Lưu giữ nét đẹp truyền thống qua khung dệt

Cũng như đan lát, nghề rèn, thì dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tà Riềng trên huyện vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Nhờ tính cần cù, chịu khó, lại tỉ mỉ, khéo léo nên chị Tơ Ngôl Vang, người phụ nữ Tà Riềng không chỉ lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn góp phần làm giàu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng Tà Riềng.

Chị Tơ Ngôl Vang (bên phải) trao đổi với phụ nữ Tà Riềng trong thôn về cách phối chỉ trên nền thổ cẩm. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Chị Tơ Ngôl Vang (bên phải) trao đổi với phụ nữ Tà Riềng trong thôn về cách phối chỉ trên nền thổ cẩm. Ảnh: Sơn Gia Phúc

Theo chân anh Alăng Cách, cán bộ văn hóa xã Đắc Tôi, chúng tôi về thôn Đắc Tà Vâng để gặp chị Tơ Ngôl Vang và tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của tộc người Tà Riềng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng).

Chị Vang chia sẻ: “Từ xưa đến nay, nghề dệt của người Tà Riềng luôn được các thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau, vì thế mà trang phục của người Tà Riềng hôm nay được gìn giữ những nét độc đáo trong kỹ thuật dệt và nhuộm sợi. Mỗi khi được bà con trong làng đặt hàng tấm địu trẻ em, khố, váy... về mặc vào những dịp lễ hội hay tấm choàng rộng đắp cho ấm trong những cơn mưa rừng Trường Sơn đã làm tôi rất vui, bởi bà con vẫn còn dùng trang phục truyền thống dân tộc mình”.

Được biết, từ lâu Đắc Tà Vâng là mảnh đất mà người Tà Riềng định cư lâu đời ở xã Đắc Tôi, có bề dày văn hóa đáng tự hào mà nghề dệt thổ cẩm là một trong số nghề thủ công truyền thống được bà con giữ gìn. Làm quen với khung dệt lúc 12-13 tuổi, giờ đây, chị Tơ Ngôl Vang đã trải qua 47 mùa rẫy thăng trầm với khung dệt, sợi bông. Sau một thời gian dài bị gián đoạn vì cuộc sống bận rộn, vất vả mưu sinh, từ năm 2010 đến nay, cùng với cồng chiêng, múa xoang và những giai điệu dân ca, chị Tơ Ngôl Vang quay lại với nghề dệt thổ cẩm nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chị Vang đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tà Riềng suốt vài chục năm qua. Mỗi tấm thổ cẩm dệt ra, chị Vang đều gửi gắm vào đó biết bao tình cảm của làng qua khung dệt. Trang phục của dân tộc Tà Riềng mà có nhiều phần màu đỏ, vàng thì rất quý và giá trị. Mỗi tấm thổ cẩm thường dài 3m, rộng 1,5m, nếu chị Vang ngồi dệt liên tục, thì cũng phải mất từ 12-14 ngày. Nếu vừa dệt vải, vừa làm việc nương rẫy thì phải mất hơn 1 tháng mới hoàn thành. Nhờ nghề dệt đã giúp chị Vang có thêm thu nhập, kinh tế gia đình khấm khá hơn trước, nuôi các con ăn học, đồng thời tạo động lực, khơi gợi sự đam mê cho các con tiếp nối nghề truyền thống của dân tộc Tà Riềng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Giang, dệt thổ cẩm đã được quan tâm khôi phục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đắc Tôi, trong đó có thôn Đắc Tà Vâng.

Vì quá yêu nghề nên mỗi lần địu con lên rẫy, chị Tơ Ngôl Vang không quên mang theo khung dệt, sợi bông và các vật dụng khác để dệt vải ở chòi phía sau rẫy. Bên cạnh khung dệt là cái võng nhỏ, chị vừa đưa võng hát ru cho con ngủ, vừa dệt vải. Chị Vang mong muốn lớp trẻ Tà Riềng trong làng sẽ có thể giữ mãi nhiệt huyết, niềm đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tà Riềng nơi đây. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm để mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho lớp trẻ để không bị mai một bản sắc văn hóa truyền thống của người Tà Riềng.

Anh Zơ Râm Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi khẳng định: “Nhiều năm qua, để gìn giữ và phát huy nghề dệt thủ công truyền thống tại địa phương, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích các nghệ nhân dệt thổ cẩm, trong đó có chị Tơ Ngôl Vang ở thôn Đắc Tà Vâng truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình. Hằng năm, vào những dịp tổ chức ăn mừng lúa mới, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, mừng Ngày Quốc khánh (2/9), mừng Ngày Giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)..., xã Đắc Tôi lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Diễn tấu cồng chiêng, hát múa, thổi đinh tút, thi ẩm thực, thi tay nghề rèn, thi dệt thổ cẩm, điêu khắc tượng gỗ, đan lát… và được mọi người dân trong xã tham gia nhiệt tình, đông đảo”.

Theo anh Zơ Râm Minh, việc phát huy giá trị nghề dệt của người Tà Riềng qua nhiều thế hệ rất quan trọng và cần thiết, bởi điều này sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc Tà Riềng nói chung trước nguy cơ bị mai một.

Sơn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luu-giu-net-dep-truyen-thong-qua-khung-det-post457533.html