Lúng túng trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, Phú Yên được trung ương bố trí nguồn lực không nhỏ, với mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo (không tính hộ nghèo không có khả năng lao động). Tuy nhiên, việc triển khai chương trình cho thấy vẫn đang có những khó khăn, lúng túng khiến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt như kế hoạch đề ra.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn làm trưởng đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG

Tiền có nhưng... khó tiêu

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) tại các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, TX Đông Hòa và Sở LĐTB&XH - cơ quan thường trực của chương trình.

Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 90/QĐ-TTg, ngày 8/1/2022, với 7 dự án thành phần, 11 tiểu dự án. Mục tiêu của chương trình là hướng đến giải quyết những vấn đề cấp thiết, bức bách trong đời sống, đặc biệt là của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình, nhìn chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được cấp ủy, UBND các địa phương quan tâm triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực, như tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 0,7-1%/ hằng năm theo Quyết định 652/QĐ[1]TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và vượt chỉ tiêu so với Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh thực hiện chương trình năm 2023.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 8.481 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,22%; trong đó, hộ nghèo không có khả năng lao động là 3.548 hộ, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số 3.628 hộ. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tiến độ giải ngân đối với một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm; chưa thống nhất trong triển khai một số dự án, tiểu dự án ở cơ sở; một số quy định, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh chưa được cơ sở nghiên cứu và triển khai cụ thể, nên việc thực hiện còn gặp khó khăn…

Tại các địa phương mà đoàn giám sát, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thành phần chậm hoặc chưa triển khai, như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng; Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp... Trong khi đây là những dự án, tiểu dự án thành phần mang tính chất quyết định giúp các hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nếu như trước đây, việc thực hiện các dự án thường phải chờ có vốn, thì nay, tình trạng tiền có nhưng... khó tiêu lại đang diễn ra ở nhiều địa phương. Tại huyện Sơn Hòa, bên cạnh một số dự án triển khai nhanh, vẫn còn một số dự án đến nay vẫn chưa giải ngân được.

Cụ thể như Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trung ương cấp năm 2022 là 366 triệu đồng, năm 2023 là 939 triệu đồng nhưng đến nay chưa giải ngân được. Hay như Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, ngân sách trung ương cấp năm 2022 là 637 triệu đồng, năm 2023 hơn 1 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được do không có lao động tham gia học nghề.

Ông Sô Y Danh, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang cho hay: Các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn xã vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn chậm, địa phương lúng túng trong vận dụng nên đến thời điểm này, người dân chưa được hưởng lợi từ chương trình. Riêng về việc học nghề, người trong độ tuổi lao động của xã chủ yếu đi làm để mang lại thu nhập hằng ngày cho gia đình, không mặn mà với việc học nghề.

Trao đổi thẳng thắn về việc chậm trễ nói trên, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), thành viên của đoàn giám sát nói: Phần lớn nguyên nhân của sự chậm trễ trong thực hiện các dự án, tiểu dự án là do các địa phương chưa mạnh dạn phân cấp trách nhiệm về cho các xã, nhất là trong việc xây dựng chương trình, mô hình sinh kế, phát triển sản xuất.

Trong khi các nội dung này đã có mẫu biểu hướng dẫn rất rõ ràng, chỉ cần cơ sở bàn bạc, lắng nghe nhu cầu, đề xuất của người dân là có thể xây dựng được các dự án cộng đồng phù hợp với nguyện vọng của người dân. “Cách làm này đã được các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh làm được và đang phát huy hiệu quả. Các địa phương khác có thể học hỏi”, ông Thắng chia sẻ.

Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng ta. Do đó, các địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, xem đây là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát

Đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với hiệu quả sử dụng vốn

Đảng ta đã xác định, xóa đói giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Chương trình có mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống... Do vậy, sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án, tiểu dự án ở các địa phương khiến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo khó hoàn thành.

Người dân rất cần được hỗ trợ các mô hình sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Mô hình nuôi heo rừng lai của một hộ ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) mang lại thu nhập cao. Ảnh: THÚY HẰNG

Theo Sở LĐTB&XH, nguồn vốn sự nghiệp, tổng ngân sách trung ương phân bổ 3 năm cho tỉnh là 74,631 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm báo cáo mới giải ngân được hơn 14,3 tỉ đồng (đạt 19,16%). Nguồn vốn đầu tư, tổng ngân sách trung ương phân bổ hơn 3,8 tỉ đồng, vẫn chưa giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn “chạy nước rút”, Sở LĐTB&XH cho biết sẽ tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện chương trình. Chú trọng tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế. Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức cho người nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nghèo...

Xác định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của chương trình trong thời gian còn lại là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung cao độ và ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với hiệu quả sử dụng vốn.

Trong đó, chú trọng các dự án, tiểu dự án có tỉ lệ giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân liên quan trực tiếp đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững..., hạn chế tối đa việc hủy dự toán đã được giao...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị MTTQ cấp huyện, xã phát huy vai trò của mình cùng các cấp, ngành thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện chương trình trong thời gian tới, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia khác một cách có hiệu quả thiết thực ở cơ sở.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316251/lung-tung-trong-thuc-hien-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung.html