Lương Hải – mối nhân duyên miền xuôi và miền ngược

Ông Bùi Thanh Quyên năm nay 84 tuổi, một trong những người lên khai phá vùng đất Lương Hải từ năm 1976 kể: Năm đó, vợ chồng ông mới có 2 người con, cùng các gia đình khác được xe ô tô tải chở đến khu vực đầu thôn thì xuống đi bộ vào hơn 1 km nữa mới đến căn lán dựng tạm. Mọi người đi đến đâu dọn đường đến đó. Lúc ấy, cả khu Lương Hải toàn rừng rậm. Vợ chồng ông bắt tay ngay vào phát nương, khai phá ruộng cấy lúa, trồng khoai để sau khi hết phần lương thực được trợ cấp theo tiêu chuẩn tem phiếu còn có cái ăn.

2 năm trời quần quật lao động, vợ chồng ông Quyên bắt đầu tính đến chuyện dựng nhà. Nói cho sang, chứ ngôi nhà chỉ là những cọc gỗ đóng thẳng xuống nền đất, mái lợp nứa, xung quanh quây bằng vách đan. Vậy mà, cơn lốc năm 1977 đã cuốn phăng ra cách xa vài trăm mét.

Ngày còn trong quân ngũ là y tá nên ông Quyên được giao nhiệm vụ tương tự như y tá thôn hiện nay. Thời điểm đó, xã Lương Sơn chưa có trạm y tế nên ông thường xuyên đi chữa bệnh cho bà con quanh vùng. “Ông ấy đi tối ngày, thậm chí có năm đúng đêm giao thừa có người sinh nở cũng đi. Nhà có mấy mẹ con, mọi việc đồng áng gần như tôi phải cáng đáng, nhưng nghĩ ông ấy cũng vì sức khỏe của bà con, vì việc chung nên tôi đành cố gắng”, bà Đỗ Thị Lụa 76 tuổi, vợ ông Quyên cho hay.

Ông Bùi Xuân Tuynh năm nay 70 tuổi cũng gắn bó với thôn Lương Hải ngay từ những ngày đầu lập thôn. Ông kể rằng, người dân ở đây đều làm nên từ hai bàn tay trắng và chỉ có ý chí cùng sức người mới biến “sỏi đá thành cơm”. Ở quê nhà, mọi thứ về văn hóa, điều kiện đi lại tốt hơn, nhưng ngặt nỗi đất chật, người đông, muốn làm cũng không có đất. Nghe nói trên vùng núi lắm đất nên gia đình ông lên đây, quả thực đất rộng nhưng lại gặp nhiều khó khăn khác. Ngày ấy, Lương Hải chỉ có 1 trục đường chính rất nhỏ vào thôn, rậm rạp và có mấy phòng học từ lớp 1 đến lớp 4. “Vậy mà chúng tôi trụ vững, bền bỉ đổ mồ hôi xây cuộc sống nơi miền đất mới. Ngày nay, diện mạo thôn Lương Hải và đời sống của bà con đã đổi thay rất nhiều, khấm khá hơn, đó là điều chúng tôi vui nhất”, ông Tuynh bộc bạch.

Hiện tại, dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Tuynh vẫn duy trì chăm sóc 700 cột thanh long ruột đỏ. Vào vụ thu hoạch, ông đều đặn chở cả tạ quả thanh long bằng chiếc xe máy ra chợ huyện bán, mỗi năm vườn thanh long cho gia đình thu hơn 3 tấn quả, được khoảng 70 triệu đồng.

Để có một Lương Hải tươi đẹp như hôm nay có phần công sức đóng góp không nhỏ từ những người đầu tiên lên gây dựng, đặt nền tảng vững chắc như vợ chồng ông Quyên, ông Tuynh và hàng trăm người dân khác. Dù đã cao tuổi nhưng họ vẫn cần cù lao động, tinh thần đó như mạch nguồn trong trẻo, tiếp thêm sinh lực dồi dào cho thế hệ con cháu noi theo. Đứng ở trung tâm thôn Lương Hải nhìn về tứ phía, đâu đâu cũng một màu xanh trải dài của nương chè, đồng lúa, xa xa trên những chỏm đồi cao có ngàn vạn cây quế chen nhau vươn lên như ước mơ về cuộc sống khấm khá của người dân nơi đây.

Trưởng thôn Lương Hải, ông Nguyễn Văn Sỹ thông tin: Thôn hiện có 101 hộ, gồm 68 hộ dân tộc Kinh và 30 hộ dân tộc Mông, vài hộ dân tộc Tày và Dao; thôn còn 5 hộ nghèo, số hộ khá giàu chiếm trên 30%. Thu nhập chính của người dân phần lớn từ nông - lâm nghiệp, trong đó trồng hơn 100 ha quế, hơn 20 ha chè, 36 ha lúa Séng cù. Một số hộ còn trồng cam, thanh long, quất cảnh… Có những hộ mua thêm đất ở thôn khác để trồng quế, trong đó có những hộ khá giả nhờ trồng nhiều quế.

Điển hình như Trưởng thôn Nguyễn Văn Sỹ với mô hình vườn ươm quế giống rộng hơn 3.000 m2, mỗi năm xuất bán khoảng 50 vạn cây ra thị trường, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Anh còn trồng khoảng 6,5 ha quế với nhiều độ tuổi khác nhau, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ cây trồng này.

Hoặc vợ chồng anh Bùi Văn Đức từ việc chuyên đi đánh cây quất thuê ở Văn Giang, Hưng Yên mà học được nghề trồng quất cảnh rồi đem về áp dụng trên đồng đất Lương Hải. Vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, gia đình đều đặn bán ra thị trường khoảng 150 gốc quất cảnh, trừ mọi chi phí, mỗi gốc cho lãi hơn 200 nghìn đồng.

Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Bùi Văn Tuấn đã thành công với mô hình trồng cam. Anh cho biết câu chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi đang chăm sóc lúa trên mảnh nương khô cằn, nghĩ về quả cam trên thị trường được giá, bất chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu rằng tại sao không chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả này sang trồng cam.

Nghĩ là làm, anh Tuấn bắt đầu dò hỏi, tìm về tận Trung tâm Giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh ở Văn Giang, Hưng Yên để mua giống cam Vinh về trồng. Sau đó, anh tìm về các vườn cam của Hà Giang, Tuyên Quang để học hỏi kỹ thuật chăm sóc và trị bệnh cho cây cam. Vừa trồng, vừa tự học hỏi, rút kinh nghiệm, vườn cam của gia đình anh được chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển tốt…

Từ lớp người đầu tiên lên định cư, khai hoang, đến nay đã có 3 thế hệ được sinh ra và lớn lên trên quê hương Lương Hải. Trưởng thôn Nguyễn Văn Sỹ tự hào: Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng ở đây chúng tôi vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, coi nhau như anh em ruột thịt. Khi gia đình nào có việc hiếu, hỷ, mọi người đều chung tay hỗ trợ. Tất cả đều tích cực lao động, sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Đặc biệt, trong thôn không có người nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự được đảm bảo. Đó là những giá trị còn quý hơn vàng mà thế hệ trẻ ở Lương Hải chú trọng phát huy, gìn giữ.

Nội dung: Nguyễn Thành Phú

Trình bày: Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/luong-hai-moi-nhan-duyen-mien-xuoi-va-mien-nguoc-post372504.html