Lục địa thứ 8 vốn 'thất lạc từ lâu' ở đâu trên bản đồ thế giới?

Một lục địa 'đã thất lạc từ lâu' chỉ mới được tiết lộ từ năm 2017. Nó mang tên Zealandia, nằm bên dưới New Zealand ở Nam Thái Bình Dương. Mới đây, các nhà địa chất đã thành công trong việc đưa vùng đất rộng lớn này lên bản đồ thế giới.

Bản đồ thế giới sẽ sớm cập nhật tiểu lục địa mang tên Zealandia, được hình thành bằng cách tách ra khỏi lục địa Nam Cực.

Người Maori bản địa ở New Zealand cũng đặt tên cho kho báu dưới nước này là Te Riu-a-Maui. Tên gọi đó có nghĩa là “những ngọn đồi, thung lũng và đồng bằng của Maui - miền Đông vĩ đại”.

Giới khoa học cho rằng lục địa thứ 8 này có diện tích gần 5 triệu km2, bằng khoảng một nửa diện tích Australia. Nhưng người ta thường thắc mắc tại sao mãi đến vài năm trước nó mới được phát hiện?

“Đây là một ví dụ về việc một điều gì đó rõ ràng nhưng phải mất một thời gian mới phát hiện ra”, ông Andy Tulloch, một trong những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lục địa này và là nhà địa chất tại GNS Science, thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia New Zealand, cho biết.

Theo phân tích, khả năng khó nắm bắt của lục địa này còn là do khoảng 94% khối lượng của nó bị Thái Bình Dương nhấn chìm. 6% còn lại là phần tạo nên các đảo Bắc và Nam của New Zealand, các đảo lân cận do Pháp quản lý

Nhưng phần lớn tiểu lục địa chìm dưới nước trong 23 triệu năm qua. Trước đó, khoảng 175 triệu năm trước, Gondwanaland, siêu lục địa cổ đại, đã tách thành Nam Cực, Ấn Độ, Australia, châu Phi và Nam Mỹ.

Các nhà nghiên cứu chắc chắn rằng Zealandia đã tách ra từ Nam Cực khoảng 100 triệu năm trước mà không bị phát hiện.

Trong những năm qua, các nhà khoa học có quan điểm khác nhau về cách phân loại, liệu đây là tiểu lục địa, lục địa ngập nước hay mảnh lục địa?

Đáng chú ý, một nhóm các nhà khoa học đã công bố một nghiên cứu vào năm 2017 nhằm thúc đẩy việc công nhận nó là một lục địa, với lý do diện tích đất liền của Zealandia đủ điều kiện để được coi là lục địa.

Phần lớn khối lượng của lục địa thứ 8 này nằm ở độ sâu 2 km dưới mực nước biển.

Nhưng các nhà khoa học đã tận dụng tối đa những gì họ có thể tìm thấy - các mẫu đá được lấy lên từ biển thông qua các hoạt động khoan và nạo vét.

Những sa thạch và đá cuội này, được cho là khoảng 90 triệu năm tuổi, chứa đá granit và sỏi núi lửa lâu đời hơn nhiều, bằng chứng cho thấy Zealandia từng là một dãy núi lửa khô và đang hoạt động.

Phân tích các mẫu đá này kết hợp với các kỹ thuật lập bản đồ địa vật lý, giờ đây, các nhà khoa học đã có thể vẽ được bản đồ lục địa.

Bản đồ mới được công bố cho thấy các phần nhìn thấy được và phần ngập nước của lục địa.

Hy vọng rằng cùng với 7 lục địa đã biết (Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Đại Dương), con người sẽ sớm khám phá được những bí mật của lục địa thứ 8 này

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/luc-dia-thu-8-von-that-lac-tu-lau-o-dau-tren-ban-do-the-gioi-post554484.antd