Lục Ngạn: Phát triển đô thị bền vững, tạo động lực phía Đông tỉnh Bắc Giang

Theo chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Trước ngưỡng cửa lịch sử, huyện Lục Ngạn đang dồn toàn lực hoàn thành và nâng cao các tiêu chí, gắn việc phát triển đô thị với bảo vệ môi trường, hài hòa với thiên nhiên.

Huyện Lục Ngạn có tổng diện tích tự nhiên là 1.032,53km2, có 28 xã, 01 thị trấn.

Huyện Lục Ngạn có tổng diện tích tự nhiên là 1.032,53km2, có 28 xã, 01 thị trấn.

Đô thị động lực phía Đông tỉnh Bắc Giang

Lục Ngạn là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, có tổng diện tích tự nhiên là 1.032,53km2, có 28 xã, 01 thị trấn. Dân số toàn huyện trên 22,4 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49%, với 08 dân tộc chính (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa) sinh sống đan xen ở 322 thôn, tổ dân phố. Kinh tế của huyện gồm nông, lâm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ, thương mại, trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu.

Thực hiện Nghị quyết số 233-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Bắc Giang về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới) trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động. Với việc dân cư phân tán không đồng đều, do đó việc quản lý, điều hành, thực hiện chính sách an sinh - xã hội khó khăn, thu nhập giữa người dân khu vực thị trấn và vùng cao chênh lệch lớn.

Vì vậy, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính huyện để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới là mục tiêu sát với đặc điểm, tiềm năng, phương án phát triển của huyện và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, đô thị của Đảng, Nhà nước.

Theo kế hoạch, thị xã Chũ được thành lập có diện tích tự nhiên là 251,55km2; dân số là 127.881 người; có 10 đơn vị trực thuộc, gồm 05 phường (Chũ, Hồng Giang, Thanh Hải, Trù Hựu, Phượng Sơn) và 05 xã (Quý Sơn, Nam Dương, Mỹ An, Kiên Lao, Kiên Thành).

Nằm tại vị trí có tiềm năng, lợi thế vượt trội, thị xã Chũ được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ lớn nhất của vùng phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang.

Việc thành lập thị xã Chũ cũng sẽ đáp ứng nhu cầu đô thị hóa trong hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang, yêu cầu của thị trường và phù hợp với năng lực phát triển của địa phương; tạo ra cơ hội hoàn thiện các đô thị hiện hữu, thay đổi mô hình không gian, tạo cơ hội hình thành nhóm các động lực, phù hợp với bối cảnh kinh tế vùng.

Bên cạnh đó, tạo ra những chuyển biến, thay đổi tích cực, đón nhận cơ hội hình thành 8 cực tăng trưởng phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống các đô thị thuộc vùng Thủ đô Hà Nội và vùng trung du miền núi phía Bắc; thiết lập mô hình chính quyền đô thị để trở thành đô thị thủ phủ trái cây, hình thành vùng sinh thái nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của miền Bắc. Từ đó tạo ra những động lực mới cho phát triển xã hội và tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài cho các khu vực mở rộng.

Xây dựng “Đô thị trong vườn, vườn trong đô thị”

Là một huyện miền núi, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, công tác đầu tư nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Tuy vậy, trong những năm qua, huyện Lục Ngạn đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị, với quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững, gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng tới xây dựng “đô thị trong vườn, vườn trong đô thị”.

Huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới) trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động.

Huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới) trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Vương Tuấn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 233-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, thời gian qua, huyện đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nội dung, nhất là tiêu chí hướng tới thành lập thị xã Chũ vào năm 2025.

Hiện nay, Đề án Quy hoạch chung đô thị Chũ đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Đề án khác như: Đề án đề nghị công nhận đô thị Chũ mở rộng là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bắc Giang đã trình lên Bộ Xây dựng; Đề án sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính cơ bản đã xong về mặt nội dung.

Huyện Lục Ngạn cũng đã tập trung rà soát toàn bộ hiện trạng, các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại IV đối với khu vực dự kiến thành lập thị xã Chũ, từ đó có kế hoạch, lộ trình, bố trí nguồn lực để đầu tư các dự án đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, năm 2023, huyện đã hoàn thành triển khai 18/25 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án chỉnh trang đô thị, hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… Các dự án còn lại như dự án nhà máy xử lý nước thải, đầu tư nhà máy xử lý cấp nước, công viên, khu liên hợp thể thao… đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện.

“Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã đồng ý chủ trương và bố trí ngân sách cho các dự án nêu trên, dự kiến từ giờ tới cuối năm huyện sẽ triển khai đồng bộ. Đối với các tiêu chí để đô thị Chũ đạt loại IV và tiến tới trở thành thị xã, hiện nay cơ bản các tiêu chí đã vượt, đáp ứng 83 – 83,5 điểm, trong khi tiêu chí tối thiểu đối với đô thị miền núi như huyện Lục Ngạn chỉ cần 75 điểm. Đối với một số tiêu chí khác, huyện cũng đang tập trung triển khai quyết liệt, đảm bảo hoàn thành và phục vụ người dân trong thời gian sớm nhất”, ông Vương Tuấn Nghĩa thông tin thêm.

Theo quy hoạch chung, thị xã Chũ có tính chất là thị xã sinh thái, động lực phát triển khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao, logistics với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua và du lịch, dịch vụ, do đó ngoài những tiêu chí còn thiếu, còn yếu sẽ phải tính toán đến lộ trình tương lai.

Theo chia sẻ của ông Vương Tuấn Nghĩa, huyện Lục Ngạn dành nhiều quỹ đất sạch để thu hút các công trình dịch vụ. Nổi bật như khu vực hồ Khuôn Thần đã được quy hoạch khoảng 1.500ha. Nếu thu hút được các nhà đầu tư thì đây sẽ trở thành một khu trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đây cũng sẽ là động lực phát triển lớn về du lịch của huyện Lục Ngạn.

Ngoài ra, huyện cũng tạo nhiều điều kiện để phát triển các dự án khách sạn, lưu trú. “Lục Ngạn có rất nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nếu phát triển được các khu du lịch dịch vụ, tận dụng được cảnh quan, Lục Ngạn sẽ trở thành đô thị đa cực, với trọng điểm là các khu dịch vụ du lịch, kết nối bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, song song với những khu dân cư và canh tác nông nghiệp công nghệ cao”, ông Vương Tuấn Nghĩa chia sẻ.

Được mệnh danh là “thủ phủ” vải thiều của cả nước, Lục Ngạn mang nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, trong lộ trình xây dựng và phát triển đô thị trong tương lai, huyện Lục Ngạn hướng tới đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ nông nghiệp.

Huyện cũng đang cân nhắc đầu tư các kho lạnh bảo quản nông sản và quy hoạch chợ đầu mối có quy mô lớn. Theo đó, sẽ mời các chuyên gia hướng dẫn người dân chăm sóc để vừa đảm bảo chất lượng, vừa phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Kim Thoa – Thân Nam – Tuấn Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/luc-ngan-phat-trien-do-thi-ben-vung-tao-dong-luc-phia-dong-tinh-bac-giang-375644.html