Lưu ý đặc biệt với người bị tiểu đường đang điều trị bằng Metformin

Ths. Bs Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Sơn La cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 2022 trở lại đây, đã có khoảng trên 10 bệnh nhân toan chuyển hóa do ngộ độc thuốc tiểu đường Metformin, có những bệnh nhân toan chuyển hóa rất nặng đã phải lọc máu cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.

Mới đây nhất là bệnh nhân nữ, 70 tuổi (địa chỉ xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực và khó thở, thở nhanh sâu.

Khai thác tiền sử bệnh bệnh nhân, bác sĩ ghi nhận: Người bệnh có tiền sử đái tháo đường (tiểu đường) và đang uống duy trì thuốc Metformin 750mg x 02 viên/ngày, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiều năm duy trì thuốc không rõ loại, suy tim, tăng huyết áp, hội chứng Cushing.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, Ths.Bs Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La cho biết, từ các triệu chứng điển hình, kết hợp với tiền sử, cách sử dụng thuốc của người bệnh và kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng do ngộ độc thuốc điều trị tiểu đường Metformin 750mg, kèm theo suy thận, tổn thương gan cấp, đợt cấp COPD, suy tim, hội chứng Cushing tiên lượng rất nặng.

Bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị tích cực như: Đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền dịch thải độc, lợi tiểu, truyền Natribicarbonate. Sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng toan chuyển hóa đã được kiểm soát và tình trạng suy thận, tổn thương gan được cải thiện. Hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục điều trị đợt cấp COPD. May mắn bệnh nhân chưa phải lọc máu để điều trị toan chuyển hóa do ngộ độc Metformin.

Bệnh nhân đang điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La

Bệnh nhân đang điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La

Metformin là một thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), tuy nhiên Metformin chống chỉ định với bệnh nhân suy thận nặng, trường hợp bệnh nhân này bị suy thận mà không biết nên tiếp tục sử dụng Metformin nên bị toan chuyển hóa rất nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Theo đó, Bs Xuân cũng lưu ý với những bệnh nhân tiểu đường điều trị bằng thuốc Metformin cần được đánh giá chức năng gan, thận trước và trong quá trình điều trị đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi. Đồng thời bệnh nhân cũng cần đánh giá về các yếu tố nguy cơ liên quan như suy tim, suy giáp và nhiễm trùng cấp tính nặng.

Đối với người bệnh lớn tuổi, người thân nên quan tâm, hỗ trợ trong việc kiểm soát liều lượng thuốc uống hàng ngày để tránh tình trạng bệnh nhân tự dùng thuốc, quên uống thuốc hoặc uống thuốc quá liều, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Khi có các triệu chứng mệt mỏi, suy nhược cơ, yếu cơ, nôn mửa, đau bụng, khó thở, hạ thân nhiệt, giảm nhịp tim… cần ngừng ngay việc dùng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-ca-benh-trong-phong-hoi-suc-luu-y-dac-biet-voi-nguoi-bi-dai-thao-duong-dang-dieu-tri-bang-metformin-16923041310362907.htm