, thổi ngạt 2 lần).

Sau khoảng độ 4 - 5 lần chúng ta đánh giá lại xem bệnh nhân có thở được, có tim lại hay không. Nếu không có, chúng ta tiếp tục ép tim, thổi ngạt đến khi có người hỗ trợ đến.

Khi cấp cứu bệnh nhân, đặt tư thế bệnh nhân trên nền cứng, nằm nghiêng an toàn để tránh trào ngược vào đường thở, phải ngửa cổ bệnh nhân làm sao để thông thoáng đường thở. Đảm bảo cấp cứu bệnh nhân tại chỗ trước, sau khi ổn định mới chuyển bệnh nhân đi. Nếu bệnh nhân đang ngừng thở ngừng tim, mà chuyển bệnh nhân đi luôn thì chắc chắn sẽ để lại di chứng rất nhiều hoặc tử vong.

Lưu ý: Không được dốc ngược bệnh nhân lên và chạy, vì bản thân khi dốc ngược lên sẽ rất dễ trào ngược vào đường thở, nếu suy hô hấp thì tình trạng bệnh nhân có thể diễn biến nặng hơn.

Theo TTXVN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/luu-y-khi-so-cuu-cho-nan-nhan-duoi-nuoc-30768.html