'Lực lượng sản xuất mới' - động lực của tăng trưởng

Điểm đáng chú ý nhất tại kỳ họp Lưỡng Hội 2024 là nội dung 'lực lượng sản xuất mới' được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Đây không chỉ là mục tiêu lâu dài để tiến tới tự chủ về công nghệ trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn của Trung Quốc mà nó còn là động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh những thay đổi mạnh mẽ về địa chính trị trên thế giới.

Nội hàm của cũ và mới

Cụm từ “lực lượng sản xuất mới” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên trong chuyến thăm tỉnh Hắc Long Giang ở phía Đông Bắc Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Lúc đó, ông chỉ ra rằng, “năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất công nghệ cao” là những ngành công nghiệp cần trở thành “lực lượng sản xuất mới” của nền kinh tế. Sau đó, tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương tháng 12 năm ngoái, cụm từ này được đặt ở vị trí đầu tiên trong 9 nhiệm vụ kinh tế.

"Lực lượng sản xuất mới" sẽ tập trung vào những ngành năng lượng mới, vật liệu mới, sản xuất công nghệ cao. Trung Quốc sẽ khởi động sáng kiến AI plus, nghiên cứu phát triển R&D, ứng dụng Big Data và AI, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Như Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc họp Trung ương Đảng hồi tháng 1.2024, Trung Quốc sẽ xây dựng khả năng tự lực, tự cường ở mức độ cao về khoa học và công nghệ, đồng thời tạo ra những đột phá trong các công nghệ cốt lõi. Hơn nữa, Trung Quốc đang chuẩn bị hồi sinh nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy các sáng kiến xanh, cải cách quan hệ sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp năng động giữa giáo dục, khoa học và đào tạo nhân sự.

Phát triển ôtô chạy bằng năng lượng mới sẽ là một trong những trọng tâm của Trung Quốc thời gian tới. Ảnh China Daily

Bằng cách sử dụng cụm từ các "lực lượng sản xuất mới", Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc thay thế các động cơ tăng trưởng cũ của Trung Quốc. Nói cách khác, Chủ tịch chỉ ra rằng đã đến lúc ngừng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản như là động lực của tăng trưởng. Điều đó cũng đồng nghĩa đầu tư công xây dựng đường cao tốc, đường sắt và giải cứu thị trường bất động sản không còn là ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh nữa.

Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính và công nghệ thông tin của "lực lượng sản xuất mới", ám chỉ kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm nâng cấp nền kinh tế bằng các ngành công nghệ nội địa. Sự trỗi dậy của lực lượng sản xuất mới báo hiệu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong bối cảnh kinh tế của Trung Quốc, thay thế các động lực tăng trưởng lỗi thời bằng những động lực năng động hơn và tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế bền vững và mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

“Bộ ba công nghiệp mới”

Trong các cuộc thảo luận tại các phiên họp của Nhân đại toàn quốc, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến cụm từ “bộ ba công nghiệp mới”, gồm: tấm pin mặt trời, ô tô điện và pin lithium. Đây cũng là một khái niệm bổ sung cho cụm từ "lực lượng sản xuất mới". Bằng cách thúc đẩy khái niệm "bộ ba công nghiệp mới", chính quyền muốn khắc họa Trung Quốc đang bước vào thời đại mới, đối lập với các lĩnh vực cũ trong các thời kỳ trước đây vốn là các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, lắp ráp điện tử, các ngành công nghiệp ô nhiễm từng đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Tờ Global Times dẫn lời ông Guo Guoping, một đại biểu của Nhân đại toàn quốc, đồng thời là nhà khoa học trưởng của Origin Quantum cho biết: việc tạo ra "lực lượng sản xuất mới" là một bước quyết định trong quá trình phát triển chất lượng cao của nền kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc chuyển đổi kinh tế và cách mạng công nghệ sâu rộng. Ông Guo Guoping nhận định điều đó giúp vạch ra kế hoạch chi tiết về sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi và mang tính chiến lược, đồng thời đưa ra các đề xuất hướng dẫn về trí tuệ, động lực số hóa của các ngành công nghiệp truyền thống.

Thực tế hiện nay, các nhà nghiên cứu cho biết, Trung Quốc đã dẫn đầu 37 trong số 44 công nghệ tiên phong quan trọng của thế giới, bao gồm cả truyền thông, vật liệu mới, năng lượng mới, cảm biến và điều hướng, máy bay không người lái và siêu âm. Trung Quốc cũng dẫn đầu trong một số lĩnh vực AI, công nghệ sinh học, robot và điện toán lượng tử. Trong một thập kỷ nữa, sự dẫn đầu của Trung Quốc trong nghiên cứu cơ bản sẽ tạo ra một thế hệ năng lực công nghiệp hoàn toàn đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Đây cũng chính là hướng đi mới của Trung Quốc khi chuyển từ nền kinh tế phát triển về lượng sang nền kinh tế phát triển về chất, bền vững, có trách nhiệm với môi trường.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/luc-luong-san-xuat-moi-dong-luc-cua-tang-truong-i365434/