Lượng tồn kho đang cạn dần, giá cà phê xuất khẩu bật tăng

4 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu tăng 49,1% lên mức 3.389 USD/tấn. Lượng tồn kho cạn dần giúp cà phê tạo mặt bằng mới sau khi lao dốc 2 tuần qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 tăng 98 USD/tấn, ở mức 3.518 USD/tấn, giao tháng 9/2024 tăng 97 USD/tấn, ở mức 3.453 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 8,7 cent/lb, ở mức 206,6 cent/lb, giao tháng 9/2024 tăng 8,5 cent/lb, ở mức 2056,45 cent/lb.

Giá cà phê trong nước tăng trở lại, giao dịch trong khoảng 100.400 - 101.500 đồng/kg, tuy nhiên theo thông tin thị trường, lượng hàng thực bán ra hạn chế.

Những biến động trồi sụt cuối tuần của thị trường cà phê thế giới được giới phân tích nhận định, chưa nói lên điều gì, bởi cả hai thị trường đều vẫn đang bị đóng trong một khung hẹp và chưa thực sự có tín hiệu để đi về một hướng nào trong suốt tuần qua.

Giá trên cả hai sàn London và New York tăng trở lại trong khi thời tiết khô hạn, lượng mưa thấp đáng kể đang trực tiếp ảnh hưởng đến kỳ vọng sản lượng của cả nguồn Việt Nam và Brazil trong vụ tới.

Cơ quan Thời tiết quốc gia Việt Nam cho biết, thống kê lượng mưa trong thời gian này dù đã đều đặn hơn, góp phần "giải khát" cho cây trồng, nhưng vẫn thấp hơn 41% so với mức trung bình lịch sử. Trong khi đó, Cơ quan khí tượng Brazil Somar Meteorologia cũng báo cáo cho biết khu vực trồng cà phê chính của nước này - Minas Gerais không nhận được lượng trong tuần qua và đã qua 3 tuần không có mưa trong vùng này.

Một số nhà vườn và chính quyền địa phương ở Tây Nguyên cho biết, năm 2024 là một năm nắng nóng bất thường, đặc biệt mức nhiệt độ cao đã tăng đáng kể từ trung bình 35 - 37 độ C lên tới 38 - 39 độ C. Đây là điều nằm ngoài quy luật nắng nóng hàng năm, ảnh hưởng đáng kể đến chất và lượng cà phê của niên vụ 2024 - 2025.

Dự trữ cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York được cho là đã tăng 4.755 bao vào ngày 16/5, đạt mức tồn kho là 740.449 bao.

Phiên cuối tuần, giá cà phê 2 sàn cùng tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ mới được công bố, cho thấy mức tăng với tốc độ thấp hơn dự kiến trong tháng 4. Thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed tiếp tục chờ đợi những dữ liệu lạm phát tích cực hơn và cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9/2024.

Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới trong tháng 4 chỉ xuất khẩu được 152.000 tấn, giảm đến 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia ước tính, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 300.000 tấn và phải chờ đến tháng 10 mới có nguồn thu hoạch mới bổ sung.

Đáng chú ý, báo cáo mới nhất từ Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Đại học Sao Paulo (CEPEA, Brazil) cho thấy giá cà phê trên thị trường nội địa Brazil trong tháng 4/2024 đã thiết lập mức giá cao kỷ lục trong lịch sử giao dịch cà phê ở nước này. Theo CEPERA, động lực tăng giá chủ yếu đối với cà phê Arabica đến từ việc đồng USD tăng giá mạnh so với đồng Real của Brazil. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam trong khi nhu cầu trên toàn cầu vẫn ở mức cao đã đẩy giá Robusta của Brazil tăng vọt.

Giá tăng cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê xanh của Brazil trong tháng 4/2024 đạt 3,9 triệu bao (60 kg/bao), tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE). Trong đó, lượng cà phê Arabica tăng 40,1%, đạt 3,22 triệu bao; lượng cà phê Robusta tăng gấp 5 lần, đạt hơn 0,67 triệu bao.

Với lượng lớn cà phê xuất khẩu của Brazil được đẩy ra thị trường, giá cà phê thế giới đã phần nào chịu áp lực điều chỉnh giảm trong 2 tuần đầu của tháng 5/2024. Tuy nhiên, đà giảm phần nào được kìm hãm khi các dữ liệu cho thấy nhu cầu cà phê trên toàn cầu vẫn ở mức tốt và rủi ro thiếu hụt nguồn cung cà phê từ Việt Nam vẫn hiện hữu bất chấp khu vực Tây Nguyên - vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đang bước vào mùa mưa, kết thúc đợt mùa khô khốc liệt nhất trong lịch sử.

Sau khi chịu áp lực giảm mạnh, mất hơn 25% chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5, giá cà phê trong nước đang dần ổn định và có tín hiệu hồi phục trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu vẫn ở mức cao nhưng nguồn tồn kho ngày càng cạn dần.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định, giá cà phê khó có thể quay về mức đỉnh gần 140.000 đồng/kg như giai đoạn cuối tháng 4 vừa qua, nhưng giá cũng khó có thể giảm quá sâu so với ngưỡng 100.000 đồng/kg như hiện nay.

Mặc dù Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chủ chốt của Việt Nam, đã đón những cơn mưa đầu tiên của mùa mưa và tình trạng khô hạn được dự báo sẽ giảm rõ rệt trong nửa cuối tháng 5, tình trạng tồn kho cà phê thấp sẽ là lực đỡ chủ chốt cho thị trường.

Tháng 4 lượng cà phê xuất khẩu đạt 152.073 tấn, trị giá gần 573 triệu USD, giảm 19,5% về lượng

Tháng 4 lượng cà phê xuất khẩu đạt 152.073 tấn, trị giá gần 573 triệu USD, giảm 19,5% về lượng

Lượng cà phê xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần trong những tháng gần đây. Tính riêng trong tháng 4 chỉ đạt 152.073 tấn, trị giá gần 573 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và giảm 14,7% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 7% về lượng nhưng tăng 43,6% về trị giá.

Đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, dấu hiệu cho thấy nguồn cung trong niên vụ hiện tại có thể đang cạn dần.

Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,1 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ 2022 - 2023. Với kết quả này, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 65 - 70% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.

Theo nhận định mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu cà phê trên thế giới trong các tháng còn lại của quý 2/2024 sẽ vẫn ở mức cao, hỗ trợ tích cực cho diễn biến giá trong nước.

Trong tháng 4, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt bình quân 3.768 USD/tấn, tăng 6% so với tháng trước và tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu tăng 49,1% lên mức bình quân 3.389 USD/tấn.

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luong-ton-kho-dang-can-dan-gia-ca-phe-xuat-khau-bat-tang-320850.html