'Lương - chính sách và thực tiễn' - Bài 2: Công chức, viên chức khó sống được bằng lương

Dù Chính phủ đã thực hiện nhiều đợt cải cách tiền lương, nhiều lần điều chỉnh lương tăng nhưng người lao động, cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách đến nay vẫn không sống được bằng lương.

Mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp rằng đến năm 2030, công chức sẽ sống được bằng lương liệu có khả thi?

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri ngày 13-10-2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri ngày 13-10-2022.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ ngày 13-10-2022, Thủ tướng cho biết việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách.

Khi lương công chức thấp hơn... lương công nhân

Chị Trần Minh Hằng, giáo viên một trường tiểu học ở quận Ba Đình, TP Hà Nội đã có thâm niên công tác 12 năm và đang hưởng lương bậc 3, hệ số 3,0. Thu nhập hằng tháng của cô giáo Trần Minh Hằng sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế... còn thực lĩnh khoảng 6 triệu đồng.

Thực tế, những giáo viên có trình độ đại học, có thâm niên khoảng trên dưới 10 năm (hưởng lương bậc 3-4) đang có mức lương thực lĩnh hằng tháng khoảng 5-6 triệu đồng.

Với mức lương trên ở thành phố, nuôi thêm con nhỏ hay thậm chí thuê trọ nữa thì giáo viên gần như đã "bay" luôn thu nhập. Do đó, nhiều thầy, cô giáo thực sự chật vật khi phải tính toán việc chi tiêu hằng ngày, nhất là khi giá cả hàng hóa đang leo thang như hiện nay.

Thực tế, những giáo viên có trình độ đại học, có thâm niên khoảng trên dưới 10 năm (hưởng lương bậc 3-4) đang có mức lương thực lĩnh hằng tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Thực tế, những giáo viên có trình độ đại học, có thâm niên khoảng trên dưới 10 năm (hưởng lương bậc 3-4) đang có mức lương thực lĩnh hằng tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Anh Nguyễn Thế Danh, một công chức tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, anh làm việc tại cơ quan nhà nước, cụ thể là Ủy ban nhân dân phường đã hơn 10 năm nhưng đến nay, tổng lương mà anh nhận được chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu đồng, đã tính cả phụ cấp. Trong khi đó, những người cùng độ tuổi, ra trường xin vào làm việc tại các công ty tư nhân thì lương khởi điểm đã khoảng 7 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn.

Anh Nguyễn Thế Danh cho rằng, mức lương của anh không đủ chi tiêu, trang trải cho cuộc sống. Vì thế, anh phải đi làm thêm nhiều công việc khác để tăng thu nhập. Hết giờ làm việc, anh phải chạy thêm xe công nghệ, có lúc phụ vợ bán hàng.

Anh Nguyễn Thế Danh chia sẻ thêm, lương của anh cũng như nhiều cán bộ, công chức khác tại phường đều theo hệ số thâm niên nhân với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Nếu mới tốt nghiệp đại học thi đỗ công chức thì tổng thu nhập chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này chi tiêu cho việc sinh hoạt, xăng xe cũng còn khó khăn chứ chưa nói đến việc chăm lo cho gia đình. Do đó, nhiều công chức như anh đã xin nghỉ, làm việc ở nơi khác, có thể vất vả hơn nhiều lần nhưng lại bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ.

Chị Trần Minh Hằng hay anh Nguyễn Thế Danh là hai trong số gần 2 triệu người đang "ăn lương" từ ngân sách nhà nước nhưng chưa thể sống được bằng đồng lương ít ỏi ấy. Kể cả khi lương cơ sở sắp tới sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì tổng thu nhập cũng vẫn chưa bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình họ.

"Chảy máu chất xám" khu vực công

Thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc - chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96%; ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04%.

Số liệu thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%), tập trung ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế. Đây là thực trạng hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, bởi hai ngành này mang đặc thù riêng, ảnh hưởng lớn đến học sinh và đến người bệnh.

Đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Nhận định về con số trên, Bộ Nội vụ thẳng thắn nêu rõ, vấn đề nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở cả hai góc độ. Đó là, việc dịch chuyển này là xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế - xã hội của một quốc gia, là sự "phân công lao động" theo quy luật thị trường. Đây là cơ hội để tuyển dụng mới (thay thế), cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đồng thời, việc dịch chuyển này cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.

Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ Nội vụ đã chỉ rõ, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Là người công tác trong ngành y tế nhiều năm, PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh) bày tỏ trăn trở: “Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên tôi thấy rất đau lòng. Cán bộ mới ra trường chỉ nhận trên dưới 3 triệu đồng, các bạn trẻ sống kiểu gì?”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tâm tư rằng, học để trở thành bác sĩ mất 6 năm nhưng chỉ nhận được bằng tốt nghiệp đại học, còn muốn hành nghề trong bệnh viện phải trải qua rất nhiều bậc học, khóa học như nội trú chuyên khoa và trải qua thời gian thực tập mới được cấp chứng chỉ hành nghề...

"Thế nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính. Ai cũng có gia đình, nhiều việc cần lo toan, nhưng với mức lương như vậy làm sao có thể nuôi sống được bản thân?", đại biểu bày tỏ và cho rằng, hai năm đại dịch càng làm cho đời sống cán bộ ngành y thêm nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính. Trong khi đó, nhiều cán bộ ngành y có tay nghề, có kinh nghiệm được cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng mời về hợp tác với mức lương cao hơn và môi trường phát triển nghề nghiệp tốt hơn...

Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ Nội vụ đã chỉ rõ, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Việt Trung

Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ Nội vụ đã chỉ rõ, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Việt Trung

Mặt khác, trước một số ý kiến cho rằng, nếu cán bộ y tế nghỉ việc ở cơ sở công lập để làm việc tại cơ sở y tế tư nhân cũng là phục vụ cho xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan không đồng tình với quan điểm này mà chỉ ra rằng, việc cán bộ y tế nghỉ việc sẽ thiệt thòi cho đại đa số những người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo, người yếu thế.

“Chân ngoài dài hơn chân trong”

Theo đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), thời gian qua, dù Nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn thu nhập cần phải có để bảo đảm mức sống. Vì thế, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “chân trong, chân ngoài” đã có từ lâu, nhưng với những người có trách nhiệm và năng lực thì “chân ngoài không dài hơn chân trong”. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người không giữ được đạo đức sẽ dẫn đến “chân ngoài dài hơn chân trong”, chủ yếu lo các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, qua đó ảnh hưởng không tốt đến công việc và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Nhiều người không giữ được đạo đức sẽ dẫn đến “chân ngoài dài hơn chân trong”, chủ yếu lo các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, qua đó ảnh hưởng không tốt đến công việc và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Nhiều người không giữ được đạo đức sẽ dẫn đến “chân ngoài dài hơn chân trong”, chủ yếu lo các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, qua đó ảnh hưởng không tốt đến công việc và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Đồng quan điểm trên, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-3 vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, hiện chế độ chính sách cho cán bộ các cấp nói chung, mặc dù thời gian qua đã có nhiều cố gắng, có chế độ định kỳ tăng lương, nhưng hình như với chế độ chính sách hiện hành, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình thì hết sức khó khăn. Còn lại một tỷ lệ sống được cũng nhờ vào các nguồn khác: Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng…, tức là có sự hỗ trợ cho nhau để hoàn thành công việc. Còn chế độ như hiện nay thì cán bộ rất khó khăn, đặc biệt là cấp cơ sở.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí: Với chế độ chính sách hiện hành, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình thì hết sức khó khăn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí: Với chế độ chính sách hiện hành, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình thì hết sức khó khăn.

Rõ ràng, chính sách tiền lương hiện tại chưa tiến kịp với sự gia tăng của giá cả, chưa tương xứng với giá trị sức lao động, chất xám mà các nhân sự khu vực công bỏ ra. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư, thậm chí là gây ra tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, nhất là tham nhũng vặt. Thực tế này đòi hỏi cần có những hành động quyết liệt hơn trong thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới, để cán bộ, công chức, viên chức ở khu vực công yên tâm công tác, cống hiến trí tuệ, sức lao động cũng như bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình.

Quốc hội đã "chốt" nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian thực hiện từ 1-7-2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

NGUYỄN THẢO - THU THỦY - VĂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/luong-chinh-sach-va-thuc-tien-bai-2-cong-chuc-vien-chuc-kho-song-duoc-bang-luong-725905