'Lùm xùm' vụ bản quyền âm nhạc BH Media, nhạc sĩ Đức Trịnh, Doãn Nho... lên tiếng

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Doãn Nho lên tiếng về việc BH Media xác nhận bản quyền trên nền tảng số một số ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc về Quân đội nhân dân Việt Nam và bài hát của chính các nhạc sĩ này cũng bị 'đánh gậy' bản quyền.

Trước thực trạng này, các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội, đã lên tiếng để đòi lại quyền tác giả cho những “đứa con tinh thần” của mình.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh: Xâm phạm bản quyền tác giả âm nhạc là có chủ ý

Bản thân tôi cũng có những ca khúc bị BH Media “đánh gậy” bản quyền. Có những nhạc sĩ bây giờ không biết phải làm gì và khi khi tác phẩm của mình bị xâm phạm có khi cũng không muốn nói bởi chúng tôi là những người làm nghệ thuật, cần sự bình tâm để sáng tác.

Bài hát “Nhà em ở lưng đồi” của rất tôi rất “hot” và được nhiều người hát, được nhiều giải thưởng nhưng tác giả lại không được để ý.

Tôi nghĩ rằng, vụ việc một số tổ chức xâm phạm bản quyền tác giả âm nhạc là có chủ ý.

Thời gian trước, chúng ta không quản lý được nhưng bây giờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể bảo vệ được thì đó là điều rất tốt. Với cương vị là một tác giả, tôi mong rằng Trung tâm sẽ giúp đỡ tác giả được tốt hơn bởi không chỉ có BH Media mà còn có rất nhiều tổ chức khác. Thậm chí, còn có những tổ chức “dụ” các tác giả tự đưa bản quyền cho họ để kinh doanh.

Bản thân là một nhạc sĩ, tôi mong Trung tâm thay mặt các nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ lão thành để bảo vệ quyền tác giả.

Nhạc sĩ Doãn Nho: Vi phạm bản quyền là chà đạp lên xương máu biết bao đồng đội

Chúng tôi là những văn nghệ sĩ quân đội và cũng là người lính trên mặt trận văn hóa. Những năm tháng tuổi trẻ của chúng tôi hầu như sống ở chiến trường. Trong chiến tranh, các bài hát là máu mủ, là sức mạnh theo tôi trên chiến trường. Khi tôi viết ca khúc “5 anh em trên một chiếc xe tăng” và “Tiến bước dưới quân kỳ” chính là nhờ sự hy sinh của đồng đội mà mới có cảm xúc để viết. Tôi viết ca khúc này để trả nghĩa cho đồng đội, trả ơn Đảng, Nhà nước và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Doãn Nho và ca sĩ Tùng Dương trên sân khấu khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân trí.

Vấn đề vi phạm bản quyền là một sự chà đạp lên cả xương máu của tác giả cũng như đồng đội chúng tôi. Vì thế, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc vấn đề này, không thể lợi dụng cơ chế thị trường mà đảo ngược vấn đề.

Giới văn nghệ sĩ mà ngồi nghe những buổi liên quan đến vấn đề luật pháp, bản quyền thì sẽ không thể sáng tác được nữa. Tư duy của người nhạc sĩ là tư duy hình tượng còn những việc liên quan đến pháp luật là tư duy logic. Khi nghe các thông tin về bản quyền khiến cho người nhạc sĩ mất cảm hứng sáng tác. Nhạc sĩ không thể kiểm tra được những vấn đề liên quan đến tác quyền nên phải ủy quyền cho cơ quan chức năng quản lý giúp.

Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Phó trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị: Vấn đề bản quyền đã có luật và quy định cụ thể

Hiện nay vấn đề bản quyền đã có luật và quy định cụ thể với từng hình thức để sử dụng tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm âm nhạc nói riêng. Đối với các nhạc sĩ quân đội thì nhiều năm qua, kể cả trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh đến khi hòa bình và xây dựng Tổ quốc, các tác giả đã cống hiến vì nghệ thuật, say mê sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật.

Những ca khúc cách mạng có dấu ấn lịch sử, có sức sống trường tồn qua các giai đoạn và được công chúng yêu quý, trân trọng. Lượng sử dụng các ca khúc cách mạng của công chúng đối với các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ quân đội rất lớn, không chỉ riêng với nhạc sĩ quân đội mà hầu như đối với các nhạc sĩ thì họ “cháy” hết mình vì nghệ thuật, các tác giả cống hiến vì nghệ thuật.

Vì thế, các nhạc sĩ thường không quan tâm hay để ý đến những vấn đề liên quan đến bản quyền. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập phát triển, trước yêu cầu của kinh tế thị trường, thì vấn đề bản quyền không như xưa nữa mà sự vô hình chung, không quan tâm của các nhạc sĩ đó đã đem lại những lợi nhuận rất lớn cho một số công ty hay cá nhân nào đó có sử dụng các tác phẩm của các nhạc sĩ.

Do vậy, để thực hiện đúng theo những luật liên quan đến bản quyền tác phẩm âm nhạc thì bản thân mỗi nhạc sĩ cần phải hiểu biết về vấn đề này, đứng ra để bảo vệ lợi ích của riêng mình hoặc ủy thác cho các đơn vị liên quan có trách nhiệm bảo vệ tác quyền. Như vậy, tránh được việc các công ty hay cá nhân lợi dụng sự “vô tư” của các nhạc sĩ để khai thác vào những mục đích khác nhau.

Tham gia Army Games 2021, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam có sử dụng ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Chúng tôi đã sử dụng bài hát này để dịch sang tiếng Nga, lồng ghép trong một số clip tuyên truyền cho đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam và được phát hành tại Nga.

Để thực hiện việc này, chúng tôi đã thực hiện đúng các thủ tục cấp bản quyền phái sinh tác phẩm (tức tác phẩm đó được khai thác nhiều lần sau khi ra đời). Tác phẩm này được dịch sang tiếng Nga là một lần phái sinh, tác phẩm đó thu thanh bằng tiếng Nga và sử dụng ở một nước khác. Như vậy, có nhiều quy định khác nhau, ở các mức khác nhau, hình thức sử dụng khác nhau.

Chúng tôi phải làm những thủ tục về việc sử dụng bản quyền tác phẩm đó, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền thì đã mất nhưng con gái và gia đình được thừa hưởng tác quyền.

Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao: Tôi thấy BH Media làm chuyện này rất vô lý

Họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao đã lên án việc BH Media xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến Quân ca - Quốc ca do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Tôi thấy BH Media làm chuyện này rất vô lý.

Bài Tiến Quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ cuối năm 1944. Ông sáng tác bài hát với quan điểm là để tuyên truyền, cổ động cho lực lượng vũ trang âm nhạc với ngắn gọn, khúc triết, ca từ dễ thuộc để mọi người có thể hát được.

Bài hát ngay sau khi ra đời đã được đón nhận và lan tỏa rất nhanh. Khi trở thành Quốc ca, mọi người hỏi ông là có chủ ý sáng tác cho Quốc ca, nhạc sĩ Văn Cao khi đó đã trả lời là ông không có ý nghĩ viết bài này để trở thành Quốc ca mà chỉ nghĩ là một bài hát cách mạng, bài ca yêu nước như nhiều ca khúc nhưng khi trở thành Quốc ca là do giá trị bài hát đó làm nên. Tôi cho rằng, tự đứa con tinh thần của mình làm nên giá trị của nó chứ không phải tác giả muốn là được.

Những chuyện “lùm xùm” vừa rồi liên quan đến BH Media là hoàn toàn sai phạm, gia đình tôi đã trao bài hát "Tiến Quân ca" cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Từ trước đến nay, gia đình cũng như nhạc sĩ chưa nhận tiền bản quyền và bản thân tác giả cũng không hề nghĩ đứng ra đòi bản quyền. Khi cha tôi mất đi, ông cũng không bao giờ đặt vấn đề này. Bây giờ, quyền tác giả là hoàn toàn thuộc về tài sản Quốc gia, của Nhà nước.

KHÁNH HUYỀN - TRẦN YẾN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/lum-xum-vu-ban-quyen-am-nhac-bh-media-nhac-si-duc-trinh-doan-nho-len-tieng-677015