'Lưới lửa' bảo vệ tuyến vận tải quân sự chiến lược

Bộ đội Trường Sơn nói chung, 'lưới lửa' phòng không rộng khắp, nhiều tầng, dày đặc tại chỗ của Trường Sơn nói riêng, đã chiến đấu quả cảm, mưu trí, hiệu quả, đánh địch trên mọi hướng, mọi độ cao và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hoàn thiện thế trận phòng không

Là một trong những lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn có nhiệm vụ đánh trả máy bay địch, bảo vệ tuyến giao thông chiến lược, sự phát triển và trưởng thành của lực lượng phòng không Trường Sơn gắn liền với sự hình thành phát triển của tuyến chi viện chiến lược.

Bộ đội Pháo cao xạ bắn máy bay địch bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: TL

Bộ đội Pháo cao xạ bắn máy bay địch bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: TL

Trong tham luận gửi tới hội thảo “Vai trò Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1971 đến 1975” diễn ra sáng 17.5, Đại tá Nguyễn Quang Hùng,Trưởng ban liên lạc Sư đoàn Phòng không 377 cho biết, từ rất sớm Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định và dự báo về khả năng địch mở cuộc tiến công quy mô lớn nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược; đồng thời chỉ thị chuẩn bị sẵn các phương án đối phó, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động của địch.

Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng phòng không, tháng 10.1970, Bộ Quốc phòng đã quyết định cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành lập thêm Cục Tham mưu Phòng không; đồng thời, điều động đồng chí Nguyễn Quang Bích - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vào làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tháng 12.1970, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ cho Tham mưu trưởng tác chiến Ngô Huy Biên và Phó Chủ nhiệm Chính trị Võ Sở đi thị sát địa bàn, lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng và thế trận phòng không, sẵn sàng tác chiến.

Giữa tháng 1.1971, đồng chí Phạm Hàm - Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, truyền đạt mệnh lệnh dự kiến của Tổng Tham mưu trưởng: “Địch sẽ sử dụng lực lượng lớn bộ binh của ngụy Sài Gòn cùng quân Hoàng gia Lào và Thái Lan, dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ mở chiến dịch lớn nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn ở trục ngang theo Đường 9”. Ngày 28.1.1971, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch phản công; phân công Phó Tư lệnh Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ đạo hoàn thiện thế trận phòng không của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các lực lượng phòng không của Bộ phối thuộc.

Lực lượng phòng không Trường Sơn lúc này được tăng cường cho chiến dịch lên đến 5 trung đoàn, trong đó có 1 trung đoàn Tên lửa (Trung đoàn 275) cùng 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội, 33 trung đội súng máy 14,5mm và 12,7mm với 326 pháo cao xạ, 360 khẩu súng máy bố trí thành 8 cụm tác chiến. Trên cơ sở nhiệm vụ tác chiến, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn bí mật cơ động lực lượng triển khai thành thế trận bảo vệ khu vực hậu cần và tuyến hành lang vận chuyển chiến lược.

Hình thành lưới lửa rộng khắp, nhiều tầng

Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường Trường Sơn chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, ngoài việc trực tiếp sử dụng lực lượng tiến hành các cuộc hành quân càn quét, Mỹ - Ngụy còn sử dụng không quân đánh phá thường xuyên, trong đó có cả việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52.

Bộ đội Pháo cao xạ bắn máy bay địch bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: TL

Bộ đội Pháo cao xạ bắn máy bay địch bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Ảnh: TL

“Trong 5 năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, lực lượng phòng không Trường Sơn đã tham gia và góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch lớn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc” - Đại tá Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận định.

Theo đó, tham gia Chiến dịch Trị - Thiên 1972, với cách bố trí đội hình hợp lý, lực lượng phòng không Trường Sơn đã hình thành hệ thống hỏa lực vững chắc, bắn rơi nhiều máy bay, đánh bại các thủ đoạn của không quân địch và chi viện đắc lực cho các đơn vị binh chủng hợp thành tiến công tiêu diệt địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Trong chiến dịch Tây Nguyên 1975, lực lượng phòng không tham gia gồm các đơn vị phòng không thuộc các sư đoàn bộ binh; các trung đoàn cao xạ 234, 232 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và Trung đoàn 593 Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Để kịp thời cơ động lực lượng lớn vào địa bàn chiến dịch, lực lượng phòng không Trường Sơn đã bố trí đội hình các đơn vị bảo đảm vừa cơ động phục kích địch trên đường bay, vừa chốt giữ bảo vệ các trọng điểm giao thông cả phía Đông và phía Tây Trường Sơn. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Trường Sơn mạnh dạn đưa Sư đoàn 377 tiến sâu xuống Nam Lào, đánh máy bay địch, bảo vệ giao thông vận chuyển và trực tiếp bảo vệ hậu phương chiến dịch. Trong quá trình chiến dịch, lực lượng phòng không Trường Sơn đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị binh chủng hợp thành hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau đó, để bảo vệ vùng mới giải phóng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã điều động Sư đoàn Phòng không 377 bảo vệ các thị xã Kon Tum, Pleiku và Buôn Ma Thuột; đồng thời, đưa các trung đoàn 527 và 528 tiến xuống phía Đường số 1 đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành đang phát triển tiến công và bảo vệ Nha Trang, Cam Ranh. Lực lượng phòng không Trường Sơn đã phối hợp với lực lượng phòng không các của sư đoàn bộ binh và các địa phương hình thành thế trận phòng không bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành tiến công tiêu diệt địch, bảo vệ hậu phương và giao thông chiến dịch, bảo vệ vùng mới giải phóng.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Toàn, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng phòng không Trường Sơn đã hình thành nên một lưới lửa rộng khắp, nhiều tầng, đánh địch trên mọi hướng, mọi độ cao và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, bảo vệ đội hình cơ động của các binh đoàn chủ lực tiến vào khu vực tập kết chiến dịch ở Đồng Xoài (Bình Phước). Lực lượng phòng không Trường Sơn đã bám sát đội hình các sư đoàn binh chủng hợp thành trên các hướng tiến công, kịp thời chi viện hỏa lực đánh trả không quân địch, bảo vệ đội hình tiến công của các đơn vị binh chủng hợp thành, đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não địch trong thành phố Sài Gòn - Gia Định...

Việc quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phối hợp thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật, chiến thuật của lực lượng phòng không đã góp phần bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/luoi-lua-bao-ve-tuyen-van-tai-quan-su-chien-luoc-i372112/