Lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của châu Á tăng lên mức kỷ lục

Theo số liệu của Công ty thống kê dữ liệu thương mại toàn cầu Kpler, lượng LNG nhập khẩu của châu Á tăng 12% trong tháng Ba vừa qua lên mức cao kỷ lục 24 triệu tấn.

Trạm bơm khí tự nhiên hóa lỏng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của toàn cầu đã hướng trở lại châu Á, sau khi giá giảm đã làm gia tăng nhập khẩu tại các quốc gia mới nổi.

Theo số liệu của Công ty thống kê dữ liệu thương mại toàn cầu Kpler, lượng LNG nhập khẩu của châu Á tăng 12% trong tháng Ba vừa qua lên mức cao kỷ lục 24 triệu tấn.

Lượng nhập khẩu tăng chủ yếu ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng 22%, còn của Ấn Độ tăng 30%. Lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng 8%, sau hai tháng giảm.

Nguồn cung lớn và thời tiết mùa Đông ôn hòa hơn đã duy trì giá LNG tại châu Á gần mức thấp nhất trong ba năm. Các khách hàng ở các quốc gia mới nổi đã đẩy mạnh nhập hàng sau nhiều tháng bị hạn chế. Nguồn cung LNG được cho là sẽ tiếp tục chảy nhiều hơn vào châu Á, trong khi vào châu Âu giảm, do khu vực này có lượng dự trữ cao.

Lượng LNG xuất sang châu Âu trong tháng Ba vừa qua giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023. Châu Âu buộc phải tăng cường nhập khẩu nhiên liệu sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine vào năm 2022 để giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt được vận chuyển qua đường ống của Nga.

Các giám đốc điều hành và giới phân tích cho biết những công ty năng lượng đang tăng cường các hoạt động thăm dò ở Đông Nam Á để tăng sản lượng khí đốt tự nhiên và đáp ứng tăng trưởng nhu cầu dài hạn, do những phát hiện gần đây và chính sách đầu tư được cải thiện.

Malaysia và Indonesia gần đây đã chứng kiến những phát hiện thành công ở thượng nguồn, bao gồm một phát hiện lớn của công ty năng lượng Mubadala Energy của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại mỏ South Andaman Block của Indonesia, sau nhiều năm thiếu đầu tư vào lĩnh vực này kể từ vụ sụp đổ giá dầu năm 2015.

Ông Stefano Raciti, Giám đốc Mubadala Energy, cho biết tăng trưởng kinh tế và dân số sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu khí đốt liên tục trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt đỉnh trước năm 2040. Đây là một cơ hội quan trọng để đầu tư vào khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Mubadala cũng đang nỗ lực mở rộng sản lượng tại mỏ khí Pegaga ở Malaysia, nơi hai công ty năng lượng lớn sẽ lần đầu tiên tham gia thông qua các thương vụ mua lại gần đây.

Tháng trước, công ty TotalEnergies của Pháp công bố mua 50% cổ phần của SapuraOMV có trụ sở tại Malaysia và Chevron đang mua lại Hess, công ty có tài sản ở Malaysia.

Ngoài ra, công ty Pertamina của Indonesia và công ty Petronas của Malaysia đã mua lại 35% cổ phần của Shell trong mỏ khí đốt tự nhiên Masela do Inpex vận hành. Indonesia cũng có kế hoạch cung cấp thêm các lô dầu khí ở lưu vực Bắc Sumatra trong năm nay sau phát hiện lớn của Mubadala Energy tại mỏ South Andaman Block và đang xem xét lại chế độ tài chính của mình để thu hút đầu tư vào các nguồn tài nguyên độc đáo.

Một trạm nén khí đốt. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà phân tích Prateek Pandey của Công ty năng lượng Rystad Energy, cho biết Malaysia có thể sẽ khoan khoảng 30 giếng thăm dò trong năm nay và 35 giếng vào năm 2025, tăng so với 8 giếng vào năm 2021, trong khi Indonesia sẽ có khoảng 40 giếng trong năm nay, so với 20 giếng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Tính linh hoạt ngày càng tăng trong các hợp đồng chia sẻ sản phẩm và các điều khoản tài chính tốt hơn cũng đã thu hút nhiều đầu tư hơn vào khu vực Đông Nam Á.

Ông Yuzaini Yusoff, người đứng đầu chi nhánh Indonesia của công ty Petronas Carigali (Malaysia) cho biết: “Là một nhà đầu tư đến từ nước ngoài, chúng tôi cần có sự chắc chắn về chính sách và quy định đầu tư trong các hoạt động thượng nguồn. Và chúng tôi nhận thấy điều đó đã diễn ra trong 5 năm qua.”

Trong khi đó, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) nhận định thị trường LNG toàn cầu sẽ thắt chặt cho đến năm 2026, trong khi nhu cầu dự kiến tăng 1,5% vào năm nay và lên tới 22% cho đến năm 2050.

Theo thông tin trên website chính thức của GECF, tổ chức này đại diện cho các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên bao gồm Qatar, Nga, Trinidad& Tobago. Các thành viên của tổ chức này nắm giữ hơn 2/3 nguồn cung khí đốt của thế giới.

Trong báo cáo thường niên của mình, GECF đã cảnh báo về giá khí đốt giao ngay sẽ tăng cao kỷ lục và biến động nhiều tại thị trường châu Âu lẫn châu Á. Đồng thời, tổ chức này lưu ý các nước đang ưu tiên giải quyết những lo ngại về an ninh năng lượng hơn các mục tiêu giảm thiểu khí thải nhằm chống biến đổi khí hậu, trong đó các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Năng lượng Quốc gia QatarEnergy, ông Saad al-Kaabi, tháng Hai vừa qua thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác LNG thêm 16 triệu tấn/năm, nâng tổng sản lượng LNG của Qatar lên 142 triệu tấn/năm.

Ông Kaabi cho biết với kế hoạch trên, tổng sản lượng khai thác của mỏ khí đốt lớn nhất thế giới North Field tăng 85%, từ mức 77 triệu tấn/năm hiện nay lên 142 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Cũng theo ông Kaabi, các nghiên cứu gần đây cho thấy mỏ North Field có trữ lượng khí đốt khổng lồ ước tính lên tới 240.000 tỷ bộ khối (khoảng 6.800 tỷ m3). Qatar sẽ bắt đầu phát triển dự án LNG mới từ khu phía Tây mỏ North Field, với sản lượng khoảng 16 triệu tấn/năm. Tập đoàn QatarEnergy sẽ sớm khởi động dự án để đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng sản lượng đúng hạn.

Kế hoạch được công bố sau khi QatarEnergy ký một loạt thỏa thuận cung ứng khí đốt dài hạn. Qatar cho biết sẽ cung cấp 7,5 triệu tấn LNG/năm cho công ty Petronet của Ấn Độ trong 20 năm, với lô hàng đầu tiên dự kiến được bàn giao vào tháng 5/2028.

Trước đó, cuối tháng Một vừa qua, QatarEnergy công bố thỏa thuận với Excelerate Energy có trụ sở tại Mỹ về việc cung cấp cho Bangladesh 1,5 triệu tấn LNG/năm trong 15 năm. Năm ngoái, Qatar cũng đã ký các thỏa thuận LNG với các tập đoàn Sinopec của Trung Quốc, Total của Pháp, Shell của Anh và Eni của Italy.

Qatar là một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới, cùng với Mỹ, Australia và Nga. Các nước châu Á, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, là những thị trường nhập khẩu LNG chính của Qatar nhưng gần đây nhu cầu từ các quốc gia châu Âu cũng tăng kể sau khi bùng phát cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/luong-khi-dot-tu-nhien-hoa-long-nhap-khau-cua-chau-a-tang-len-muc-ky-luc-post937692.vnp