Lưu giữ ký ức phát thanh, truyền hình

Báo chí cách mạng Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã trải qua gần 1 thế kỷ. Từ một loại hình ban đầu là báo in, đến nay đã phát triển thêm báo nói, báo hình và báo điện tử.

Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu xã hội, công nghệ phát thanh, truyền hình đã phát triển nhanh chóng, người dân thay thiết bị nghe, nhìn theo thời gian để thỏa mãn nhu cầu sử dụng. Vậy nhưng, cũng có người đã giữ gìn chiếc radio, tivi những năm 80 của thế kỷ trước để tìm lại ký ức phát thanh, truyền hình các năm mới phát triển ở Việt Nam.

Theo ông Tâm, việc sưu tầm những thiết bị truyền thanh, truyền hình là cách để ông lưu giữ ký ức về hình thức giải trí có sức hấp dẫn lớn với nhiều thế hệ

Khuất sau một con hẻm nhỏ ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài là ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (73 tuổi). Ông Tâm yêu thích việc sưu tầm. Đến nay, ông sở hữu một “gia tài” kha khá những hiện vật tìm kiếm được trong nhiều năm qua. Phía trước nhà là một khoảng sân rộng, ông khéo léo thiết kế thành quán cà phê gia đình. Hiện vật được ông sắp xếp theo chủ đề riêng để khách đến uống cà phê có thể thoải mái ngắm nhìn. Khi đến thăm nhà ông, điều khiến chúng tôi chú ý là ở đây có rất nhiều thiết bị phát thanh, truyền hình xưa cũ: từ chiếc tivi trắng đen dò kênh bằng tay; chiếc tivi màu thế hệ đầu tiên ở Việt Nam; những chiếc radio nhỏ xíu, rồi loa truyền thanh đời đầu… Theo ông Tâm, việc sưu tầm những thiết bị này là cách để ông lưu giữ ký ức về hình thức giải trí có sức hấp dẫn lớn với nhiều thế hệ.

Mấy thiết bị này tôi sưu tầm từ rất nhiều nguồn. Một số cái là của gia đình dùng hồi xưa, cái thì người ta cho, tặng vì thấy tôi thích, cái thì tôi mua lại. Từ ngày tôi sưu tầm bộ sưu tập này, hàng xóm rồi khách uống cà phê cũng đến tham quan. Có người còn dẫn con cháu đến và kể cho chúng nghe đây là những cái máy mà hồi xưa cha mẹ, ông bà từng sử dụng. Tôi thấy rất và hạnh phúc với bảo tàng thu nhỏ này của mình.

Ông NGUYỄN VĂN TÂM, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài

Nhiều người bất ngờ khi tìm lại được ký ức về nhu cầu giải trí ngày trước và họ thật sự thích thú khi trong thời đại công nghệ số vẫn có thể tự tay sờ, chạm vào những chiếc tivi, radio xưa cũ. Ông Đặng Việt Hùng (58 tuổi) ở phường Tân Đồng chia sẻ: “Khi đến đây uống cà phê, nhìn lại những chiếc tivi trắng đen ngày xưa, tôi thấy nó rất mộc mạc, thân thuộc. Đây là thiết bị mà người dân hồi đó rất quý, rất mê. Ngày trước đi làm về chỉ trông chờ coi giải trí trên tivi, nhớ nhất là phim Tây Du Ký hay phim Phạm Công Cúc Hoa… Cả xóm mới có một cái tivi, tối tối bà con xung quanh tập trung lại coi, vui lắm”.

Những chiếc tivi đen trắng giúp những thế hệ U60 có thể tìm lại ký ức xưa

Những người trẻ ngày nay thường được tiếp cận internet và công nghệ kỹ thuật số từ rất sớm. Vậy nên, khi được tận mắt quan sát những dòng thiết bị phát thanh, truyền hình này giúp họ khám phá nhiều điều thú vị. Với họ, không gian này như một bảo tàng thu nhỏ, nơi có thể giúp họ hình dung được sự phát triển của thời đại. Bạn Đào Thị Kim Lan ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài có dịp đến quán cà phê cũng không khỏi tò mò trước nhiều thiết bị phát thanh, truyền hình “đời cũ”. “Thế hệ tụi em chủ yếu cập nhật thông tin qua điện thoại, máy tính, tivi cũng có, nhưng các thiết bị điện tử bây giờ khác xa so với thời trước. Tham quan, tìm hiểu những hiện vật ở đây giúp em biết thêm về công nghệ giải trí, thông tin của cha ông mình ngày trước” - Kim Lan chia sẻ.

Với những người làm phát thanh, truyền hình thì radio, tivi là phương tiện phát sóng, nơi truyền tải những sản phẩm của cả ê-kíp đến với khán, thính giả. Ở thời đại các loại hình giải trí còn ít ỏi, thì radio, tivi là những phương tiện vô cùng hữu ích, cần thiết để người dân cập nhật thông tin mỗi ngày. Việc sưu tầm, lưu giữ những thiết bị này cũng là niềm vui, động lực rất lớn đối với người làm báo. Những thiết bị này gợi lại nhiều ký ức, nhất là khâu kỹ thuật trong việc tạo ra sản phẩm báo chí phát thanh, truyền hình trong nhiều thập niên trước.

Bộ sưu tập hiện vật của ông Tâm giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về công nghệ mà ngày trước cha mẹ, ông bà từng sử dụng

Ông Cao Minh Trực, Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chia sẻ: “Tôi rất trân trọng khi có người lưu giữ những thiết bị phát thanh, truyền hình xưa. Bản thân tôi cũng rất thích sưu tầm những thiết bị này. Bởi các thiết bị xưa cũ về phát thanh, truyền hình không những ghi nhận và phản ánh về sự phát triển của công nghệ mà còn có giá trị về mặt thời gian, đặc biệt giá trị về công nghệ rất lớn”.

Ngày nay, người dân dễ dàng sở hữu một chiếc tivi siêu mỏng, màn hình cong hiện đại… với những cái chạm nhẹ là có thể theo dõi tin tức sự kiện, giải trí. Lưu giữ những thiết bị phát thanh, truyền hình xưa cũ trong nhân dân là một việc làm hết sức ý nghĩa, đặc biệt với những người đang công tác trong ngành báo chí.

Ly Na - Ảnh: Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/145603/luu-giu-ky-uc-phat-thanh-truyen-hinh