Lười biếng mà mơ giàu sang

Những người lười tưởng rằng sự biếng nhác sẽ mang lại cho họ sự nhàn rỗi, may mắn hơn những người khác. Nhưng họ đã lầm, bởi sự lười biếng chỉ cho họ sung sướng ngắn hạn. Muốn thoải mái lâu dài, hãy bắt tay làm việc ngay từ bây giờ. Và để có được thành công, bạn hãy 'đánh thắng' sức ì, tính tự mãn và sự lười biếng của bản thân.

Không biết có phải thời nay, bệnh lười là bệnh chung của thanh niên hay không. Mỗi ngày, việc thức dậy buổi sáng đối với các bạn ấy đều cần một nỗ lực vô cùng lớn. Sáng nào nhạc chuông báo thức rung lên đến 20 lần, mà vẫn không tài nào thức dậy nổi. Phòng ở thì lộn xộn, quần áo luộm thuộm lôi thôi, cho dù có bị mắng mãi cũng chẳng thấy chuyển biến. Ăn uống thì có bố mẹ lo, chẳng bao giờ các bạn phải nấu, chỉ việc đi học, về nhà ăn xong, làm bài tập, rồi lại lăn ra ngủ. Khi bố mẹ đi vắng thì gọi thức ăn nhanh. Liệu đó có phải là tình trạng chung của thanh niên thời nay?

Chẳng biết có phải bệnh lười được nuôi dưỡng từ bé, nên khi con người lớn lên, nó cũng lớn theo. Thành ra lười từ lúc đi học, lười sang cả khi đi làm, mà cấp độ lười dường như ngày càng tăng. Có không ít người mỗi buổi sáng thức dậy với tinh thần uể oải, cảm giác con đường tới chỗ làm rất căng thẳng, nghĩ tới công việc áp lực lại chỉ muốn nghỉ ở nhà.

Một người bạn chia sẻ, lúc nhỏ sinh ra ở quê nghèo, cứ nghĩ rằng người ở quê mình nhìn chung cần cù, siêng năng, chịu khó. Nhưng đến khi được ra nước ngoài học đại học mới thấy, người nước ngoài rất chăm tới thư viện tự học không phải vì tới kỳ thi mà vì đó là kiến thức cần cho cuộc sống của họ.

Điển hình như người Nhật, mỗi ngày họ làm việc nhiều giờ liền trong môi trường kỷ luật nghiêm khắc. Họ thường kết thúc ngày làm việc vào nửa đêm, với chuyến tàu điện ngầm cuối cùng luôn chật kín người. Đúng giờ, tuân thủ kỉ luật tuyệt đối, chịu khó, không bao giờ nói “không” với công việc mà thay vào đó là “tôi sẽ cố gắng để làm” là những phong cách làm việc của người Nhật. Và có lẽ đó cũng chính là những lý do đầu tiên để Nhật trở thành một cường quốc.

Hình như một bộ phận giới trẻ bây giờ đang cổ xúy cho lối sống làm việc thì cầm chừng, vừa phải, nhưng hưởng thụ thì không giới hạn. Thậm chí chỉ biết hưởng thụ mà không cần lao động. Điều gì sẽ xảy ra khi lối sống đó trở thành trào lưu phổ biến. Có một triết gia La Mã đã từng nói, cuộc sống chúng ta nhận được không hề ngắn ngủi, nhưng chúng ta đã biến nó thành ngắn, và cũng không phải chúng ta thiếu nó, mà là đang lãng phí nó. Mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng đều có 24 giờ đồng hồ. Chúng ta bình đẳng về quỹ thời gian. Nhưng cách chúng ta sử dụng quỹ thời gian đó không giống nhau nên kết quả cũng khác nhau. Trước mỗi quyết định, chúng ta thường cân nhắc cái được cái mất và dễ dàng thỏa hiệp với sự thoải mái trước mắt.

Những người lười tưởng rằng sự biếng nhác sẽ mang lại cho họ sự nhàn rỗi, may mắn hơn những người khác. Nhưng họ đã lầm, lười biếng khiến họ phải chạy tăng tốc hết sức mình, phải cố gắng gấp 5, gấp 10 mới đuổi kịp người khác. Bởi sự lười biếng chỉ cho bạn sung sướng ngắn hạn. Muốn thoải mái lâu dài, hãy bắt tay làm việc ngay từ bây giờ. Trước khi bằng và hơn người, hãy thắng sức ì, tính tự mãn và sự lười biếng của bản thân. Cũng như trước khi nói đến chuyện làm việc thông minh, sáng tạo, năng suất hơn người để rung đùi hưởng thụ, hãy làm việc chuyên cần, chăm chỉ, miệt mài và có trách nhiệm./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/luoi-bieng-ma-mo-giau-sang-201232.htm