Lưu vực sông Mekong đối mặt thách thức lớn

Thách thức đối với lưu vực sông Mekong xảy ra trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng gia tăng, gây áp lực lên tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên liên quan.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Công Thành cho biết trước thềm Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư, diễn ra vào ngày 5/4 tại Vientiane, CHDCND Lào.

Theo ông Thành, hội nghị có sự tham dự của thủ tướng các quốc gia thành viên ủy hội, đại diện đối tác đối thoại của ủy hội là Trung Quốc và Myanma, các đối tác phát triển, cùng tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mekong.

"Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác Mekong được cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên ủy hội và các bên liên quan cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong", ông Thành cho biết.

Cần thay đổi tư duy khi khai thác tài nguyên nước

Thông tin về nội dung trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết thủ tướng các quốc gia sẽ thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội đối với sự phát triển của lưu vực Mekong.

Dựa trên kết quả nghiên cứu và xu hướng cập nhật trong quản lý tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông trong khu vực và trên thế giới, các cơ quan sẽ định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.

Đây là những nội dung quan trọng, nhằm giúp cho ủy hội đạt được các mục tiêu trong hoạt động của mình, góp phần đạt được mục tiêu và tầm nhìn cho lưu vực. Đồng thời, giúp tăng cường và mở rộng sự hợp tác của ủy hội với các đối tác.

Ông Thành nhận định hội nghị có sự tham gia của đại diện của Trung Quốc và Myanmar thể hiện sự tiếp tục cam kết hợp tác của hai quốc gia này đối với phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mekong.

"Điều này cũng thể hiện mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của tất cả quốc gia ven sông, từ thượng nguồn tới hạ du, về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, bền vững về môi trường và khả năng chống chịu khí hậu", theo Thứ trưởng Bộ TNMT.

Sông Mekong mang lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Sông Mekong mang lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về chủ đề của hội nghị lần này là “Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong", ông Thành cho biết lưu vực sông Mekong hiện nay đứng trước nhiều thách thức to lớn.

Điều này xảy ra trong bối cảnh các hoạt động phát triển có xu hướng ngày một gia tăng, gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên liên quan.

Cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn. Do đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn

Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành

Nhìn nhận Ủy hội sông Mekong quốc tế đã có một bề dày hoạt động gần 30 năm với sự ủng hộ của các cộng đồng đối tác phát triển, lãnh đạo Bộ TNMT cho rằng trong một thế giới biến động, ủy hội không thể mãi đi theo cách thức trước đây mà cần phải có những thay đổi để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Ông Thành nhấn mạnh quan điểm đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong hợp tác giữa các quốc gia ven sông, hợp tác với các đối tác phát triển, đối tác tiềm năng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định; đổi mới trong các cơ chế huy động nguồn lực…

Cùng với đó, chủ đề Ngày nước Thế giới 22/3 của Liên Hợp Quốc năm nay là “thúc đẩy sự thay đổi” cho thấy tầm quan trọng của sự thay đổi trong ứng xử đối với tài nguyên nước đã được nhận thức rõ rệt.

"Đó là cần phải thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, thay đổi về công nghệ kỹ thuật, thay đổi về phương thức hợp tác trong khai thác, sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước", ông Thành nói.

Sẽ thông qua tuyên bố Vientiane

Về chương trình, ông Lê Công Thành cho biết hội nghị khoa học quốc tế diễn ra trong ngày 2-3/4 với sự tham gia của khoảng hơn 600 nhà khoa học, nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà hoạt động trong nước và quốc tế.

Hội nghị là dịp để các kết quả nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới về khoa học, công nghệ, chính sách, thể chế, quản lý về tài nguyên nước và tài nguyên liên quan được chia sẻ, trao đổi, thảo luận.

Từ đó, các cơ quan sẽ đúc rút và đưa ra các khuyến nghị cho Ủy hội sông Mekong quốc tế đối với những vấn đề cần đổi mới.

Thông điệp của hội nghị khoa học quốc tế cũng sẽ được báo cáo lên hội nghị cấp cao để các thủ tướng cũng như đại diện của các đối tác xem xét, làm cơ sở để đưa ra định hướng ưu tiên chiến lược cho ủy hội trong những năm sắp tới.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế ngày 5/4, các thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố Vientiane. Ảnh: Đức Huy.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế ngày 5/4, các thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố Vientiane. Ảnh: Đức Huy.

Cùng với đó, Hội nghị Bộ trưởng diễn ra vào ngày 4/4 để thảo luận về mối quan tâm của các quốc gia ven sông và cộng đồng quốc tế, thống nhất thông điệp của Hội nghị quốc tế và Hội nghị Bộ trưởng để đệ trình lên các thủ tướng tại Hội nghị cấp cao.

Hội nghị này cũng rà soát lại dự thảo Tuyên bố chung để báo cáo các thủ tướng thông qua.

Các thủ tướng, đại diện đối tác đối thoại, đối tác phát triển sẽ thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong

Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành

Ngay sau đó, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 sẽ diễn ra ngày 5/4. Các thủ tướng, đại diện đối tác đối thoại, đối tác phát triển sẽ thảo luận về khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong.

Cùng với đó, Hội nghị sẽ đánh giá các kết quả đã đạt được của ủy hội thời gian vừa qua, những mục tiêu cần đạt được trong thời gian sắp tới. Từ đó, chỉ đạo lĩnh vực cần ưu tiên, giải pháp cần phải thực hiện.

Tại đây, các thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị - Tuyên bố Vientiane.

Ngoài ra, chương trình còn có các cuộc họp song phương giữa các thủ tướng, giữa các thủ tướng với đối tác và sự kiện bên lề liên quan khác.

Nguyễn Hưng - Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luu-vuc-song-mekong-doi-mat-thach-thuc-lon-post1418258.html